Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2012 xuất khẩu điều cả nước ước đạt 1,45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành điều đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất vị trí số 1 do diện tích trồng điều đang ngày càng sụt giảm mạnh.
Nước ta có khoảng 400.000ha điều, nhưng cho đến nay diện tích trồng điều chỉ còn khoảng 300.000ha, vì những năm gần đây, cây điều bị các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, cao su, ca cao lấn át.
Thống kê vài năm trở lại đây cho thấy, diện tích trồng điều giảm khoảng 12.000ha/năm, làm năng suất và sản lượng cũng giảm sút, dẫn đến thiếu nguyên liệu cho chế biến. Để có đầu vào, trong năm qua các DN đã nhập khẩu đến 40% nguyên liệu điều thô từ Campuchia và các nước châu Phi.
Đáng chú ý, hiện nay đang diễn ra tình trạng các DN FDI trong ngành điều thay vì sản xuất lại chuyển hướng sang nhập khẩu điều thô để cung cấp cho các DN trong nước.
Để có nguyên liệu chế biến và tiếp tục sản xuất, nhiều DN Việt Nam phải mua lại nguyên liệu từ các DN FDI hoặc nhận gia công chế biến cho các DN này. Do vậy, tuy giá điều xuất khẩu ở mức cao nhưng lợi nhuận của DN rất nhỏ. Trong khi đó, hiện đang có nhiều “nhà” nằm trong chuỗi ngành hàng cây điều như từ Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, đến nhà chế biến, nhà xuất khẩu… nhưng hầu như chẳng có nhà nào coi trọng cây điều.
Người trồng điều chỉ xem cây điều là loại cây trồng trên những loại đất không trồng được cây khác. Các đơn vị quản lý xem điều là cây xóa đói giảm nghèo, dùng để phủ xanh đất trống đồi trọc hơn là cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao.
Do vậy, các dự án lớn dùng ngân sách để phát triển ngành điều tuy có nhưng chỉ mới nằm trên giấy. Không có chiến lược phát triển bền vững khiến dù là nước xuất khẩu số 1 nhưng Việt Nam không được định giá.
Do nắm được điểm yếu của các quốc gia xuất khẩu, các sàn hàng hóa trên thế giới đã thực hiện đầu cơ khiến giá các loại nông sản đang giao dịch trên thị trường đều không đúng giá trị thực. Do vậy, giá cả liên tục bị điều chỉnh lên xuống gây khó khăn cho các DN lẫn người trồng điều.
Sự bấp bênh này dẫn đến việc nông dân chạy theo những cây có giá trị cao, phá bỏ loại cây đang sụt giảm giá trị, như chặt bỏ điều để trồng cà phê, nhưng đến lúc giá cà phê xuống nông dân lại nhổ cà phê trồng điều, gây bất ổn về sản lượng và nền sản xuất trong nước.
Trước những khó khăn đang đối mặt, nếu các đơn vị liên quan trong ngành điều như nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý, DN không xây dựng mối liên kết, canh tân lại hoạt động trồng trọt, cây điều Việt Nam sẽ mất dần vị thế trên thị trường thế giới, đưa ngành điều vào thế bế tắc, gây lãng phí đối với một mặt hàng có giá trị kinh tế cao.