Chốt tuần, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên lặp lại mức giá 41.300-41.500 đồng/kg là mức giá đạt được khoảng 15 ngày trước.
Tại sàn NYSE Liffe London giá cà phê Robusta giảm liên tiếp 2 phiên đầu tuần, kéo dài chuỗi giảm lên 7 phiên, trở thành chuỗi suy giảm dài nhất kể từ đầu vụ. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 16 USD, tương đương giảm 0,79%, xuống 2.006 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 13 USD, tương đương giảm 0,63%, còn 2.044 USD/tấn. Đây là mức giá Robusta London thấp nhất tuần và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2.
Trên sàn ICE New York, sau phiên nghỉ lễ Presidents Day đầu tuần, giá cà phê Arabica cũng tiếp nối đà suy thoái kéo dài. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 0,45 cent, tức giảm 0,33% xuống 136,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 1,8 cent, tức giảm 1,28% còn 138,4 cent/lb. Đây là mức giá Arabica New York thấp nhất tuần và là mức thấp 30 tháng.
Sau đó, giá cà phê thế giới đảo chiều tăng mạnh liên tiếp trên cả hai sàn cho đến cuối tuần.
Giá cà phê Robusta trên sàn LIFFE London kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 42 USD, tương đương tăng 2,09%, lên 2.048 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 43 USD, tương đương tăng 2,1%, lên 2.087 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE New York kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 6,6 cent, tức tăng 4,84% lên 143,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 5,4 cent, tức tăng 3,9%, lên 143,8 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên tăng lên 41.300-41.500 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu đang được chào 2.015 USD/tấn với trừ lùi 70 USD theo giá giao tháng 5 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta London tăng 30 USD, tức tăng 1,46% và giá cà phê Arabica tăng 3,6 cent/lb, tức tăng 2,57% , trong khi giá cà phê nội địa chỉ tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 0,97%.
Trong tuần này, thông tin kinh tế vĩ mô tác động mạnh nhất là sự suy yếu của đồng Euro. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng công cuộc giải cứu khủng hoảng nợ công ở các nước khu vực Eurozone không như kỳ vọng của thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng thay đổi chính sách trong việc tạm dừng các gói nới lỏng tiền tệ sau khi có tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ khởi sắc.
Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật, Đức đều cho thấy dấu hiệu tăng trưởng và nhiều quốc gia chủ trương có thể thả nổi đồng tiền để kích thích xuất khẩu trong khi nhiều nguồn quỹ đang có xu hướng thay đổi kênh đầu tư.
Thông tin Brazil vẫn còn lượng cà phê tồn kho nhiều hơn 20% so với năm ngoái và sắp bước vào vụ thu mới dự kiến đạt kỷ lục. Các nước khu vực Trung Mỹ tiếp tục loan tin nấm bệnh gây hại cây cà phê, đã nâng cao tầm cảnh báo lên mức độ quốc gia và cắt giảm xuất khẩu của khu vực này lên tới hai con số. Tồn kho Arabica do ICE theo dõi và chứng nhận tiếp tục gia tăng trong khi công nhân ở cảng Santos, cảng hàng hóa lớn nhất Mỹ Latin, đình công làm lượng tàu vận chuyển hàng hóa ứ đọng ở cảng nhiều gấp đôi bình thường.
Sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền, thương nhânViệt Nam đã trở lại tham gia thị trường nhưng lượng giao dịch còn hạn chế do giá nội địa đang ở mức cao. Vụ mùa sắp tới của các cường quốc cà phê châu Á như Ấn Độ, Indonesia có thể sụt giảm vì thời tiết bất lợi, nhất là trời mưa ẩm ướt làm ảnh hưởng quá trình thu hoạch và phơi sấy. Trong khi các nước sản xuất nhỏ cho biết có thể nâng cao thêm sản lượng do giá cà phê đạt mức cao trong thời gian qua là những thông tin cơ bản cần chú ý.
Anh Văn (giacaphe.com)
Mốc $2100 của London mấy tuần rồi chưa thể vượt qua. Hy vọng vào tuần tới… !
Mình còn 2 tấn trông sao lên giá 50k bán lấy tiền chi phí lại vụ mùa. Năm vừa rồi cà thất hơn 30 %. Thời tiết năm 2013 này chắc cũng vậy quá…
Mấy tháng đầu vụ xuất rất mạnh là phương án chẳng đặng đừng vì:
-Nông dân cần tiền mặt để thuê nhân công thu hoạch. Ước tính sơ bộ 1 ha cần 20 triệu x 0,5 triệu ha = 10 ngàn tỷ đồng (tương đương 250 ngàn tấn).
-Thanh toán công nợ đầu tư cuối năm dương lịch…
Nếu DNXK không nhanh chóng ký hợp đồng bán thì lấy tiền đâu để trang trải.
Nên nhớ, đây cũng là thời điểm ngân hàng thu hồi công nợ, bà con chuẩn bị mua sắm và chi tiêu cho lễ tết sắp đến nên sức ép bán ra càng gia tăng…
-May mà có nhiều nhà đầu cơ nhỏ lẽ trong nước chủ yếu là CBCNV, họ có được 1 số tiền dư thừa chuyển sang đầu cơ nông sản giúp cho hàng hóa được lưu thông. Nếu không có họ góp phần thì cà phê sẽ rớt giá tới đâu? DNXK cà phê của ta đang nợ NH đầm đìa ra đó nên không có NH nào mạnh tay cho vay!
Năm nay, vào thời điểm này giá ở mức $2000 là khá tốt, còn các năm trước giá dưới $2000… cũng phải bán !
-Lãi suất vốn vay của VN xưa nay luôn ở mức cao, so với thế giới thì chỉ hơn… xã hội đen thôi. Nếu không đưa lãi suất giảm xuống được thì nguy cơ lạm phát luôn rình rập… rất khó làm ăn và thua doanh nghiệp FDI trông thấy !
Tại sao sáng nay giá cà phê trên mạng lại hạ? Dự đoán thị trường London hôm nay rớt chăng?
Thứ 7, CN, không giao dịch gì vậy mà bảng giá của Web này lại giảm đi 300 đ/kg? hiện tại chỉ còn 41.000đ/kg. nếu giá London hôm cuối tuần là 2.087 USD/Tấn thì cứ nhân thẳng cho tỷ giá 20.850 = 43.514 đ/kg cà phê rô nhân xuất khẩu – 1.305đ/kg (tương đương 3%)= 42.209 đ/kg cà phê rô nhân xô. Đúng ra bác Thịnh Còi nên để giá ở mức 42.209 đ/kg cho bà con nông dân so sánh và ép các con buôn, DN phải mua giá cao. Còn chi phí thu mua, chế biến, lợi nhuận… của các DN thì tự các DNXK đàm phán hợp đồng giá London phải cộng (cũng như các DN tại Indonesia).
Sao không ép con buôn và các doanh nghiệp nhỏ lẻ đóng cửa? Rồi bác Nông dân cà phê lên thẳng Công ty đàm phán giá cả luôn đi. Có sức thì mời!
Giá cà phê nội địa căn cứ giá FOB mà không lấy giá sàn London để tính. Bà con nên hiểu vấn đề này!
Nhiều thông tin trái chiều nhau quá! Chắc là nhà đầu cơ quyết định thị trường.
Người trồng cà phê phải chấp nhận thua thiệt thôi.