Thời gian qua, khối lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trên thị trường thế giới, song về mặt giá trị, cà phê mang lại lượng ngoại tệ cho đất nước không nhiều.
Trong cơ chế thị trường, nguồn vốn quan trọng nhất phải đến từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và kể cả đầu tư của các doanh nghiệp Việt kiều. Bên cạnh những vấn đề về chất lượng, giá cả, việc nỗ lực mở rộng tiếp thị, xúc tiến thương mại cũng là những yếu tố hết sức cần thiết.
Công ty cà phê Royal Pacific được thành lập năm 2006 ở Winterthur, Thụy Sĩ, đã luôn chú trọng tìm kiếm nhập khẩu các loại cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam. Qua vài năm phấn đấu không mệt mỏi, cố gắng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cà phê UTZ Rainforest Allianc (giấy chứng nhận sản phẩm cà phê bền vững, chất lượng tốt, đảm bảo môi trường sinh thái trên thế giới), công ty đã gây dựng được thương hiệu cà phê Việt và được nhiều khách hàng Thụy Sĩ biết đến.
Cửa hàng kinh doanh cà phê Việt của Công ty Royal Pacific.
Giám đốc điều hành, ông Bruno Mueller, cho biết những hương vị tinh tế của bản sắc cà phê Việt Nam đã lôi cuốn các khách hàng Thụy Sĩ. Không giống như phong cách cà phê Starbuck của Mỹ, hay phong cách Milan của Italia, cà phê Việt hầu hết được pha theo phong cách Pháp, tức là dùng phin, tạo nên một mùi thơm ngất ngây pha chút ngai ngái.
Chìa khóa để kinh doanh thành công của công ty chính là tạo được sự uyển chuyển trong khi vẫn giữ được nét tinh hoa của cà phê Việt. Công ty của ông còn cung cấp đầy đủ từ máy xay nguyên hạt đến bộ phin pha cà phê để đảm bảo được độ tinh tế cho các khách hàng yêu hương vị cà phê Việt.
Giấy chứng nhận quốc tế đảm bảo chất lượng cà phê Việt.
Là người Thụy Sĩ, ông Bruno Mueller hiểu rõ nét văn hóa và gu ẩm thực của người dân sở tại, cũng như biết cách quảng bá các sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng Thụy Sĩ. Cùng với tâm huyết của người vợ Việt (chị Phú), ông đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh.
Ông Mueller cho biết, ngoài các chiến lược marketing thông thường trên báo chí, các cuốn sách in bắt mắt, đưa các hình ảnh sản phẩm lên trang web www.royalcoffee.ch, công ty ông luôn cố gắng nâng cao chất lượng để chính khách hàng là những người quảng bá hữu hiệu nhất qua việc truyền khẩu. Có những khách hàng truyền thống luôn tìm đến cửa hàng của công ty ông để có được những sản phẩm Việt Nam. Nhiều người Thụy Sĩ khi đi du lịch Việt Nam đã được thưởng thức các món ăn, nhâm nhi tách cà phê Việt, cũng đã tìm đến cửa hàng của ông để lấy lại những cảm giác và những phút giây tuyệt vời ở Việt Nam.
Chị Phú giới thiệu các sản phẩm củaViệt Nam.
Chị Phú, Giám đốc phụ trách mua bán của Royal Pacific, tâm sự: Chị mong muốn được cung cấp ngày càng nhiều các sản phẩm Việt Nam sang thị trường Thụy Sĩ. Với may mắn cùng hợp tác với chồng là người Thụy Sĩ cũng rất gắn bó với Việt Nam, chị đã có được nguồn cổ vũ để thực hiện hoài bão của mình. Công ty chị đã rất thành công khi giới thiệu các sản phẩm cà phê của Việt Nam ở Thụy Sĩ.
Kể từ năm 2011, chị đã trực tiếp đến các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng ở Việt Nam để đưa thêm mặt hàng chè Việt Nam ra thị trường Thụy Sĩ và đã được các khách hàng Thụy Sĩ đánh giá rất cao. Gần đây, chị cũng đã giới thiệu thêm cả mặt hàng như hạt tiêu, hạt dẻ và đặc biệt là nước mắm Phú Quốc nhãn hiệu Thanh Hà đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng Giải thưởng Bông lúa Vàng Việt Nam lần thứ nhất, năm 2012.
Chị Phú cho biết, chị đã có những khách hàng đặt mua với số lượng lớn nước mắm Phú Quốc để cung cấp cho các nhà hàng ở Thụy Sĩ và họ rất hài lòng về chất lượng của sản phẩm này. Trong thời gian tới đây, chị sẽ cố gắng đưa thêm mặt hàng gạo Việt Nam vào thị trường Thụy Sĩ. Tuy vẫn còn một số hạn chế nhất định như gạo Việt Nam chưa được bảo quản tốt, vẫn còn bị sạn, dễ ẩm mốc… song đây là mặt hàng chủ lực của bà con nông dân Việt Nam, nên chị vẫn cố gắng hết sức để gạo Việt Nam được các khách hàng Thụy Sĩ chào đón.