Cấm DN FDI thu mua nông sản: Chắc gì nông dân lợi !

Việc cấm doanh nghiệp FDI trực tiếp thu mua nông sản để xuất khẩu có thể gây ra thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp.

Hôm nay (7-6), Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa, các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ có hiệu lực. Theo đó, DN FDI đã có giấy phép xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu. Chứ DN FDI không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.

Theo GS Võ Tòng Xuân, cà phê, điều, hồ tiêu… của nông dân được mua giá ổn định hơn khi hợp tác với DN FDI. Ảnh: Tam Anh

Theo nhiều ý kiến ủng hộ thì quy định này sẽ ngăn chặn tình trạng DN FDI lách luật, tranh mua tranh bán và thao túng thị trường nông sản, gây tổn thương cho DN trong nước. Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân lại cho rằng vấn đề có thể “lợi bất cập hại”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành sản xuất nông sản xuất khẩu nước ta.

“Không nên vì bênh vực DN trong nước mà thu hẹp quyền lợi của DN FDI. Nói chính DN FDI tranh mua hết nguyên liệu, thu mua bừa bãi sản phẩm, tự ý đẩy giá hàng hóa lên cao để gây khó khăn cho DN trong nước là chưa hẳn đúng. Nông dân chỉ bán nông sản cho DN nào thu mua giá cao, có lợi thì họ bán. Trong nền kinh tế thị trường, việc các DN cạnh tranh nhau về giá là hợp lý và điều này có lợi cho nông dân, cho ngành sản xuất đó. Còn chuyện làm rối thị trường, thu gom nông sản không kể chất lượng tốt xấu chỉ những thương lái đơn lẻ từ bên kia biên giới sang làm, không thể nói đó là DN FDI” – GS Xuân lý giải.

Cũng theo ông, DN FDI có nguồn lực mạnh về vốn, nhân lực chất lượng cao, hệ thống quản lý hiệu quả, hạ tầng và công nghệ hiện đại… là những yếu tố quan trọng đảm bảo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Chính những lợi thế này giúp DN FDI có thể mua nông sản giá cao cho nông dân. Vì thế, việc cấm DN FDI tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu có khả năng dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trường hợp xấu nhất được nhiều chuyên gia dự báo là DN FDI rút vốn hoặc do dự khi đầu tư vào Việt Nam, vì hiện đầu tư gián tiếp thông qua DN nội địa còn nhiều hạn chế. Nếu không đầu tư nữa, họ sẽ thu hồi dây chuyền công nghệ, nhân lực quản lý… Sau đó họ đầu tư nhà máy công nghệ chế biến ở Campuchia, Thái Lan rồi thu mua nguyên liệu từ Việt Nam. DN FDI vốn sử dụng nhiều lao động nên nếu họ thu hẹp đầu tư, nhiều người lao động trong nước sẽ mất việc. Đây là thiệt hại cho cả ngành nông nghiệp.

Một vấn đề đáng lưu ý được nhiều chuyên gia xuất khẩu đặt ra là: Có bao nhiêu DN trong nước chịu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân? Con số chắc chắn rất ít, trong khi DN FDI lại làm tốt điều này.

Ví dụ, khi hợp tác với DN FDI, nông dân ngành cà phê, điều, hồ tiêu được mua giá ổn định, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và phân bón. Đổi lại, DN FDI có nguồn nguyên liệu ổn định. Trong lúc đó, DN trong nước lại tranh mua tranh bán, hạ giá giành hợp đồng khiến giá xuất khẩu giảm, kéo theo giá trong nước. Chưa kể tính cạnh tranh, năng lực xuất khẩu của ngành nông nghiệp sẽ ngày càng yếu đi do thiếu sự hiện diện và động lực từ các DN FDI.

Trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành chính sách nhằm hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh là cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam cần đồng thời tạo ra một sân chơi công bằng cho sự cạnh tranh giữa các DN FDI và DN trong nước theo cơ chế thị trường. Khi đó, DN yếu kém sẽ tự bị đào thải, DN có năng lực tất tồn tại được.

Phạt tiền 30-40 triệu đồng

Tại Điều 15, Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại nêu rõ sẽ phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với DN FDI vi phạm một trong các hành vi sau:

– Tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bon

    Bàn luận về chính sách thì chỉ có đúng hoặc chưa đúng. Còn “chắc, lép” thì không thể hơn được lợi ích nhóm rồi GS ạ !

  2. ngọc bảo lộc

    Chào cả nhà,
    1.Thật ra thì Việt Nam sản xuất khoảng trên một triệu tấn cà phê nhân một năm, cũng không có con số chính xác là nông dân đã bán được giá cao là bao nhiêu (sản lượng)cho doanh nghiệp FDI, và giá cao là ở giá nào?
    2.Nếu nói như thế thì phần trăm sản lượng đã bán cho doanh nghiệp trong nước là bao nhiêu? và giá thấp là giá nào?
    Không biết bác nào có thể trả lời để cho mọi người tham khảo được không?

    1. Tuấn Dilinh

      Ý kiến quá mâu thuẫn !
      Chỉ có 2 đối tượng DN nội và DN FDI mua. Đã cho là không thể xác định được con số của đối tượng này thì lấy gì để xác định con số của đối tượng kia?

  3. Ham Rong

    Cấm các doanh nghiệp FDI thu mua trực tiếp sản phẩm từ nông dân là một Nghị định thiéu chất xám cả bề sâu lẫn bề rộng. Họ sẽ chuyển hướng qua thị trường Campuchia, Thái Lan, Mynmar … hệ quả là người dân làm ra sản phẩm không trực tiếp hưởng lợi của việc gia nhập WTO mà khả năng người lao động bị mất công ăn việc làm rất lớn. Chính sách ra đời vì dân hay vì lợi ích của một bộ phận nhỏ … không hiểu nổi.

  4. Cafe vỉa hè

    Tại sao không chịu nhìn thẳng vào sự thật mà cứ tự lừa dối mình hay vì lợi ích nhóm? Năng lực, tư duy, vốn liếng… của DN nội vật lộn với khoảng 1/3 cà phê sản xuất ra đã kham nổi chưa? Khi DN FDI ra đi hết thì còn cả triệu tấn cà phê để ai ăn cho hết? Hay là Bộ Công thương mua cho nông dân? Có lẽ ý đồ của các vị là để DN nội mua rẻ của dân để đi bán đỗ bán tháo mà chia nhau hay sao đây?

    Cần có câu trả lời và trách nhiệm của ai đó với dân với nước cụ thể hơn.

    1. bienho

      Anh phải chịu khó suy nghĩ một tí. Ai là người lobby chuyện này với Bộ Công thương ? Trả lời luôn : Vinacfe , Tin Nghia , Simexco , Intimex (DN lớn vốn nhà nước và Đảng )… và một số doanh nghiệp nội địa vốn khá như Trường Ngân + Thái Hòa (phá sản rồi)… Chính các vị này muốn độc quyền thu mua với nông dân thì mới ép giá đựoc chứ . Nhưng họ quên mất một điều là họ sẽ bán cho ai ? Cà phê tiêu thụ nội địa chưa tới 10% sản lượng vụ mùa , doanh nghiệp nội địa thì kinh doanh thua lổ bét nhè , phá sản như rươi . Điển hình như Trường Ngân vừa rồi và sẽ còn nhiều , nhiều DN như thế … Hệ quả tất yếu là sản phẩm nông dân SX ra sẽ tồn đọng hàng ngàn tấn ngay tại sân nhà mà không có lối ra và chắc chắn giá sẽ về như năm 2000-2001 trong thời gian đến . Hậu quả là người trồng cà phê dãi dầu mưa nắng sẽ lảnh đủ.

      1. hoang thang

        Vậy đó chính sách là như vậy, lợi ích cho ai không cần thiết, nhưng mà bỏ phiếu tín nhiệm cho chính sách bây giờ có lẽ là vui đấy nhỉ, QH chuẩn bị bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức rồi huề cả làng giống như TP Hà Nội đã làm! Y5Cafe làm cuộc bỏ phiéu nhỏ xem nghị định vừa qua của chính phủ xem thế nào! đó cũng là đánh giá của dân xem NĐ chính phủ có đủ tín hiệm không, cũng chẳng ham muốn gì hơn là muốn mọi người thấy chính quyền hiện nay có còn toàn tâm toàn ý chăm lo cho dân không

  5. Còi

    Cầu mong văn bản này cũng sớm chết yểu như văn bản quy định “thịt 8 giờ” của Bộ NN& PTTN. Quy định cấm DN FDI mua nông sản trực tiếp của nông dân thì chắc chắn làm khó cho nông dân rồi chứ chưa chắc gì nữa! chính sách này chỉ hà hơi tiếp sức cho mấy DN nội chết lâu rồi mà chưa chôn thôi.

    1. Cafe vỉa hè

      Trước mắt, kể từ ngày 7/6 không còn DN FDI thu mua cạnh tranh, bà con sẽ thấy giá cà phê và giá hạt tiêu rớt thê thảm, trong khi thị trường nước ngoài vẫn vững giá nếu chưa nói ngược lại là giá đang tăng.
      Bà con hãy chống mắt ráng mà xem hiệu quả của chính sách.

      1. dakcuong

        Chính xác quá. Tôi là một nông dân và thấy tất cả chỉ dân là thiệt thòi. Sự thật các bạn nông dân thấy rõ rồi đấy.

Tin đã đăng