Nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp giông bão khi người dân nhiều nước vùng sử dụng đồng euro xuống đường chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tiếp theo là thông báo châu Âu chính thức rơi vào thời kỳ suy thoái. Đầu cơ tài chính rút vốn nằm chờ, nhà buôn chạy tiền hàng như chạy tiền chợ. Giá cà phê sụp.
Trời mưa đất chịu
Giông tố lại nổi lên trên nền kinh tế vĩ mô của các nước phương Tây. Đầu tuần này, khắp nơi trong vùng sử dụng đồng euro (eurozone) từ Tây Ban Nha, đến Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp…người dân đổ ra đường tuần hành chống chính sách thắt lưng buộc bụng.
Ý kiến diễn ra trái chiều giữa một bên là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một bên là các nước “anh cả” trong vùng eurozo: IMF muốn dân chúng eurozone “thư thư” để còn đường phát triển kinh tế, thoát nợ thoát nghèo; còn các nước đàn anh eurozone, thường là nước bung tiền cứu trợ, yêu cầu các nước mượn nợ thắt chặt chi tiêu để nhanh trả nợ, đồng thời hàm ý hy sinh phát triển.
Chớp lòe sấm sét càng mạnh khi nghe tin cả nước Đức lẫn Pháp, hay nói cho hết, cả vùng châu Âu, đang quay lại với suy thoái kinh tế. Nhiều thị trường cổ phiếu và hàng hóa trên thế giới sụp đổ. Tin chẳng lành ấy đã kích đầu cơ tài chính khắp nơi rút vốn “bỏ lại vào túi” chờ thời.
Hai thị trường cà phê không nằm ngoài luật chơi ấy của thị trường tài chính. Giá trên hai sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE và arabica Ice New York rớt như mưa sa. Giá sàn robusta có hôm rớt thỏm 77 đô la/tấn, cùng lúc ấy arabica Ice mất đứt cả 160 đô la/tấn chỉ trong 1 ngày giao dịch.
Khắp nơi dáo dác. Tại thị trường nội địa, giá chào mua bán mất thêm trên 1 triệu đồng/tấn, dưới mức 38 triệu so với 39 triệu đồng/tấn giao dịch ở cuối tuần trước. Mua bán rời rạc. Giá xuống nhanh, bên bán chẳng thể bán rẻ vì giá rớt quá nhanh; bên mua ngập ngừng trả giá vì ngại giá xuống sâu hơn. Các nhà xuất nhập khẩu bàng hoàng. Cả hai bên đều đứng lặng. Thị trường hầu như ít người mua người bán vì giá rơi quá nhanh. Giá trên sàn mới 2100-2200 đô la/tấn khi vào vụ thì nay đã mất đứt 200-300 đô la/tấn.
Một cơn áp thấp nhiệt đới đưa mưa về các vùng trồng cà phê tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ nước ta cũng làm chậm lại đường chu chuyển của hạt cà phê.
Đến sáng thứ bảy 17-11, giá đóng cửa sàn robusta London kết sổ mất đúng 75 đô la/tấn cơ sở tháng 1-2013 so với cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 1). Trong khi đó, giá arabica New York giảm ít hơn với 67 đô la/tấn. Giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa chỉ quanh mức 38.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu dựa trên giá chênh lệch giữa giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta với cảng lên hàng TPHCM vẫn quanh mức trừ 30-40 đô la/tấn cho loại 2, 5% đen vỡ, không thay đổi mấy so với tuần trước.
Tồn kho giảm, sao giá chẳng tăng?
Trong tuần, riêng thị trường cà phê có nhiều tin quan trọng. Các báo cáo tồn kho ra định kỳ đều cho rằng tồn kho nhiều nơi tại các nước tiêu thụ giảm. Nhưng, không vì thế mà giúp giá tăng.
Thực vậy, ngoại trừ số liệu tồn kho thuần arabica được sàn Ice xác nhận chất lượng hầu như tăng hàng ngày, đến khuya thứ năm 15/11, đã tăng lên cận mức 2,5 triệu bao so với mới đây 1,5 triệu bao.
Tại Nhật, nước tiêu thụ cà phê lớn ở châu Á, theo thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 10-2012, tồn kho chỉ còn chừng 128.000 tấn. Trong khi đó, ở Mỹ, tồn kho theo Hiệp hội Cà phê nhân (Green Coffee Association – GCA), đến hết tháng 10-2012, lượng cà phê giảm 159.436 bao, chỉ còn 4.941.422 bao so với tháng 9 trước đó. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước (4.459.416 bao) 11%.
Đồng thời, Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cũng ước rằng tồn kho tính đến cuối tháng 9-2012 tại châu Âu cũng giảm 161.250 bao chỉ còn 10.123.983 bao. Như vậy, cả niên vụ 2011-12, tồn kho ECF giảm 2.508.363 bao (xin xem biểu đồ 2).
Thêm vào đó, tồn kho robusta được Liffe NYSE chấp nhận (certifieds) cũng giảm 7.280 tấn sau 2 tuần, tính đến hết ngày 12-11-2012, chỉ còn lại 108.580 tấn. Như vậy, tồn kho robusta ở đây giảm 65% so với cách nay 1 năm là 311.670 tấn (xin xem biểu đồ 3).
Một nhà phân tích thị trường tại TPHCM cho rằng tồn kho giảm nhưng sức mua mới robusta không mạnh như mọi năm ở thời điểm này có thể có nhiều lý do. Một là giá robusta đang mất dần sức hấp dẫn so với arabica, giá cách biệt 2 loại trên hai sàn đang co dần lại và giá arabica nay chỉ mắc hơn robusta chừng 1.350 đô la/tấn, là mức các nhà rang xay có thể chấp nhận so với cách đây hơn 1 năm là 4.150 đô la/tấn. Hai là, suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ eurozone đã “bó gối” nhiều nhà buôn và rang xay về mặt tài chính. Ông tiếp: “Biết đâu được rằng các ngân hàng tại các nước nhập khẩu có thể hạn chế cho vay để trả tiền mua hàng ngoài khu vực mà chỉ ưu tiên thanh lý hàng tồn kho”.
Hệ lụy là giá khó tăng khi đầu cơ tài chính rút vối khỏi thị trường, nhưng tồn kho vẫn giảm vì nhiều ngân hàng nước nhập khẩu chỉ cho vay trả tiền quanh khu vực, không cho tiền chảy ra ngoài để kích thanh lý tồn kho.
Chính phủ các nước quản lí yếu kém, tiêu xài thâm thủng ngân sách phải đi vay nợ, lại buộc dân nước mình “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ thì có dân chúng nào mà chịu được.
Kinh tế suy sụp, khủng hoảng… cũng từ đó mà ra.
Cà xuống thì chất kho khóa kỹ, đừng lo gì bà con ơi ! Năm nay mất mùa chung trên địa bàn tỉnh ĐăkLăk. Chắc chắn cà phê phải lên giá.
Nói như (đơn giản) ở trên nói thì ai lại không nói được, nếu anh có tiền, có vốn thì anh khóa kho cất kỹ, chứ những người dân chỉ biết chờ giá để bán thì họ mới có tiền ăn chi tiêu gia đình chứ, không bán lấy gì ăn đây? Chi tiêu, nuôi con cái đi học, việc giá cả hạ là 1 nổi lo lớn của bà con làm cà, mong sao giá cà phê lại lên lại để bà con đỡ khổ.
Kinh tế Mẽo khủng hoảng, EU chính thức Suy thoái… có thể tạm gọi là kép. Còn ở Việt Nam ta thì hôn mê sâu, chìm đắm trong suy thoái, vậy Cafe lên bằng con đường nào hở các bạn? Còn giả thuyết có lên thì đâu chỉ có 1 sản phẩm Cafe lên, nó sẽ kéo theo Vật tư, công lao động, xăng dầu tưới, điện tưới… Nó lên còn nhanh hơn cả Cafe thì mong nó lên làm gì (chưa nói đến lạm phát, tiền VN mất giá). Trong hoàn cảnh này thì bà con ta tùy cơ ứng biến chứ không biết khuyên nhủ nhau bằng nỗi niềm gì.
Theo tôi nghĩ năm nay giá cà phê sẽ không khả quan bằng năm ngoái vì châu Âu đang khủng hoảng. Có thể giá sẽ hạ trong thời gian tới.
“Giá có thể lên và không có thể”, ráng gồng mình qua năm bán giá sẽ nhích lên vì mất mùa. Bán lúc này là bán lúa non…