Bộ Tài Chính kiến nghị giải pháp cứu ngành cà phê

Bộ Tài chính kiến nghị cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng chính sách kéo dài thời gian vay vốn tín dụng xuất khẩu tối đa trên 36 tháng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê

Theo đề nghị của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu theo như quy định tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các mặt hàng nông sản thuộc đối tượng vay vốn tín dụng xuất khẩu bao gồm: Chè, hạt tiêu, hạt điều đã qua chế biến, rau quả (hộp, tươi, khô, sơ chế, nước quả), đường, thịt gia súc gia cầm, cà phê, thủy sản. Thời hạn cho vay tối đa, kể cả thời gian gia hạn nợ là 12 tháng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu (TDXK) đối với mặt hàng cà phê đến 31/5/2013 là 696 tỷ đồng (chiếm 6% tổng dư nợ TDXK). Trong đó, 100% là nợ quá hạn, chủ yếu tập trung ở 2 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước là Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa. Dư nợ TDXK của 2 doanh nghiệp này là 392 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dự nợ TDXK cho vay để xuất khẩu cà phê. Thời hạn cho vay đối với mặt hàng cà phê thông thường từ 4-6 tháng tùy thuộc và hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chu kỳ kinh doanh có giai đoạn giá xuất khẩu cà phê xuống thấp nên các doanh nghiệp có xu hướng găm hàng đợi giá lên hoặc bán trong nước để giảm lỗ. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu kéo dài thời hạn cho vay tín dụng xuất khẩu.

Cũng theo nguồn tin từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong các doanh nghiệp vay vốn tín dụng xuất khẩu có doanh nghiệp đáp ứng được hợp đồng xuất khẩu, có bộ hồ sơ chứng từ gửi lại Ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp khi vay vốn tín dụng xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được hàng (vì những lý do khác nhau). “Do vậy, chính sách đối với các doanh nghiệp có bộ hồ sơ xuất khẩu cần có sự khác biệt đối với các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và doanh nghiệp không có hàng xuất khẩu” – phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị.

Theo rà soát của Bộ Tài chính, các Nghị quyết, Nghị định trước đó về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu các dự án vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ bao gồm các mặt hàng thủy sản, rau quả, không bao gồm mặt hàng cà phê. Trường hợp Chính phủ cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP thì cần bổ sung sửa đổi Nghị định số 54/2013 để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Từ tình hình trên, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng chính sách kéo dài thời gian vay vốn tín dụng xuất khẩu tối đa trên 36 tháng theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Đối tượng áp dụng đối với doanh nghiệp thực sự có hàng xuất khẩu có khó khăn về tài chính.

Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên qua trình Chính phủ Nghị định bổ sung Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ theo trình tự rút gọn.

Về thực trạng ngành cà phê hiện nay, Bộ NN&PTNT cho biết: Do thiếu vốn nên 2 năm qua các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, trung bình 17%/năm. Các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà phê trong nước gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn của ngành cà phê còn có các nguyên nhân khác như vấn đề quy hoạch và đầu tư đối với cây cà phê như: chậm tái canh trong khi cà phê già cỗi khiến cho năng suất thấp, chất lượng kém; người trồng cà phê tiềm lực tài chính yếu, không có khả năng đầu tư giống, chăm sóc… Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê, bên cạnh các giải pháp về tín dụng cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết các tồn tại, yếu kém liên quan đến các nguyên nhân nêu trên.

Còn theo thông tin từ Vicofa, dư nợ xấu vay ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam của các doanh nghiệp cà phê hiện nay vào khoảng 6.330 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản nợ vay ngân hàng thương mại của các đại lý thu mua cà phê, các hộ kinh doanh cá thể, các công ty thu mua và một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê khác).

Như vậy, nợ quá hạn TDXK đối với mặt hàng cà phê tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11% tổng dư nợ xấu vay của các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp KDXK cà phê, do đó, nếu chỉ xử lý gia hạn nợ vay TDXK đối với mặt hàng cà phê tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì cũng không giải quyết được triệt để khó khăn về vốn đối với ngành hàng này. “Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng NNVN chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê” – Bộ Tài chính khẳng định.

Theo: VOV

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Gold Coffee

    Tin TỐT NHẤT của năm 2013.
    Cứu các doanh nghiệp trong ngành cà phê và xin hãy cứu chúng tôi, những nông dân tâm huyết với cây cà phê!

    1. nguyendinhngoc

      Nông dân đoàn kết để cứu nông dân thôi. Mình thấp cổ bé họng suốt ngày chui trong gốc cà phê ai biết mà cứu.

    2. nguyen Hung

      Tôi thấy hỗ trợ DN cũng đc nhưng bắt DN mua với giá 40 là mức giá trung bình của các năm là ok nhất , khi nào giá thế giới lên thì DN bán có sao đâu.

  2. HỒ XUÂN HƯƠNG

    Về giải pháp mà thứ trưởng Trần Xuân Hà vừa trình Thủ tướng nên ưu tiên cho nông dân để có vốn đầu tư cho caphe, nếu như trong thời điểm hiện nay trong tình trạng giá xuống quá thấp thì nông dân được ưu tiên vay lãi xuất = o%. Tôi nhớ cách đây khoảng mười mấy năm người trồng caphe đã được một lần như vậy, ai đã trả lãi nếu còn biên lai mang tới ngân hàng thì được hoàn lại còn ai vay mới thì lãi xuất =0, hình như chỉ áp dụng cho ngân hàng phát triển nông nghiệp và nông thôn.
    Vì tương lai của ngành caphe và sự phát triển chung của đất nước rất mong chính phủ quan tâm tới vấn đề này.

  3. Trần Đình Sơn La

    Đề bài báo lạm xưng. Đọc xong bài báo, thấy Bộ TC quyết trình chính phủ để cứu vài doanh nghiệp kinh doanh cẩu thả, thiếu kỷ luật trong quản lý tiền bạc khi mua bán, thật sự gây hại cho bản thân họ và ngành cà phê. Rồi đây ai sẽ phải trả các khoản nợ vô phương lấy lại ấy? Chắc là dân và nông dân phải cày nộp thuế để cho những doanh nghiệp này phá.
    Nếu cứu, hãy cứu nông dân trước, cứu những doanh nghiệp đang sống nhưng thiếu vốn để họ còn bung lên được, làm giàu cho đất nước, để qua cơn khó khăn hiện nay. Còn cứu cho những xác chết, dù có đổ sâm cao ly hàng tạ, vẫn không ngóc đầu dậy được. Nên càng cứu họ càng mất tiền của nhân dân.

    1. Phạm Ánh

      Mình đồng quan điểm với bạn, dân giàu thì nước mới mạnh được! Cứu doanh nghiệp để rồi giá cà phê vẫn cứ bấp bênh thì có nên làm hay không?

    2. đặng văn trung

      Mình đồng ý kiến với bạn. Không lẻ người nd cứ khổ để làm giàu cho những doanh nghiệp, tự làm thì tự chịu.

  4. Co

    Đúng vậy phải hỗ trợ cho dân trước để dân còn có động lực duy trì cây cà phê. Nếu không lại như cây lúa. Ở chỗ tôi họ đang bỏ dần cà phê vì thấy bấp bênh quá. Đầu tư thì quá trời nhưng khi thu hoạch giá thấp không gỡ nổi.

  5. Văn Dân

    Thà đau một lần còn hơn
    Cứ để các doanh nghiệp tự đào thải rồi chúng ta sẽ có một thị trường cà phê lành mạnh mà ở đó ai khôn sẽ sống, dại thì phá sản.

  6. vo ngoc thanh

    Anh Văn Dân nói hay lắm. Nhưng xin anh nghĩ lại mấy ông kia chết thì mình cũng tắt thở anh à. Chỉ khổ người nông dân thôi.
    Tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải tự cứu lấy mình mà thôi không trông chờ vào ai hết. Tự mình lên phương án để tìm lấy hướng đi cho mình.

  7. nguyen thi thuy hang

    Dân giàu thì nước mới mạnh. ngân hàng Nhà Nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng cà phê thì ngành cà phê mới mạnh lên được. trên mới là giải pháp tạm thời cho ngành cà phê thôi . Các bác còn nhớ vụ chìm tàu Vinashin chứ. Hơn 6.330 tỷ con số nay còn sinh sản nữa chứ.

    1. Trúc Mai

      Trúc Mai . Đồng quan điểm với các bạn nhà nước nên đầu tư cho nông dân trồng cà fe với lãi xuất ưu đãi 0% là tốt nhất kính mong nhà nước xem xét .

  8. Trần Khắc Trí

    Tôi cũng nghĩ như một số bạn ở trên, muốn cứu lấy ngành cafe thì trước tiên nên hỗ trợ cho nông dân trồng trực tiếp cây cafe, vì muốn có cafe mà xk thì nhờ đến người nông dân trồng và sản xuất ra nó trước. Ví dụ: cà phê xuống quá thấp làm người trồng nản rồi bỏ hoặc khôg chăm bón thì đâu ra sản lượng và chất lượng, lúc đó hỗ trợ Dn thì Dn họ quá vui mừng đi chứ, không phải chăm bón nhưng vẫn được hỗ trợ từ tiền nhà nước. Theo tôi, những năm giá xuống nên đồng loạt hỗ trợ ND trước, hỗ trợ Dn sau là đúng nhất.

  9. VanNgoan

    Đổ tiền vào cho Doanh nghiệp mua tạm trữ khi giá rẻ thế này, nếu nông dân chúng ta chưa bán thì tiền ấy doanh nghiệp lại đem gửi ngân hàng để lấy lãi à ? Trong khi chúng ta đang thiếu vốn đầu tư lại cho vụ sau, đành vay ngoài với lãi cao vậy. Thật không thể hiểu nổi mấy ông ngồi một chỗ hoạch định chính sách không có một tí gì là hỗ trợ nông dân. NGÁN !

  10. phamvanloi2608

    Nhà nước cứu doanh nghiệp cà phê nhằm kích thích đầu vào
    Nhu cầu mua vào nhiều thì giá sẽ tăng. Năm nay nghe nói cấm hết doanh nghiệp ngoại thu mua rồi
    giờ còn mấy DN nội đang ngấp ngoái bác nào có phương án hay để cứu cả Doanh nghiệp và cả nông dân không ?

    1. pham thanh tan

      Tôi đồng tình với bạn Lợi. Nếu có trách thì trách NN mình chậm quy hoạch ngành cafe trong nước thôi, chứ DN người ta tuy có đầu tư kiếm lời thật nhưng buông ra DN sẽ chết vì đa số DN là người trực tiếp cho nông dân vay vốn đầu tư tái sản xuất cây cafe. Mà sao tôi cứ thắc mắc mãi nhiều sản phẩm mình sản xuất nhất nhì thế giới mà lại bị thị trường thế giới điều tiết vế giá?

  11. nguyenthihang

    Giá cà càng lúc càng hạ thế này thì nông dân chắc phá sản luôn quá. Đầu tư nhiều mong cuối năm giá cao tí để thanh toán nợ mà giá thế này nếu trả nợ thì lấy gì mà tiếp tục sinh sống và đầu tư vào cafe đây.

  12. nguyendinhngoc

    Chữ “tâm” kia mới bằng ba chữ “tài”. Doanh nghiệp thương dân thì dân sống, doanh nghiệp cũng phát triển. Còn ngược lại dân ốm thì doanh nghiệp có cà phê đâu mà mua mà ép giá.

Tin đã đăng