Thị trường cà phê 2012: Một năm nhìn lại

Đến hôm nay, thứ bảy 29-12-2012, sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London chỉ còn nửa phiên giao dịch vào ngày 31-12 là kết thúc năm kinh doanh. Thử nhìn lại vài điểm quan trọng của thị trường cà phê để mạnh dạn đoán vài hướng đi chính của thị trường đầy rủi ro nhưng không thiếu hấp dẫn này.

2012 – Một năm mỹ mãn

Những con số ước báo mới nhất từ Tổng Cục Thống kê (TCTK) và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đều cho thấy trong năm 2012, xuất khẩu cà phê cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, thu về 3,7 tỉ đô la Mỹ với mức giá bình quân xuất khẩu chừng 2.137 đô la/tấn.

Giá cà phê sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York
Biểu đồ 1: Giá cà phê sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York

Có thể nói không ngoa rằng nằm 2012, ngành cà phê Việt Nam lại thêm một năm được mùa được giá. Tuy giá xuất khẩu bình quân không cao bằng năm 2011, mức ấy vẫn là mức “mơ cũng không thấy được” trong các năm trước đó. Vì, trong suốt cả 12 tháng qua, giá niêm yêt sàn giao dịch cà phê robusta Liffe NYSE họa hoằn vài đôi lần vượt khỏi mức 2.200 đô la, song chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn. Còn đại bộ phận giá giao dịch chỉ từ mức 1.800-2.100 đô la/tấn.

Ngay cả trong những ngày cuối cùng của năm 2012, khi giá sàn cà phê robusta London còn quanh mức 1.900 đô la, thì giá xuất khẩu bình quân “lý tưởng” ấy vẫn nằm rất cao, mức cộng so với giá niêm yết. Như thế, hai năm 2011 và 2012, giá xuất khẩu cà phê robusta Việt Nam không còn ở mức trừ so với giá sàn kỳ hạn robusta trước đây như nhiều bài viết đã trách cứ và thương tiếc cho hạt cà phê nước ta! (Xin xem biểu đồ 1)

Giá cà phê nhân xô trong thị trường nội địa cũng rất hiếm khi xuống mức 35.000 đồng/kg mà chủ yếu nằm quanh mức 38.000-40.000 đồng/kg. Trong điều kiện được mùa, thị trường có nhiều yếu tố bất lợi về tài chính-tín dụng, đồng thời cạnh tranh giành thị phần khốc liệt từ phía các nước xuất khẩu cà phê arabica, hầu hết nông dân đã sẵn sàng chấp nhận mức giá ấy. Việc bán ra một lượng trên 1,7 triệu tấn trong năm qua nhưng giá nội địa vẫn giữ được mức cao ổn định đã nói lên rằng nông dân không hề có ý định găm hàng. Họ chỉ sẵn sàng bán ra với mức giá hợp lý. Không ai có thể trách, vì đó chính là quyền, là cách điều tiết khôn ngoan của họ.

Giá vẫn cao dù sản lượng tăng

Sẽ phải nói thẳng rằng sản lượng nhỏ thì chẳng thể có lượng xuất khẩu to. Bất kỳ ai có muốn giấu con số sản lượng cho dù có ý tốt, vẫn khó mà che được các con số sản lượng lớn, mỗi lúc mỗi lồ lộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và trên toàn thế giới.

Năm qua, nhiều đơn vị tổ chức ước báo sản lượng đều phải nhiều phen chỉnh sửa, buộc phải nâng con số sản lượng lên vì “tự dưng” xuất khẩu cà phê nước ta tăng “quá cỡ”. Ngay cả con số xuất khẩu của 3 tháng cuối năm 2012 do TCTK đưa ra cũng vượt quá cao so với thăm dò của hãng tin Reuters. Ba tháng quý 4 năm 2012, nước ta xuất khẩu đạt 394.000 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2011 chỉ đạt 259.000 tấn (xin xem biểu đồ 2). Như vậy ngay từ đầu vụ 2012-13, xuất khẩu hàng tháng đã đạt bình quân trên 130.000 tấn/tháng. E rằng con số này vẫn chưa phải là cuối cùng vì lượng xuất khẩu tháng 12-2012 có thể nhiều hơn.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam
Biểu đồ 2: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam

Thế nhưng, nhiều người vẫn dè chừng không dám phát biểu thực lòng con số của mình mà thường chỉ nương theo thị trường hay tâm lý đám đông. Sau đây xin đưa ra một vài con số ước lượng sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ mới. Không biết sau này chúng còn phải được chỉnh tăng như năm cũ, song xin mạnh dạn trình bày để bạn đọc tiện theo dõi và so sánh:

Tên tổ chức ước báo Ước lượng/triệu bao (60kg/bao)
ICO 22
USDA 24,17
F.O. Litch 22,19
Vicofa 20-21,25
Reuters (thăm dò) 22,25
Nhiều thương nhân 23-24

Bảng 1: Ước báo sản lượng cà phê Việt Nam 2012-13 của một số đơn vị (nguồn Reuters và tác giả)

Đối với sản lượng thế giới, xin đưa ra hai ước báo. Một là của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), thường nhận con số từ các hiệp hội thành viên một cách thụ động. Một nữa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), có nghiên cứu thực địa nghiêm chỉnh. Hai ước báo này tỏ rõ một bên nói lên con số của các nước sản xuất, bên kia con số của người tiêu thụ. Sản lượng cà phê thế giới niên vụ mới được dự báo như sau:

Tên tổ chức ước báo Arabica/triệu bao (60kg/bao) Robusta/triệu bao (60kg/bao) Tổng cộng/triệu bao
ICO 90 56 146
USDA 88,818 62,44 151,26

Bảng 2: Ước báo sản lượng cà phê thế giới của ICO và USDA (tác giả tổng hợp)

Như một qui luật, giá tốt nên nhiều nước đang đua nhau tăng diện tích, tăng năng suất sản lượng. Mới đây, bộ Nông nghiệp Indonesia nói thẳng rằng sản lượng cà phê năm sau của nước này sẽ tăng. Bờ biển Ngà, nước chuyên trồng cà phê robusta như Việt Nam tại châu Phi, đang đòi tăng 100% sản lượng cà phê trong vòng vài năm tới. Tại Brazil, do niên vụ 2012/13 sẽ là niên vụ “được” sau khi đã “thất” ở niên vụ trước, còn tại các nước trồng cà phê arabica khác, sản lượng đều tăng như Lào, Honduras, Colombia, và một số nước khác tại châu Mỹ La tinh.

Rõ ràng, dù ở góc nhìn nào, sản lượng thế giới năm 2013 vẫn tăng mạnh. Thế mà, tiêu thụ chỉ ước chừng 141-142 triệu bao.

Trong nông nghiệp, qui luật giá tăng kích thích sản lượng tăng; sản lượng lớn lại tạo tiền đề cho giá giảm. Tuy nhiên, trong mấy năm qua, đặc biệt hai năm gần đây, điều này đã không đúng tại thị trường cà phê nước ta và sàn giao dịch robusta Liffe NYSE London.

Vắt giá – bởi “tay ải tay ai”?

Năm 2012, ít nhất đã có 2 đợt vắt giá trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE, tức giá của tháng giao hàng ngay vượt cao hơn hẳn so với tháng giao hàng sau. Nhớ vào giữa tháng 2-2012, giá giao hàng tháng 3-2012 đột nhiên “vắt” so với tháng 5-2012. Có lúc giá tháng 3-2012 cao hơn giá tháng sau đến 182 đô la/tấn. Một đợt vắt giá thứ 2 hiện đang hoạt động tuy giá chênh lệch không nhiều, chừng 40-50 đô la/tấn.

Tính từ 2006 đến nay, hiện tượng vắt giá ngày càng dày đặc. Nếu như đợt vắt giá 2006 có khi giá chênh lệch cao đến 430 đô la thì đợt 2007 đến 520 đô la/tấn.

Thực ra, các đợt vắt giá chính là những đợt đầu cơ siết giá tháng giao hàng ngay tăng cực mạnh để kéo hàng về sàn. Đầu cơ tài chính và hàng hóa đã rất khôn khéo để tạo nên “khủng hoảng” như thế trong cấu trúc giá để một mặt siết chặn lỗ đối với những tay đầu cơ nhỏ và giới kinh doanh trên sàn đi ngược lại với vị thế kinh doanh của họ, mặt khác tạo thời cơ để tích trữ hàng nhằm khuynh loát sau này.

Họ đã thành công rực rỡ. Đến tháng 7-2011, một lượng hàng chừng 420.000 tấn robusta được Liffe NYSE chấp nhận chất lượng (certifieds) tại các kho do sàn kỳ hạn này chỉ định. Một điều đáng lưu ý là trong số họ, kể cả cho đến nay, chỉ có một nhà đầu cơ hàng hóa sở hữu đến 70% lượng tồn kho ấy. Tưởng đầu cơ mua cà phê về để bán cho sàn, nhưng không. Một lượng rất lớn của tồn kho ấy đã được dùng làm “bửu bối” để siết giá hàng thực, đặc biệt giá chênh lệch (differentials), thường được dùng để tính giá mua bán xuất nhập khẩu. Nhiều nhà kinh doanh và rang xay phải mua hàng tồn kho ấy với mức chênh lệch dương rất cao so với giá niêm yết, có khi cộng 300-400 đô la/tấn cho loại 2 theo tiêu chuẩn qui định của sàn kỳ hạn.

Hai đợt vắt giá trong năm 2012 chính là những dư chấn của các lần vắt giá từ 2006 và 2007. Đặc biệt, đầu cơ đã sử dụng tồn kho được xác nhận, thay vì bán cho sàn thì họ giữ lại để “làm giá” và bán mức cao cho giới kinh doanh, rang xay và ngay cả nhà xuất khẩu nếu thiếu hàng giao. Chính vì thế, thỉnh thoảng, ta vẫn chứng kiến nhiều nhà xuất khẩu cà phê nước ta phải mua lại hàng của các tay đầu cơ hàng cà phê thực ngay trên thị trường nội địa. Dĩ nhiên, bấy giờ họ phải mua lại với giá cắt cổ như bao nhiêu con mồi khác.
Một khi đầu cơ đã khống chế được hàng, giá trên sàn, chính họ sẽ tạo các đợt vắt giá tiếp theo để kéo hàng về sàn, hòng tạo nên những đợt làm ăn tiếp theo.

Cho nên, các trật tự bình thường của hàng và giá đều diễn biến khác thường. Như theo lẽ, đáng ra tồn kho càng nhiều, giá càng hạ cả trên sàn lẫn thị trường nội địa, đặc biệt trong trường hợp cả thế giới được mùa. Nhưng đến nay, ta hiểu vì sao giá robusta trên sàn vẫn vững.

Cuộc chiến giành lại thị phần của cà phê arabica

Vào khoảng giữa năm 2011, giá sàn kỳ hạn arabica Ice New York đã phóng lên mạnh, có lúc đạt mức 308 cts/lb (chừng 6.800 đô la/tấn). Kể từ bấy đến nay, giá sàn arabica rớt thảm hại, hiện chỉ còn quanh mức 146 cts/lb (chừng 3.200 đô la/tấn), mất trên 50% giá trị. (xin xem thêm biểu đồ 1 – đường biểu diễn arabica màu hồng nhạt)

Thi phan ca phe Arabica
Biểu đồ 3: Giá cách biệt giữa arabica Ice và robusta Liffe NYSE

Giá cà phê arabica quá đắt đã làm rang xay chuyển hướng sang sử dụng cà phê robusta. Reuters cho biết rằng trong quý 1 năm 2012, nước Mỹ đã nhập khẩu mạnh robusta, tăng 80% do giá arabica quá cao. Trong điều kiện suy thoái kinh tế, nhiều người tiêu dùng chuyển sang uống cà phê hòa tan thay vì “chơi sang” uống cà phê rang xay như trước đây.

Đứng trước một vụ mùa bội thu, Brazil đang bằng đủ mọi cách để giành lại thị phần từ tay những nhà xuất khẩu robusta. Các nước sản xuất arabica khác cũng e ngại người khổng lồ, nên tranh thủ bán arabica mạnh gây sức ép cộng hưởng cực lớn trên sàn kỳ hạn arabica.

Trong tuần qua, có tin một số quan chức nông nghiệp Brazil đổ thừa đầu cơ gây nên giá thấp trên sàn. Nhưng, thị trường không phải dễ tin vì lượng chốt giá bán trên sàn khá lớn và lượng hàng thực xuất khẩu từ các nước arabica ngày mỗi nhiều.

Nếu như trước đây, mức cách biệt giữa 2 loại arabica/robusta là 4.100 đô la/tấn thì nay co lại chỉ quanh mức 1.300 đô la/tấn. (Xin xem biểu đồ 5 gồm giá arabica màu cà phê sữa và giá robusta màu xanh)

Điều này, nếu không ngay bây giờ thì mai này, gây khó cho hàng robusta do arabica đang được bán ra với giá rẻ. Giá cách biệt (arbitrage) giữa hai chủng loại cà phê arabica và robusta đang co lại dần, chứng tỏ arabica đang được bán rẻ và robusta có thể sẽ mất thị phần từ tay các nước xuất khẩu arabica.

Thử nhìn trước vài hướng đi của thị trường cà phê năm 2013

– Giá sàn kỳ hạn robusta sẽ có thể còn một vài đợt vắt giá, với cường độ như hiện nay với mức chênh lệch nhỏ. Hiện nay, với chừng 110.000 tấn tồn kho robusta được xác nhận tại Liffe NYSE, đầu cơ có thể sẽ tìm cách nâng con số tồn kho này lên dần, nhưng chắc không mạnh như xưa. Tuy nhiên, đây sẽ là một đầu “đòn xóc” phụ trợ cho hoạt động đầu cơ bên phía sàn arabica có thể sẽ xảy ra.

Tính đến cuối năm 2012, lượng tồn kho được xác nhận arabica trên sàn kỳ hạn Ice New York có chừng 160.000 tấn. Nay đầu cơ vẫn đang tích cực thu gom arabica tại các nước như Colombia vì hàng arabica của nước này tốt, chắc chắn sẽ được sàn ICE chấp nhận chất lượng, không 100% thì cũng phải đến 95%.
Do vậy, khả năng đầu cơ hàng hóa đang chuẩn bị cho một đợt kéo giá tăng trên sàn arabica, bất luận với cớ gì, kể cả họ đang viện lý do mùa sau Brazil vào “vụ thất” sau “vụ được” hiện nay. Nếu thành công, biết đâu sẽ có những đợt vắt giá trên sàn arabica như robusta lâu nay khi lượng tồn kho arabica được gom đủ túc số theo ý họ. Nếu vậy, hai khả năng sẽ xảy ra: giá robusta sẽ nương theo arabica để tăng, tuy không mạnh bằng. Cũng chính vì đang tập trung tiền của và sức lực cho “trận đánh” arabica, robusta sẽ bị “chia lửa”. Mặt khác, arabica tăng, giá đắt, sẽ là cơ hội cho giá cách biệt hai sàn giãn ra và đó sẽ là cơ hội cho robusta về mặt thị phần.

-Tuy robusta đang được sử dụng nhiều, thị trường thế giới cũng chỉ hấp thụ robusta chừng 120.000 tấn/tháng từ Việt Nam. Những tháng đầu vụ (10, 11 và 12-2012), xuất khẩu đã vượt qua ngưỡng ấy và được xem là bất lợi cho giá. Nếu trong vài tháng tới, nhịp độ xuất khẩu vẫn cao như thế, khả năng giữ giá tốt cho robusta có thể sẽ rất mỏng manh.

Đứng trước sức mạnh của hoạt động đầu cơ, nhiều nhà rang xay đang lo ngại một khi đầu cơ “vắt chanh bỏ vỏ”, giá sẽ rơi tự do và không gì cứu vãn nổi. Bấy giờ, cà phê có thể còn rẻ hơn cà pháo như kinh nghiệm đau thương trước đây trong các năm 2000-2001. Chính vì thế, nhiều nhà rang xay đang tích cực ủng hộ và xây dựng các khu vực sản xuất bền vững. Nhiều nhà rang xay đã lên tiếng đến năm 2015, họ chỉ mua hàng của những nông dân sản xuất bền vững để một mặt bảo đảm môi trường sinh thái, mặt khác nông dân được mua với giá “bền vững” và các nhà rang xay cũng có nguồn cung ứng cà phê bền vững.

Trên đây là khuynh hướng sản xuất cà phê nay mai, nhưng cũng chính là dự đoán cuối cùng cho hoạt động sản xuất cà phê trong năm 2013.

Giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London đóng cửa phiên thứ sáu 28-12-2012 (tức rạng sáng thứ bảy 29-12 giờ Việt Nam) cơ sở tháng giao dịch chính (3-2013) chốt mức 1.911 đô la/tấn, thấp hơn 50 đô la so với giá 1-2013 là tháng giao ngay ở mức 1.961 đô la/tấn. Như vậy, so với giá đóng cửa ngày giao dịch đầu năm 2012, giá cuối phiên hôm nay tăng chừng 100 đô la/tấn và cao hơn tuần trước 17 đô la. Đồng thời, giá đóng cửa sàn kỳ hạn Ice New York ở mức 146,85 cts/lb, mất đến 80 cts/lb (trên 1750 đô la/tấn) so với ngày đầu năm 2012.

Với sàn kỳ hạn robusta London, chỉ còn nửa phiên giao dịch vào ngày 31-12-2012 là chấm dứt năm kinh doanh.
Tại các tinh Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô đang được chào mua với mức 38.500 đồng/kg, tăng từ 500-700 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cư Pul

    Tác giả viết :
    – Tưởng đầu cơ mua cà phê về để bán cho sàn, nhưng không.
    – Đặc biệt, đầu cơ đã sử dụng tồn kho được xác nhận, thay vì bán cho sàn thì họ giữ lại để “làm giá”.
    Xin được hỏi, như vậy là sàn London vẫn mua hàng, cũng có nghĩa là sàn cũng tham gia kinh doanh? Thế mà xưa nay tôi cứ nghỉ sàn chỉ là nơi để cho khách giao dịch và làm trung gian để cho khách giao nhận hàng hóa mà thôi chứ ! Xin các bác giải thích cho biết thêm.

  2. Hoàng Vina

    Theo tôi được biết bán cho sàn là bán cho những nhà môi giới được sàn chấp nhận. Họ hoạt động như là 1 bộ phận của sàn. Sàn BCEC của ĐakLak cũng có vài cty môi giới như vậy.
    Theo báo cáo của sàn Liffe, tính đến 24/12, các nhà môi giới đã mua khống 35.882 lô và bán khống là 1.924 lô, trong khi Thương mại còn cầm 51.702 lô mua khống và 66.745 lô bán khống.

  3. Trần Đình Sơn La

    Bán được chứ! Bán hàng vật chất hẳn hoi. Hình như nói cho đúng là bán vào sàn phải thông qua các nhà môi giới của sàn (brokers). Bán trên sàn thường được gọi là đấu giá đó bạn ơi.
    Thời gian qua hàng không bán trên sàn được vì lý do gì bạn biết không? Về giá, thông thường trừ 30 usd cho loại 2 Liffe và bằng 0 cho loại 1 Liffe. Nhưng do đầu cơ tích trữ được hàng và ép được người nhận hàng bằng giá bên ngoài cao hơn (trong tiếng Anh người ta hay gọi là “non-Liffe”, không bán, không phải hàng cho Liffe. Do giá bên ngoài cao hơn, giả sử như cộng 50 usd chẳng hạn, nên bán vào sàn bị thiệt 80 usd (+50 và -30), nên chúng ta cứ có cảm giác sàn không có hàng vật chất. Cũng phải nói rằng sàn đã tạo điều kiện cho đầu cơ chơi, vui hơn!

Tin đã đăng