Lâm Đồng: Doanh nghiệp cà phê “chở củi về rừng”

Không chỉ có trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Diễm Như ở thành phố Bảo Lộc có hành vi khai hoá đơn thu mua cà phê ở ngoài địa bàn tỉnh để được hoàn thuế đang được cơ quan chức năng điều tra, mà cũng từ “chiêu thức này”, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đang “chở củi về rừng”.

Không ít các địa phương ca thán việc một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại Lâm Đồng lại đi về Đồng Nai, Tp.HCM hay các tỉnh không hề có đất trồng cây cà phê để thu mua.

Và trường hợp của Công ty Diễm Như với 5 đường dây hợp đồng thu mua với các công ty ngoài tỉnh, song trong đó nhiều hoá đơn ghi mua bán cà phê nhưng công ty đó không hề kinh doanh cà phê hay không có địa chỉ kinh doanh… không phải là ngoại lệ.

Điều đó cho thấy sự bất thường trong kinh doanh cà phê của một số doanh nghiệp đi mua cà phê ở nơi không sản xuất cà phê trong khi vùng đất Tây Nguyên mới là thủ phủ trồng cà phê. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến tại hội nghị kinh tế, xã hội quí I mới đây, đó là một hành trình kinh doanh ngược, ai lại “chở củi về rừng”.

Vì sao lại có biểu hiện lạ đời đó, nếu không phải là hợp thức hoá đơn, chứng từ kê khai để hưởng lợi? Và điều đó đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cà phê, cũng như đối với nguồn thu thuế của địa phương.

Ông Phạm Thanh Quan – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, việc thu thuế trên địa bàn huyện trong quý I không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra một phần nguyên nhân do thu thuế từ cà phê đạt thấp. Trong quý I này, Đức Trọng hụt thu thuế từ kinh doanh cà phê lên tới trên 10 tỷ đồng.

“Nếu như vào thời điểm này cùng kỳ năm trước, Đức Trọng thu về ngân sách hơn 14 tỷ đồng thuế từ cà phê thì năm nay số thu mới đạt 4,5 tỷ đồng” – ông Phạm Thanh Quan cho biết thêm. Cũng theo ông Phạm Thanh Quan, ít nhất có tới 5 doanh nghiệp thu trên địa bàn huyện dùng hoá đơn thu mua hàng hoá ở ngoài tỉnh với doanh số thu mua lên tới 31 tỷ đồng. Và không chỉ đến năm nay các doanh nghiệp mới sử dụng hoá đơn tỉnh khác mà thực tế đã kéo dài nhiều năm chưa được xử lý và đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ giải quyết.

Hiện tại, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Chi cục Thuế huyện kiểm tra bốn trong năm doanh nghiệp sử dụng hoá đơn ngoài tỉnh; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ giải quyết các doanh nghiệp sử dụng hoá đơn tỉnh khác đã kéo dài nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Trọng Thoan – Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng thừa nhận, mặc dù cà phê có bị ảnh hưởng ít nhiều từ thị trường giá bán giảm, cùng với giảm sản lượng nhưng riêng thuế từ cà phê trong quý giảm 82 tỷ đồng và trên toàn tỉnh mới chỉ thu được 42% thuế cà phê.

Nguyên nhân các doanh nghiệp kinh doanh cà phê có những mánh lới trong kinh doanh nhằm được hoàn thuế giá trị gia tăng tương tự như Công ty Diễm Như, Tp.Bảo Lộc có hoá đơn mua hàng thật nhưng hoá đơn của công ty mà doanh nghiệp này giao dịch không hề kinh doanh cà phê đang được Cục Thuế chỉ đạo xử lý. Còn đối với 4 doanh nghiệp ở Đức Trọng hiện đang phối hợp với cơ quan chức năng thành lập hai đoàn thanh kiểm tra, làm rõ. Điều đáng chú ý, nhằm chống thất thu thuế cà phê, Cục Thuế đã tổ chức điểm kê khai, lập hẳn trạm kiểm tra, kê khai tại Madagui, huyện Đạ Huoai nhưng các doanh nghiệp kinh doanh cà phê tìm mọi cách né trạm.

“Thậm chí một số tài xế xe tải lái thuê cho các doanh nghiệp còn điện thoại nhờ ngành thuế can thiệp. Bởi các tài xế này cho rằng lương doanh nghiệp trả cũng bấy nhiêu nhưng phải đi đường vòng (đường đèo Đại Ninh hay quốc lộ 55B…) để né trạm kiểm tra, vừa xa hơn vừa rất nguy hiểm vì đường hẹp, xuống cấp” – ông Nguyễn Trọng Thoan cho hay.

Trước thực trạng doanh nghiệp kinh doanh cà phê có biểu hiện bất thường trong hoạt động kinh doanh và việc thất thu thuế cà phê đang diễn ra trên thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung tăng cường quản lý việc thu mua cà phê lòng vòng của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chống thất thu thuế trong lĩnh vực cà phê.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Nếu cảnh sát kinh tế phối hợp nhịp nhàng với cục thuế thì chỉ có “múa rìu qua mắt thợ”!
    Dùng các biện pháp “ngăn sông cấm chợ” để quản lý thuế VAT là thất sách.
    Cục thuế cần “động não” đề xuất với chính phủ các biện pháp mang tính thị trường hơn nhằm thu đúng, thu đủ VAT. Ví dụ thưởng xứng đáng cho các hộ dân bán cà phê, các thương lái trung gian thu mua hoặc các đại lý thu mua cà phê khi mua bán cà phê có hóa đơn…

  2. cafe tối

    Hay thật ! Biết nó chở củi về rừng mà chẳng làm gì được nó, cứ để cho nó lộng hành… Hay là mấy bác há miệng thì sợ mắc quai hả?

Tin đã đăng