Người trồng cà phê ở Trung Mỹ lo ngại sản xuất bị thiệt hại lớn trong bối cảnh giá cả thấp hơn. Cần có một diễn đàn để phác thảo chiến lược khẩn cấp cho khu vực.
Nấm độc hại đã nhanh chóng lan rộng khắp khu vực
Nông dân Trung Mỹ, những người sản xuất ra hạt cà phê ngon nhất của thế giới đang tìm kiếm phương cách để chống một kẻ thù cũ tàn bạo mới xuất hiện trở lại : một loại nấm lây lan theo gió làm chết cây cà phê.
Cái gọi là nấm Roya bùng phát mạnh mẽ đã gây hại lên sản xuất cà phê của các quốc gia Trung Mỹ và Mexico, là nơi có đến hơn 1/5 sản lượng cà phê Arabica của thế giới. Các nguy cơ của đại dịch tàn phá sản lượng, đe dọa hàng trăm ngàn sinh kế và lợi tức xuất khẩu ở một số các quốc gia nghèo nhất châu Mỹ La tinh.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi giá cà phê đã giảm xuống khoảng một nửa kể từ đỉnh cao giữa năm 2011, để lại người nông dân phải đối mặt với một sự thu nhập đáng thất vọng gấp bội.
Dịch nấm bùng phát trên cây cà phê Arabica là một gánh nặng tồn tại hiện nay ở Trung Mỹ. Chính phủ của các quốc gia ở khu vực này lo ngại sản lượng sẽ giảm mạnh trong vụ mùa sắp tới.
Roya là bệnh gỉ sắt lá do các bào tử nấm dạng bột màu cam xuất hiện trên mặt dưới của lá nhiễm bệnh. Cuối cùng, lá chuyển sang màu đen và rụng, làm cây suy yếu hoặc có thể bị chết.
Ở El Salvador, hơn một nửa số cây cà phê của nước này đã bị nhiễm nấm Roya.
“Thực tế có một số cây không có lá,” ông Jose Abrego, một nhà Nông học đang làm việc tại một trang trại cà phê ở Juayua, cách 74 km về phía tây của San Salvador, cho biết.
Ở nước láng giềng Guatemala, 40% của khoảng 274.000 ha (tương đương 677.000 mẫu Anh) đã bị ảnh hưởng bởi nấm Roya. Sản lượng được dự báo sẽ giảm 14% trong vụ mùa này. Quan chức của Guatemala cho rằng, có thể sản lượng sẽ giảm tới 40% trong vụ mùa 2013/2014.
Ở Honduras, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu của khu vực, các quan chức nói họ đã ước đoán sản lượng sẽ giảm hơn 300.000 bao (bao = 60 kg) trong vụ hiện tại do nấm Roya, hoặc chiếm 5 % kim ngạch xuất khẩu dự kiến, và ít nhất 1 phần 10 số cây trồng bị tàn lụi.
Việc chống dịch càng khó hơn do giá cả thị trường giảm mạnh. Được biết, giá cà phê Arabica kỳ hạn trên sàn ICE đã giảm khoảng 50% kể từ khi đạt đỉnh trên 3 USD cho mỗi pound vào tháng 5 năm 2011.
Để ứng phó với dịch bệnh, phải đẩy nhanh việc dùng thuốc diệt nấm cũng như cắt tỉa, bón phân và thậm chí để chừa ra những khoảng trống lớn ở vùng trồng để nhăn chặn sự lây lan.
Ba nước lớn trong khu vực vẫn dự báo sản lượng vụ này tăng trưởng so với vụ trước. Nhưng tất cả đều nhìn thấy mây đen ở phía chân trời.
“Cà phê từ các vùng bị bệnh sẽ được thu hoạch trong vụ này, nhưng vụ tới nhiều cây bị trọc lá và sẽ không có sản lượng “, ông Dagoberto Suazo, một quan chức hàng đầu của viện nghiên cứu cà phê quốc gia Honduras (IHCAFE) cho biết.
Kế hoạch tấn công
Tuần trước, các quan chức từ các nước Trung Mỹ, Mexico và Cộng hòa Dominica đã tổ chức một diễn đàn khép kín khẩn cấp ở San Salvador để thảo luận về sự bùng phát của nấm.
Một chiến lược chính thức của khu vực, hiện đã được phác thảo khá đầy đủ, rõ ràng, dự kiến sẽ được đưa ra cụ thể trong tháng tới.
“Trong ngắn hạn, thuốc diệt nấm sẽ được sử dụng. Về lâu dài, cần thay đổi bằng giống cây có sức đề kháng hơn”, ông Francisco Anzueto, một quan chức Hiệp hội cà phê quốc gia Guatemala (Anacafe), người đã tham dự các cuộc họp cho biết.
Theo Carlos Urias, một chuyên gia cây trồng đã tham gia vào diễn đàn này, chiến lược của khu vực là chỉ dùng thuốc diệt nấm cho những cây cà phê 12 năm tuổi trở xuống, và thay thế các cây cà phê già cỗi bằng các chủng kháng Roya trong tương lai.
“Chương trình này có thể được kéo dài 10-15 năm, nhưng cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ”, ông nói.
Một số quốc gia đã công bố kế hoạch của mình.
Tại Honduras, nhà chức trách tuyên bố 35.000 ha cà phê đã bị mất trắng, chiếm khoảng 13% tổng số đất trồng trọt. 35.000 ha khác bị ảnh hưởng đã được bón phân thâm canh, cắt tỉa cành và chữa trị bằng thuốc diệt nấm.
Viện cà phê quốc gia Honduras cũng yêu cầu khoản ngân sách 44 triệu USD cho một chương trình hai năm để chống lại nấm Roya, mặc dù tài chính công của quốc gia này hiện đang căng thẳng.
Tại Guatemala, nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai Trung Mỹ, các quan chức ngành cà phê đề xuất một khoản chi 40 triệu USD để chống lại nấm Roya, theo một ý tưởng đưa ra gần đây của Tổng thống Otto Perez. Quỹ sẽ cung cấp cho nông dân các khoản vay lãi suất thấp trong vòng 10 năm.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp của Costa Rica cho biết trong tuần này một chương trình hành động khẩn cấp kêu gọi việc kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ hơn sẽ được ký kết trong vài ngày tới, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Được biết, nấm Roya đã lan rộng đến khoảng 30% của 90.000 ha trồng cà phê của đất nước Costa Rica, nếu không thì sẽ được cung cấp một số cà phê được ưa thích nhất thế giới. Đó là hạt cà phê Geisha được sử dụng trong cốc Starbucks bán giá 7 USD năm ngoái, đắt nhất trong chuỗi cửa hàng cà phê pha của Mỹ từ trước đến giờ.
Tình huống xấu nhất
Các nhà nghiên cứu bệnh cây nói rằng thời tiết ẩm ướt hơn đã tạo ra khu vực sinh sản lý tưởng cho nấm Roya. Họ nói thêm rằng cơ bản là hàng triệu cây cà phê đã được nhân bản thiếu tính đa dạng di truyền nên ít có khả năng để chống lại một tác nhân gây bệnh như nấm Roya.
“Đây là một đặc tính được lặp đi lặp lại trong nền nông nghiệp độc canh”, ông Randy Ploetz, một nhà nghiên cứu bệnh thực vật nhiệt đới tại Đại học Florida, nói.
Ông chỉ ra những tác động lâu dài của vụ bùng phát nấm Roya khét tiếng nhất trong lịch sử, tại thuộc địa Tích Lan, tức Sri Lanka ngày nay.
“Căn bệnh này là lý do tại sao người dân đảo quốc thuộc địa này chỉ uống trà,” Ploetz nói.
Hầu như tất cả cây cà phê của Tích Lan đã bị xóa sổ vào cuối những năm 1880, sau gần ba thế kỷ sản xuất thành công. Nông dân của thuộc địa này đã bắt đầu trồng chè thay thế.
Ploetz cũng lưu ý rằng thuốc diệt nấm không có sẵn để sử dụng ngay tức thì, mặc dù với giá rất đắt.
Juan Luis Barrios, một nông dân trồng cà phê tại Guatemala, quốc gia có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người khoảng 250 USD mỗi tháng, cho biết ông đã dành khoảng 50 USD cho mỗi ha để mua thuốc Amistar Xtra, một loại thuốc diệt nấm mà ông có thể còn cần phải sử dụng nhiều lần.
Gió mang bào tử lại là một vấn đề khác. “Nếu chỉ có bạn xịt thuốc còn hàng xóm của bạn thì không, nó sẽ không có tác dụng,” ông nói.
Tuy nhiên, không có giải pháp nào là hoàn hảo, theo Ric Rhinehart, giám đốc điều hành của Hiệp hội Cà phê đặc biệt của Mỹ (SCAA). Giống cà phê kháng bệnh gỉ sắt, ông lưu ý, thường được bị chê là hương vị nghèo nàn.
Rhinehart nói nông dân ở khu vực trồng cà phê Arabica phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong những tháng tới. “Chi phí sản xuất đang tăng cao mà giá cả lại xuống thấp. Đây là kịch bản xấu nhất cho nông dân”, ông nói.
Ông cảnh báo rằng áp lực đối với nông dân cuối cùng có thể đẩy loại cà phê chất lượng cao nhất ra khỏi thị trường, vì nông dân sẽ quay lưng lại với cà phê Arabica và lựa chọn thay vào đó là cà phê Robusta chứa nhiều vị đắng hơn, và nhà rang xay phải điều chỉnh sự phối trộn cho phù hợp.
“Phản ứng chung của người tiêu dùng không phải là để phàn nàn về chất lượng,” ông nói, “nhưng chỉ đơn giản là uống cà phê ít hơn”.
Anh Văn, theo Reuters/Giacaphe.vn
Chú Anh Văn ơi, cho cháu hỏi.
Trong bài này có câu viết : “Đó là hạt cà phê Geisha được sử dụng trong cốc Starbucks bán giá 7 USD năm ngoái, đắt nhất…”
Hạt cà phê Geisha là cà phê gì vậy? Cháu tìm nhưng trên Google là “vũ nữ Nhật Bản”. Cháu cũng nhớ là từ Geisha để chỉ các cô gái trong Kỷ Viện ở Nhật thời phong kiến mà. Hi hii…
Theo mình biết thì loại cà phê Geisha của Starbuck trong bài viết đó là giống cà phê đặc biệt đang được trồng ở 1 trang trại nhỏ vùng Tarrazú của Costa Rica.
Bạn có thể xem thêm sản phẩm đó tại địa chỉ sau: http://www.starbucksstore.com/starbucks-reserve-costa-rica-tarrazu-geisha/011024375,default,pd.html?start=1&cgid=coffee
Cháu Bù Na thân ! Lâu mới thấy cháu lên diễn đàn. Học kỳ vừa qua kết quả có tốt không?
Cháu xem theo link của bạn @Hoàng BL nhé.
Chú bổ sung thêm: Geisha là tên một thị trấn nhỏ trên cao nguyên Êthiopia, là quê hương gốc, nơi người ta phát hiện ra loại cà phê sau này đã được thực dân đưa qua trồng ở khu vực Tarrazú có độ cao khoảng 1200m của Costa Rica. Nó là giống Arabica hạt dài và mảnh. Đặc biệt bên cạnh hương vị khá đặc sắc thì loại này chứa lượng cafein rất thấp, chỉ khoảng 30%, trong khi của Arabica thường là 50% so với Robusta.
Ví dụ cháu uống 3 ly cafe Robusta của nhà chú thì lượng cafein đưa vào cơ thể khoảng 400-450 mg, tương đương với 6 ly cafe Cầu Đất của anh Thịnh còi, hay tương đương với 10 ly cafe của Starbuck (đây là lượng tối đa trong 1 ngày dành cho người mạnh khỏe nhé, uống quá là nguy hiểm lắm đó, nhất là với người tim mạch có vấn đề). Nên cháu thấy dân Âu Mỹ uống cafe giải khát suốt ngày khác với phong cách uống của mình là do lượng cafein đưa vào cơ thể rất thấp vì uống cà A.
Mỗi năm vùng này chỉ sản xuất khoảng dưới 500 bao theo lối chế biến ướt và do Starbuck bao tiêu độc quyền.
Mai mốt Starbuck khai trương quán ở Saigon cháu sẽ biết thêm nhé.
Chú nói ít thôi kẻo bà con nghĩ là chú đang quảng cáo. Chúc cháu học tốt nhé !
Chú AV.