Sập bẫy nữ thầy bói, hàng chục nông dân trắng tay

Sau khi có thông tin về việc Nguyễn Thị Hoài (53 tuổi, trú xã Pơng Đrang, huyện Krông Púk, tỉnh Đắk Lắk) bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã có nhiều nạn nhân tìm đến Công an tỉnh Đắk Lắk để tố giác hành vi lừa đảo của Hoài với số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng…

Chân dung nữ thầy bói

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Bình, đầu năm 1996 Hoài cùng gia đình chuyển vào thôn 14, xã Pơng Đrang, huyện Krông Púk, tỉnh Đắk Lắk làm ăn sinh sống. Đầu năm 1998, Hoài bắt đầu hành nghề bói toán.

Vốn là một phụ nữ quê mùa, chân chất như bao người phụ nữ khác ở nông thôn. Ít học, chỉ làm vài ba sào cà phê nên kinh tế gia đình Hoài cũng không lấy gì làm khá giả. “Nghề” bói của cô ta xuất phát từ một lần đi xem quẻ, thấy làm “thầy” vừa dễ kiếm ăn lại nhẹ nhàng nên cô ta tự phao tin mình được “cậu nhập”, được “ăn lộc trời” nên đầu 2003, Hoài đã xây một ngôi miếu trị giá hàng trăm triệu đồng và lập bát hương để cúng vái.

Mỗi lần xem cho khách, Hoài thường yêu cầu ghi lại tên, tuổi địa chỉ và hẹn ngày xem. Trong thời gian hẹn, Hoài bí mật tìm hiểu hoàn cảnh gia chủ nên phán trúng tâm tư, gia cảnh của khách. Chính vì vậy, nhiều người quanh vùng, kể cả những địa phương xa khác như Gia Lai, Khánh Hòa, Đắk Nông… cũng tìm đến xem bói.

Sau khi lấy được lòng tin, Hoài thường phán gia chủ có hạn nặng và yêu cầu lễ giải mới làm ăn yên ổn. Mỗi lần giải xong, cô ta lại nói có hạn nặng hơn khiến gia chủ lại theo tiếp. Nhiều lần, Hoài còn thuê hẳn một đội ngũ tay chân lâu la đến nhà để cúng bái với mục đích tìm hiểu hoàn cảnh của gia chủ. Cho đến khi tạo được mối quan hệ thân thiết như người trong nhà, Hoài mới bắt đầu giở trò lừa.

Thầy bói kiêm cò đáo hạn ngân hàng, cho vay nặng lãi

Theo kết luận điều tra, sau khi tạo được lòng tin, đầu năm 2009, Hoài đã vay mượn tiền của nhiều hộ dân để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, mua bán nhà đất và cho vay nặng lãi… Đến khoảng tháng 4/2009, Hoài bị thua lỗ và mất khả năng chi trả các khoản nợ. Tuy nhiên, do muốn giữ “uy tín” nên Hoài vẫn tiếp tục vay mượn tiền của nhiều người nói là để làm ăn nhưng thực chất là để trả nợ cho chính những người cho Hoài vay trước đó.

Một trong số những nạn nhân bị Hoài lừa đảo lớn nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Lực và chị Mai Thị Thủy (trú tổ dân phố 2, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) với số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng. Từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2009, Hoài đã vay tổng cộng gia đình anh Lực hơn 8 tỷ đồng cùng 178.000kg cà phê nhân. Mỗi lần vay, Hoài đều nói dùng để đáo hạn ngân hàng, mua rẫy, góp vốn với Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tại xã Hòa Thuận… Nhưng thực chất Hoài dùng số tiền này để trả nợ.

sap-bay-nu-thay-boi-hang-chuc-nong-dan-trang-tay1
Anh Lực đang trình bày vụ việc với cán bộ điều tra.

“Toàn bộ tài sản của gia đình tôi nay phải bán để trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, số tiền vợ tôi mang cho bà Hoài vay một phần được huy động từ anh em, bạn bè trong dòng họ. Đến nay, nhiều người phải bán nhà, bán đất đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Ngay cả bản thân gia đình giờ cũng phải đi thuê nhà để ở” – anh Lực ngậm ngùi nói.

Cùng chung hoàn cảnh với gia đình chị Thủy và anh Lực, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ và ông Nguyễn Văn Quy (trú thôn 8, xã Pơng Đrang, huyện Krông Púk) cũng bi đát không kém. Bà Huệ ngậm ngùi cho biết: Đầu năm 1996, con gái bà là chị Nguyễn Thị Hồng mang thai và bị bệnh nhưng đi điều trị nhiều nơi vẫn không khỏi. Nghe tin Hoài có thể chữa lành bệnh cho con gái nên tìm đến nhờ cậy. Từ đây, mối quan hệ giữa bà và Hoài ngày càng khăng khít.

Đầu tháng 3/2009, Hoài đến nhà nói có người đang cần bán một mảnh đất tại thị trấn Pơng Đrang với giá rẻ nên muốn giới thiệu cho ông bà mua lại kiếm lời. Khi ông bà nói không có tiền thì Hoài nói mang sổ đỏ đi thế chấp và sẽ giúp đỡ việc vay tiền tại ngân hàng. Tin lời, ông bà đưa sổ đỏ cho Hoài đi vay 700 triệu đồng. Sau khi vay được tiền, Hoài cũng không quên lấy 10% tiền cò.

sap-bay-hang-chuc-nong-dan-trang-tay
Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Văn Quy đang lo lắng vì có thể bị ngân hàng xiết nợ ngôi nhà bất cứ lúc nào.

Sau khi mua được mảnh đất tại thị trấn, Hoài liên tục gọi điện nhờ ông bà mang mảnh đất này ra thế chấp cho một đại lý bán phân bón để Hoài được mua phân bón trả chậm. Liên tiếp từ ngày 8/3 đến ngày 10/3/2009, Hoài đã nhờ ông bà thế chấp 3 lần lấy phân bón với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, từ ngày 20/5 đến 7/9/2009, Hoài tiếp tục xin vay của ông bà tổng cộng 10.000kg cà phê nhân cùng với một số tiền khác. Đến thời hạn trả nợ ngân hàng, ông bà giục Hoài trả nợ thì Hoài tìm cách lảng tránh rồi bỏ trốn.

Theo xác minh của cơ quan điều tra, liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Hoài, đến nay đã có 8 nạn nhân gửi đơn tố cáo với tổng số tiền bị lừa gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, số người liên đới đến việc huy động tiền của các nạn nhân là hơn 40 người.

Về phía Nguyễn Thị Hoài, sau khi nhiều người phát hiện bị lừa nên đã kéo đến nhà đòi nợ, chửi bới. Vì sợ bị hành hung, ngày 9/10/2011, Hoài bỏ trốn khỏi địa phương. Đến tháng 8/2012, Hoài bị bắt theo lệnh truy nã khi ả đang sống chui, sống lủi tại một nhà trọ ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Vân, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua xác minh, hiện vẫn có nhiều người ở các huyện, tỉnh, thành phố khác cũng là nạn nhân của Hoài. Đề nghị ai bị Nguyễn Thị Hoài lừa đảo, đến Phòng CSĐT tội phạm về TTXH gặp đồng chí Khánh để được giải quyết

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng