Hình như giới đầu cơ chọn sàn cà phê để “trú bão” trong những ngày qua. Giá kỳ hạn và nội địa đều vững, tạo điều kiện bán thêm. Lượng cà phê bán ra trong sáu tháng đầu năm nhiều, nông dân vẫn điều tiết tốt và nhịp nhàng. Vậy, xuất khẩu nhiều nhưng điều tiết kiểu nào?
Sàn cà phê, nơi “trú bão”?
Nếu có thể, ngày đầu tuần 15-4-2013 đáng được gọi là ngày “thứ Hai đen tối” của các thị trường hàng hóa, đặc biệt sàn kim loại vàng và bạc. Không chỉ hai loại kim loại quý này, giá nhiều mặt hàng khác đều tuôn theo và rớt đậm. Nếu như giá dầu thô tính đến khi đóng cửa ngày 11-4 còn ở mức chừng 93,5 đô la Mỹ, thì giao dịch khuya hôm qua chỉ quanh mức 87,9 đô la/thùng cho các hợp đồng tháng 5-2013. Còn kim loại vàng đóng cửa ngày 11-4 ở mức 1.564 đô la/ounce, thì ngày thứ hai 15-4 chỉ còn 1.361,1 đô la/ounce. Thực vậy, trong tuần, giá nhiều sàn hàng hóa rớt theo vàng, bạc và dầu thô song hai thị trường cà phê, tuy có “rùng rùng” đôi chút, giá vẫn giữ vững và tăng nhẹ (xin xem biểu đồ tỉ lệ tăng/giảm của một số sàn hàng hóa phía trên).
Một số nhà đầu cơ tài chính đã chọn hai sàn cà phê để tạm trú, chuyển tiền về hai sàn này để tránh sóng gió trên các thị trường khác. Chính vì thế, giá sàn kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE sau khi chao rất nhẹ xuống vào ngày thứ Hai đen tối, đã phóng lên một lèo. Khuya hôm qua thứ Sáu 19-4 tức rạng sáng nay thứ Bảy 20-4 giờ Việt nam, giá đóng cửa cơ sở tháng 5-2013 chốt mức 2.056 đô la Mỹ/tấn, tăng 26 đô la so với tuần trước (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Tại sàn cà phê arabica Ice New York, giá đóng cửa cơ sở tháng 7 ngày hôm qua cũng cao hơn cuối tuần trước 6,05 cts/lb, tương đương 133 đô la/tấn.
Nhờ vậy, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay thứ Bảy 20-4 đứng vững ở mức 44.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước 300 đồng/kg. Với mức này trở lên, “hy vọng thị trường rôm rả trở lại vì ở các mức thấp hơn, mua đã bắt đầu khó”, một giám đốc công ty xuất khẩu đóng tại TP. Buôn Ma Thuột nói một cách phấn khích.
Xuất khẩu nhiều, điều tiết vẫn tốt
Tổng cục Hải quan nói rằng trong tháng 3-2013, xuất khẩu cà phê nước ta đạt 157.891 tấn với kim ngạch 353,77 triệu đô la Mỹ, tăng 57,3% về lượng và 61,9% về giá trị so với tháng 2-2013. Lý do tăng có lẽ do tháng 2 năm nay trùng với đợt nghỉ tết Nguyên đán. Như vậy, tính theo hải quan, trong 6 tháng đầu niên vụ, bắt đầu từ 1-10-2012, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 864.000 tấn, thu về 1,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,7% về lượng và 14,3% về giá trị so với cùng kỳ vụ 2012-13.
Trước đây, Tổng cục Thống kê ước rằng xuất khẩu cà phê nước ta đạt 896.000 tấn trong 6 tháng đầu niên vụ, trong đó, xuất khẩu tháng 3-2013 chừng 190.000 tấn, cao hơn số liệu của hải quan 32.000 tấn. Cơ quan Thống kê thường đưa ra ước báo trước, sau đó được chỉnh lại. Soát xét số liệu có được của hai cơ quan này, tuy cách biệt nhưng có vẻ hợp lý vì thống kê hải quan nhỏ hơn ước báo của Tổng cục Thống kê quanh 32.000 tấn, rất trùng khớp với số chênh lệch.
Như vậy, bình quân xuất khẩu hàng tháng trong nửa đầu niên vụ 2013-14 này là 144.000 tấn. Các chuyên gia thị trường cho rằng lượng xuất khẩu như vậy là cao so với nhu cầu rang xay thế giới chừng 15.000 tấn/tháng. Điều đáng mừng là tuy lượng xuất khẩu nhiều nhưng thị trường cà phê robusta vẫn không giảm giá vì sức ép bán ra như trên thị trường cà phê arabica.
Trước đây, mỗi lần giá xuống, do sợ xuống thêm nữa, nhiều người tranh nhau bán ra tạo thành “sức ép bán ra”, làm giá giảm càng giảm mạnh. “Nhiều người cứ nghĩ điều tiết là phải ghim lại hàng bằng mọi giá, giá cao giá thấp đều không nên bán ra. Điều tiết theo kiểu ấy không chóng thì chầy sẽ ‘tức nước vỡ bờ’, sẽ gây hại cho giá và cho thị trường. Ý nghĩa hay nhất của điều tiết hàng ‘theo kiểu Việt Nam’ chính là đây: theo từng đợt, giá càng cao càng bán ra nhiều theo tỉ lệ hàng còn tồn; chỉ bán cho người cần mua, nhưng với giá cao hơn lần mua trước”, một nhà phân tích thị trường giải thích phát hiện thú vị của mình về “điều tiết xuất khẩu theo kiểu Việt Nam” của ông.
Một mặt khác, đầu cơ tài chính vẫn còn “ngóng đợi” cơ hội trên sàn cà phê robusta vì họ đã và đang nắm giữ “bửu bối”, chính là lượng hàng certifieds chưa bán, đang chờ thời cơ chín muồi để “tung hoành ngang dọc”.
Tồn kho thuần robusta tăng
Báo cáo thống kê ra định kỳ 2 tuần 1 lần của sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE cho rằng tính đến ngày 15-4-2014, tồn kho thuần robusta được sàn này cấp giấy chứng nhận chất lượng (certifieds) đạt 126.250 tấn, tăng 4.630 tấn so với đợt báo cáo gần nhất; nhưng vẫn giảm 30,5% so với cách đấy 1 năm. Thị trường không bất ngờ với con số này vì trong tháng 3-2013, Việt Nam và Indonesia đều gia tăng xuất khẩu.
Trong khi đó, tồn kho thuần cà phê arabica được sàn Ice New York cấp giấy chứng nhận chất lượng tính đến ngày 19-4-2013 đạt 2.738.011 bao (60 kg/bao), tức 164.280 tấn. Trong số này, chỉ có chừng 55.000 tấn certifieds arabica nằm tại các kho nội địa nước Mỹ. Số còn lại chừng 2/3 nằm tại các kho châu Âu và vài nơi khác được sàn này ủy nhiệm.
Tại báo cáo thường kỳ của Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA), tồn kho tính đến hết tháng 3-2013 giảm 114.765 bao, chỉ còn 4.776.918 bao, tức 286.615 tấn. Đây là hiện tượng lạ vì tháng Ba hàng năm, thường là thời điểm có tồn kho tăng, nay lại giảm. Bình quân tăng trong các tháng Ba tính từ năm 1989 là 163.000 bao.
Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là ba khối nước tiêu thụ lớn và quan trọng đối với thị trường xuất khẩu cà phê. Con số tồn kho theo các báo cáo có được của các nơi này trên ước 1,032 triệu tấn. Ngoài tồn kho Mỹ như đã nói, đến hết tháng 2, tồn kho châu Âu còn 10.220.843 bao tức 613.250 tấn và tại Nhật 132.403 tấn.