Gia tộc cà phê trên mảnh đất đỏ Cao Nguyên

Gần một thế kỷ trước, một nông dân đã sớm nhận ra giá trị của cây cà phê trên mảnh đất đỏ Cao Nguyên. Ông tự lập ra đồn điền riêng để được làm chủ, và đến bây giờ, những thế hệ con cháu của ông vẫn tiếp tục gắn bó với loại cây đầy mê hoặc này.

Từ dân mộ, đến làm chủ đồn điền

Đó là phu cà phê Hồ Hoàng (SN 1903). Năm 1929, người nông dân Hồ Hoàng rời quê Quảng Nam lên Đắk Lắk làm phu cho một đồn điền cà phê của người Pháp tên Meercurio, tại khu đồn điền Ca Da. Âm thầm lao động, nhưng ông luôn tự đặt câu hỏi: “tại sao Tây làm giàu được mà mình không làm được. Mình có sức lao động sao phải để cho người ta lợi dụng?”. Ông luôn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó sẽ tự lập cho mình một đồn điền cà phê riêng.

Làm phu trong các đồn điền cà phê, đến năm 1953, tích cóp được ít tiền, Hồ Hoàng quyết định tự đi tìm vùng đất riêng cho mình. Ông xuôi theo quốc lộ 26, đến km49 (nay là xã Krông Buk, huyện Krông Pak) thấy đất đai bạt ngàn, ông dừng chân ngỏ ý xin già làng mấy sào đất để làm ăn, và ông được hào phóng cho luôn 1km (từ km 49 đến km 50). Lần lần khai phá, ông đã có trong tay hơn 30 ha đất, trong đó 20 ha ông dùng trồng cà phê, còn lại trồng lúa, hoa màu.

gia-toc-ca-phe-1
Từ đường ông Hồ Hoàng – người nông dân sớm nhận ra giá trị của cây cà phê.

Cùng chí hướng, cậu con trai thứ tư của ông là Hồ Hoàng Yến (SN 1933), lúc đó cũng đang làm phu cho người Pháp, dành dụm được khoảng hơn 150 nghìn đồng đã xuống Sài Gòn mua một chiếc máy cày, bỏ làm thuê cho đồn điền về cùng cha làm cà phê. 2 con người từ những thân phận dân phu đã tạo lập được cho mình những đồn điền cà phê riêng sánh ngang với người Pháp. Họ cùng vào hiệp hội cà phê do người Pháp mở; cùng sản xuất, buôn bán sòng phẳng.

Ông Yến sau một thời gian làm chung, đã tách ra mua được đất riêng tại Km12, lập cho mình một khu đồn điền trồng cà phê 30 ha không thua kém gì cha mình. Đất nước giải phóng, ông Yến cùng cha hiến toàn bộ đất cho nhà nước để thành lập các nông trường quốc doanh. Bản thân ông Yến được mời vào làm công nhân kỹ thuật cho Công ty Quốc doanh nông nghiệp Đắk Lắk; sau đó về làm Giám đốc Nông trường cà phê Cư Pul.

Khi về đây, Cư Pul từ chỗ chỉ là vùng đất trống, ông Yến đã góp công khai phá, trồng được 350 ha cà phê và vận động người dân 3 buôn đồng bào quanh đó vào làm công nhân. Năm 1992, trong lần Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Đắk Lắk, đến thăm nông trường đã rất vui mừng và khen rằng: các đồng chí đừng học tập đâu xa cả, hãy về nông trường Cư Pul mà học tập!

Tiếp lửa cho con, cháu

Ông Hồ Hoàng Yến nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Ông vẫn thường một mình chạy xe máy từ Buôn Ma Thuột về khu Từ Đường Hồ Hoàng ở thôn Bình Minh, xã Krông Buk, huyện Krông Pak (nơi đồn điền cũ của gia đình) để thắp hương cho thân sinh dịp giỗ chạp, lễ tết.

Kể về thời kỳ “tìm đất” cho cây cà phê, bao giờ ông Yến cũng tự hào và nhớ như in, tưởng như mọi điều mới chỉ diễn ra hôm qua. Ông kể: ngày tìm về vùng đất Km49 này, rừng rậm rạp, toàn cọp, beo sợ lắm. Cùng cha khai khẩn đất, lúc nào cũng đi từ sáng sớm cho đến tối mịt, người ta về hết mà mình vẫn cố làm thêm.

Có đất, nhưng để có cây giống thì gian nan vô cùng. Người Pháp họ không bán cho mình, vào đồn điền của họ nhặt hạt về ươm thì bị quy tội ăn trộm. Để có cây giống, vào mùa mưa, hai cha con lặn lội vào các khu rừng tìm nhổ những cây cà phê do chim, chồn ăn thải hạt ra mọc hoang. Cây nhỏ thì nhổ về trồng, cây lớn chặt thành từng khúc về dăm tạo giống.

Làm cà phê khổ cực, có lúc ông đã nghĩ đến việc bỏ, thôi không làm nữa. Ông xuống Sài Gòn học công nhân kỹ thuật, và tính ở lại dưới đó để lập nghiệp. Khi ấy, cha ông đã chụp một bức hình cảnh ông cầm hai cành cà phê trĩu quả gửi kèm một bức thư. Phía sau tấm hình cha ông viết: “Con yêu quý của ba là Hồ Yến, đây là 2 cành cà phê nơi đồn điền của bà chủ ở Buôn Ma Thuột, con có cảm tưởng về nền kinh tế khai khẩn kinh doanh thổ sản miền cao nguyên không? Ba của con, Hồ Hoàng!”

Bức thư đi kèm cha ông khẩn thiết: “ba có 5 người con trai, nếu con không nghe lời ba, coi như ba mất đi một giọt máu”. Cầm lòng không được, ông Yến quay về lại Đắk Lắk, lao vào làm, thế rồi ông “nghiện” cây cà phê, màu đất đỏ đến mê mẩn.

Năm 1972, khi đã thành đạt, làm chủ 30 ha cà phê, ông viết trong một trang nhật ký: “Cao nguyên Đắk Lắk ngày 27-2-1972, tôi không rõ tôi đã đóng góp bằng cách nào vào công cuộc kiến thiết nước nhà, ngoại trừ tôi nỗ lực trở thành một công dân tốt bằng cách quanh năm cần cù làm việc ngoài đồng, lội trong ruộng rẫy. Tôi thích trồng trọt, nhìn cây cà phê và các hoa màu xanh tươi lớn mạnh, gặt hái và bán lấy tiền.

Tôi là một nông dân cuộc sống không vui lắm, và cũng không buồn nhiều, da tôi sậm vì dầm mưa dãi nắng, các con tôi hiện đang theo học, tôi hy vọng chúng nó sẽ có một tương lai tốt đẹp, trở nên người có học thức. Tôi canh tác để tự nuôi mình và gia đình thân quyến, tôi cần cù làm việc vì không muốn xin tiền của người khác. Tôi tự mưu sinh bằng chính công lao khó nhọc của tôi. Suốt đời tôi chỉ là một canh điền, tôi thích nghề nông nghiệp hơn bất cứ nghề nào khác”.

Máy rang cà phê thủ công
Ông Yến bên máy rang xay cà phê, được giữ lại từ thời bén duyên với cây cà phê

Giờ đã già, thôi không còn làm cà phê, nhưng những kỷ vật từng gắn với gia đình, với nghề trồng cà phê một thời ông đều cất giữ cẩn thận để nhắc nhở con cháu. Khi có khách đến chơi nhà, ông, bà thường tự tay rang xay, pha chế cà phê mời khách và hóm hỉnh: uống thử đi, cà phê sạch đó. Và ông tự hào vì các con giờ đã thành đạt, trong số đó có người con trai cả làm kỹ sư nông nghiệp tại một công ty cà phê lớn. Người cháu trai bên ngoại mà ông nhận nuôi vừa tốt nghiệp một trường đại học dưới Thành phố Hồ Chí Minh, trở về đang lên kế hoạch lập một công ty chuyên rang xay, kinh doanh cà phê sạch.

“Nó đam mê cà phê lắm. Nó bảo: ông cho con lấy tên ông để mở thương hiệu “cà phê sạch Tư Yến” nhé!. Giờ nó đang làm các thủ tục để thành lập công ty đó.” – ông Yến cười đầy tự hào.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng