Sau khi lên đỉnh 39.000 đồng/kg trong tuần, giá cà phê nhân xô nội địa nhanh chóng xuống lại. Lực bán ra thông qua chốt giá trên sàn cộng với sức ép bán ra của đầu cơ làm giá hạ nhanh giữa tuần. Tuy nhiên, những ngày sau đó, giá cà phê kéo lên lại trong thế lừng khừng chưa vượt được mức đóng cửa tuần trước.
Giá cà phê hết rớt lại tăng
Tuần qua, thị trường cà phê tỏ ra khó đoán vì lên xuống hết sức bất thường. Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa nương theo đà tăng từ cuối tuần trước, giữa tuần vượt qua mức 39.000 đồng, có nơi 39.200 đồng/kg so với cuối tuần trước chỉ 38.500 đồng. Nhưng mức cao ấy quá “yểu mạng”, chỉ tồn tại trong buổi sáng thứ ba ngày 8-1-2013, và phải tụt xuống ngay khi giá sàn kỳ hạn giảm ngay đúng chiều hôm ấy.
Một nhà phân tích thị trường tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng khi giá nội địa quanh mức 39.000 đồng/kg, hay đúng hơn khi giá kỳ hạn qua mức 1.950 đô la/tấn, có khá nhiều hàng được đem chốt bán trên sàn, làm giá đang yếu lại càng yếu. Thị trường bấy giờ phải trả giá với hiện tượng sàn kỳ hạn robusta London đã đánh mất trên 50 đô la chỉ trong nháy mắt.
Tuy nhiên, sau đợt bán mạnh do giá chạm mức “tâm lý” ấy, lượng cà phê bán ra giảm hẳn vì giá đã xuống thấp. Trong những ngày còn lại cuối tuần, giá nhích lên dần. Tính đến hết ngày thứ sáu 11-1 tức rạng sáng thứ bảy 12-1-2013, , giá đóng cửa tháng 3-2013 của sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE (nay là tháng giao dịch chính) chốt mức 1.944 đô la/tấn, chỉ còn giảm 4 đô la so với giá đóng cửa cách đó một tuần (xin xem biểu đồ 1 trên). Đồng thời, giá cà phê nhân xô nội địa cũng tăng lên mức 38.800 đồng/kg, cao hơn tuần trước 300 đồng/kg.
Như thế, chỉ trong vòng 5 ngày giao dịch, giá robusta đã phóng lên, rồi nhào xuống phức tạp, chưa định được hướng nào.
Khác với giá arabica. Sàn giao dịch arabica Ice New York đã có bước nhảy ngoạn mục. Giá đóng cửa tháng 3-2013 phiên cuối tuần đạt mức 153.35 cts/lb, tăng 6 cts, tương đương với 132 đô la/tấn so với cách đây 7 ngày là 147.35 cts/lb.
Về cấu trúc giá trên sàn kỳ hạn London, giá tháng 1-2013 giao ngay đạt mức 1.994 đô la/tấn, vẫn tiếp tục cao hơn giá tháng 3-2013 đến 50 đô la. Đây là hiện tượng giá đảo nghịch: giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng sau. Hiện tượng này kéo dài vài tuần này nhằm khuyến khích người có hàng cà phê trong tay chuyển hàng giao nhanh tranh thủ giá cao của tháng giao hàng gần nhất. (Xin xem thêm biểu đồ 1 với giá tháng 1-2013 màu xanh và tháng 3 màu đỏ).
Nhiều vườn cà phê đón trận mưa vàng
Trong tuần, do ảnh hưởng cơn bão số 1, một số vùng trồng cà phê tại Di Linh, thuộc tỉnh Lâm Đồng đã phấn khởi nhận những trận mưa vàng quý giá. Nhiều nông dân tại thôn Nam Trang, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh cho biết, hầu hết vườn cà phê của họ nhận được trận mưa rất thuận lợi vào chiều ngày 9-1-2013, giúp kích hoa của cây cà phê đang chờ nước để phát dục.
Ông Trương Văn Danh, Phó ban Mặt trận xã Đinh Trang Hòa và là thành viên lãnh đạo của Hợp tác xã Cà phê bền vững Lâm Viên nói rằng chừng 300 ha cà phê vùng ông ở sẽ khỏi phải mất công tưới. Vụ tới hy vọng sản lượng sẽ ổn định sau khi mùa vừa hái xong có giảm đôi chút.
Đối với người trồng cà phê, một trận mưa đến đúng lúc với lượng mưa đầy đủ sẽ được gọi là trận “mưa vàng” vì giúp nông dân không chỉ khỏi tốn công “bày bơm bố ống” tưới nước, giảm chi phí rất nhiều, mà còn giúp cây và hoa cà phê phát triển khỏe mạnh.
Brazil được “mùa mất”
Vài năm trở lại đây, giá cà phê trên các sàn kỳ hạn tăng mạnh đã khuyến khích nông dân nhiều nước tăng năng suất-sản lượng. Tuy giá hiện nay của sàn arabica ICE New York xuống chỉ còn quanh mức 150-153 cts/lb (chừng 3.300 đô la/tấn), từ mức 308 cts/lb (tương đương 6800 đô la/tấn) nhưng giá cao trước đây đã kích thích mạnh các nước sản xuất arabica đua nhau chăm sóc cây cà phê, tăng sản lượng. Là nước có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới, Brazil chủ yếu trồng arabica.
Đặc thù của loại cây cà phê arabica thường theo chu kỳ năm này được mùa thì năm sau mất. Niên vụ 2013-14 tới, nước này sẽ vào chu kỳ “năm thất”. Nhưng vừa qua cà phê vẫn được bộ phận điều tra sản lượng thuộc bộ nông nghiệp Brazil (Conab) đánh giá sẽ cho sản lượng tốt. Conab ước rằng sản lượng vụ tới của Brazil trong khoảng từ 47-50,2 triệu bao, con số rất gần với sản lượng “vụ được” vừa mới hái xong.
Như vậy, với Conab, 2013-14 sẽ là một vụ được mùa nhất trong những niên vụ có chu kỳ “năm thất”. Với suy nghĩ bình thường, sản lượng Brazil vụ 2012-13 vừa hái xong là “năm được”, nên chắc chắc sẽ có con số cao hơn ít nhất dăm ba triệu bao chứ không thể nào bằng “vụ thất” được, nhà phân tích thị trường trên nhận xét.
Ông này viết ẩu rồi !
Ở trên thì viết “trong thế lừng khừng chưa vượt được mức đóng cửa tuần trước”, nhưng ở dưới thì : tăng lên mức 38.800 đồng/kg, cao hơn tuần trước 300 đồng/kg, hầy,có ý gì chăng?
Lúc đầu tui cũng nghĩ như Cafe con. Nhưng nhìn kỹ thì hình như ông này nói câu này với ý là giá trên sàn Ldn với câu “chốt giá trên sàn cộng với sức ép bán ra của đầu cơ làm giá hạ nhanh”. Nên chắc không đến nổi ẩu đâu.
Viết để cho bạn đọc hiểu nhầm, hiểu sai dẫn đến hành động sai với thực tế sẽ xảy ra là cả một nghệ thuật viết. Vì nếu thực tế xảy ra đúng là do… tác giả viết đúng, nhưng nếu thực tế xảy ra sai là do… bạn đọc hiểu sai.
Như dân nam bộ “nói zậy mà không phải zậy” đó mà.
Có thể ảnh hưởng của bão số 1 gây ra mưa vàng ở Di Linh, nhưng ở chỗ tôi là Krông Pach Đăk Lăk lại là một thảm họa !
Tôi hiểu có phần khác hai bạn. Đoạn này nói giá 39 ngàn/kg nên “lừng khừng chưa vượt” tôi hiểu là nói giá nội địa. Nhưng tác giả viết giá nội địa và giá London tuần này trái chiều : London giảm (-$4) mà nội địa tăng 300 đ/kg? theo tôi thì không ẩu mà tác giả có ý, chuyên gia thị trường không thể nhầm như vậy được. Ý nằm ở phần 3 đó: bà con lo bán đi chứ ôm mà coi chừng, Brazil vụ tới được mùa tiếp, cà phê sắp thành cà pháo rồi.
Mọi người đừng hiểu lầm là Di Linh có mưa vàng, chứ thực tế là bà con đang gồng mình tưới đuổi vì mưa lất phất do ảnh hưởng của bão số 1, sợ ko đủ nước cây yếu rồi nở hoa chanh thì toi.
Tác giả đưa tin có dẫn chứng từ : Ông Trương Văn Danh, Phó ban Mặt trận xã Đinh Trang Hòa và là thành viên lãnh đạo của Hợp tác xã Cà phê bền vững Lâm Viên nói . Không lẽ theo bạn @Đinh tân lâm là tin vịt?
Có lẽ là đúng với khu vực đó thôi chăng?… Mưa nhỏ thôi mà, chỗ tôi nhiều người ỷ y, cafe khi trổ bông đã có 1 số bị bông chanh rồi, đặc biệt là những vườn cafe già đó, còn số trổ được bông cũng ngắn lắm, khả năng thành cà 1 nhân là rất cao. Không biết chỗ các bạn thế nào?