Gần đây, Việt Nam đã chủ động được nguồn cung, thậm chí còn xuất khẩu một lượng lớn phân bón ra thế giới. Tuy nhiên, giá phân bón trong nước thời gian qua lại ở mức khá cao. Vậy đâu là nguyên nhân ?
Với giá thu mua 4.300 đồng/kg tại ruộng, sau khi bán 14 tấn lúa, bà Nguyễn Minh Hương ở Hòn Đất, Kiên Giang thu được 60 triệu đồng. Trong khi đó, để sản xuất 2 ha đất, bà phải bỏ vốn đến 46 triệu đồng. Lợi nhuận mà bà Hương thu được không hề cao do chi phí quá lớn, chỉ riêng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đã chiếm gần 2/3 giá thành sản xuất. Ngoài nguyên nhân khách quan từ thị trường, bà phải chịu thêm mức lãi suất khá cao từ việc mua các loại phân bón.
Bà Nguyễn Minh Hương, cho biết: “Nông dân chúng tôi mua phân từ đại lý. Nếu có tiền sẽ được bán giá thấp. Không có tiền mua chịu phải mua giá cao và đến cuối mùa phải trả lãi. Một bao phân có khi chúng tôi mua lên đến 30.000 nghìn đồng”.
Lâu nay, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước nhưng thu nhập của nông dân lại vẫn ở mức thấp. Thiếu vốn để sản xuất, người trồng lúa buộc phải mua phân bón “gối đầu” hay mua chịu của đại lý. Theo ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc công ty cổ phần phân bón Bình Điền, đây chính là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Lê Quốc Phong nói: “Bà con cần phân bón để sử dụng, để tăng năng suất nhưng không có tiền để mua vì vậy đành phải mua chịu của các đại lý. Đối với người bán họ phải đảm bảo có lời khi bỏ ra vốn kinh doanh nên đã đưa ra lãi suất khá cao. Nông dân không cách nào khác là phải chấp nhận”.
Lý giải về nguyên nhân giá phân bón và bảo vệ thực vật tăng cao, ông Vũ Mạnh Lân, Giám đốc công ty cổ phần Bảo Nông Việt lại cho rằng, việc này có một phần từ việc các công ty bỏ ra quá nhiều chi phí cho việc quảng bá thương hiệu.
“Hiện nay, các công ty hiện bỏ ra số tiền quá lớn để quảng cáo. Số tiền này họ đã tính trong giá phân bón. Đặc biệt, người nông dân khi thấy loại nào quảng cáo nhiều là mua, trong khi đó loại phân bón khác dù rẻ hơn nhưng ít quảng cáo lại không mua”, ông Lân nói.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, năm 2012 sản lượng phân bón nước ta ở vào khoảng 5 triệu tấn. Về cơ bản, các nhà máy sản xuất đã đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng, giá phân lại khá cao. Mức lợi nhuận 30% mà Chính phủ đề ra khó trở thành hiện thực khi người trồng lúa vẫn phải mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mức giá như hiện nay.