Nghịch lý cà phê mua cao, bán thấp vẫn lãi

Nhà nước thất thu, nguy cơ đầu cơ găm hàng là hệ quả từ tình trạng nhiều doanh nghiệp dùng chiêu “mua cao, bán thấp” vẫn lãi.

Trong Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức tại TP.HCM ba ngày trước, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê đã bày tỏ bức xúc, lo ngại trước tình trạng nhiều DN TNHH trong nước thu mua cà phê giá cao hơn giá thị trường 700-1.000 đồng/kg rồi bán lại với giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường nhưng vẫn thu được lợi nhuận.

Nghịch mà không nghịch

“Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thật ra không nghịch lý chút nào. Các DN này mua cà phê từ nông dân, cơ sở, đại lý thu mua cà phê mà không có hóa đơn, chứng từ. Nếu tính giá thị trường hiện giờ là 40.000 đồng/kg cà phê, mức thuế giá trị gia tăng (VAT) DN thu mua phải chịu là 5%, tương ứng số tiền 2.000 đồng/kg, tính ra giá DN mua gồm giá thành cộng với tiền thuế phải chịu là 42.000 đồng/kg. Nhưng bằng hình thức mua trốn thuế nên dù những DN này có mua giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng là 41.000 đồng/kg rồi sau đó bán lại cho DN xuất khẩu giá 40.000 đồng/kg vẫn lãi 1.000 đồng/kg vì DN xuất khẩu phải trả thêm 5% thuế VAT/kg (2.000 đồng/kg) cho DN TNHH” – ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê 2/9 (Đắk Lắk), cho hay.

Hơn nữa, cà phê nhân xuất khẩu được hoàn thuế VAT nên mặc dù phải trả 5% VAT cho bên DN “mua cao, bán thấp”, sau khi xuất hàng đi, DN xuất khẩu được Chính phủ hoàn trả số thuế này. Kết quả là Nhà nước thất thu.

Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Cà phê Đăk Man, tiết lộ có DN còn “đẻ” ra nhiều DN con đóng ở các thành phố lớn để mua lại cà phê từ các cơ sở, đại lý trong vùng nguyên liệu với cùng hình thức trên. “Những DN con đó vừa được hưởng gia hạn nộp thuế VAT của Bộ Tài chính, vừa mua được nhiều cà phê bán cho DN xuất khẩu lấy lợi nhuận. Đến thời hạn nộp thuế, DN mẹ lấy lý do khó khăn phải nợ thuế nên tuyên bố phá sản” – ông Bằng thông tin.

Nguy cơ lũng đoạn thị trường

“Giữa một bên mua theo giá thị trường 40.000 đồng/kg kèm hóa đơn, một bên mua giá 41.000 đồng/kg không hóa đơn thì nông dân, đại lý thu gom cà phê chọn bán cho ai? Đương nhiên là bán cho bên mua giá cao hơn, lại không cần hóa đơn phiền phức. Nếu không kiểm soát ngay tình trạng này, có thể hàng trăm tỉ đồng tiền thuế tiếp tục thất thoát mỗi năm. Hậu quả lớn hơn là làm rối loạn thị trường cà phê trong nước” – ông Lê Đức Thống, Công ty Cà phê 2/9, lo ngại.

Mặt khác, nhiều DN xuất khẩu cà phê khác băn khoăn liệu những DN “mua cao, bán thấp” đó có bán ra tất cả cà phê thu mua được cho DN xuất khẩu không? Hay mục đích mua giá cao là để gom hàng đem trữ chờ giá nội địa lên mới bán?

Đây có thể là hình thức đầu cơ găm hàng chờ giá, rất dễ dẫn đến việc DN xuất khẩu khó kiếm hàng, cuối cùng phải mua giá cao từ họ để kịp thực hiện hợp đồng. Lúc này, DN xuất khẩu không hề có lãi, thậm chí là lỗ.

Theo đại diện một DN xuất khẩu nông sản, có thể DN xuất khẩu trong nước chuyên làm ăn chụp giật thực hiện việc này. Nhưng để làm được phải có vốn lớn nên biết đâu lại là “chiêu” của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ DN Việt Nam đang khó khăn.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Bằng, Công ty Cà phê Đăk Man, cho rằng không thể có chuyện DN xuất khẩu hay DN FDI làm việc này mà chỉ có DN TNHH trong nước thôi. “Nếu là DN xuất khẩu làm thì chúng tôi nói ra bức xúc, lo ngại và kiến nghị kiểm tra làm gì? Khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Đạo đức kinh doanh buộc chúng tôi phải tố cáo” – ông Bằng khẳng định.

Trước tình hình mà các DN phản ánh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, cho biết sẽ thông tin lên cơ quan quản lý thị trường ở các vùng nguyên liệu kiểm soát chặt việc DN thu mua cà phê, nhất là DN có dấu hiệu “mua cao, bán thấp” không hóa đơn, chứng từ. VICOFA cũng đồng thời liên kết với cơ quan thuế, nếu phát hiện DN vi phạm sẽ xử phạt thật nặng, có thể rút giấy phép kinh doanh.

Khó phát hiện, xử lý

Trao đổi với phóng viên về tình trạng DN “mua cao, bán thấp” cà phê không hóa đơn, chứng từ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết nếu những DN này “ăn rơ” với các đại lý, cơ sở bán cà phê thì rất khó phát hiện. Cách gian lận trốn thuế của họ là kê khai giá mua bán đúng giá thị trường, phần giá cao hơn giá thị trường 700-1.000 đồng/kg sẽ được DN “mua cao” trả cho đại lý bán theo hình thức hoa hồng “đút túi” nên không thể phát hiện. Việc này chi cục thuế và quản lý thị trường các địa phương phải phối hợp kiểm soát chặt mới mong ngăn chặn được.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. V. Đ. Hùng

    Dùng hóa đơn GTGT để mua bán lòng vòng, đẩy giá lên cao một cách “ảo”, “lạ kỳ”, là giết chết dòng chảy tự nhiên của xuất khẩu và hàng hóa; là mối nguy hại, là phá rối thị trường. Nhất là trong giai đoạn khó khăn, cả Nhà nước và các công ty đàng hoàng đang muốn kiếm ngoại tệ về cứu nguy nền kinh tế đang bị các tay ngân hàng, núp bóng ngân hàng, bắt chước đầu cơ tài chính để khuynh loát thị trường, phá hoại nền kinh tế tự nhiên.
    Chắc chắn các cơ quan thuế đã biết nhưng vẫn chưa chịu lên tiếng, ra tay chặn đứng cho đến khi có người xung phong phát biểu.
    Đề nghị lãnh đạo Bộ Công thương, thuế và các cơ quan chức năng vào cuộc chặn đứng hành động phá rối thị trường tinh vi kiểu này.
    Hoan hô các ông Thống và Bằng trong bài viết. Nếu cấp trên không nhanh chóng vào cuộc, không chỉ thiệt hại về thuế mà còn mất thị phần xuất khẩu lớn nay mai. 1,5 triệu tấn, 3 tỉ USD chứ không phải chuyện đùa.

  2. Cafe vỉa hè

    Ông Bằng nói là vì công ty ông bị mang tiếng oan, nhưng nhiều công ty khác không oan. Còn ông Thống nói là để biện minh cho số nợ đang ngập đầu, đang vùng vẫy để tìm lối thoát cho công ty ông.
    Chuyện này thiên hạ không ít người biết nhưng e ngại không dám nói, chẳng khác nào như đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội hiện nay. Ai sẽ bảo vệ cho người nói?
    Cơ quan chức năng, ngành thuế…? Đã nói là thiên hạ không ít người biết mà. Khui ngành cafe Việt ra cũng chẳng khác gì Vinashin, Vinaline…

  3. nông dân một nửa

    Đọc bài viết bản thân vẫn chưa hiểu mong diễn đàn chỉ thêm và chúng ta cùng thảo luận nhé: Nếu các cơ sở, DN mua hàng của nông dân là 41.000 đ/kg mà bán lại cho ND xuất khẩu với giá 40.000 đ/kg thì làm sao có lãi vì nếu cơ sở k xuất hóa đơn GTGT thì DN xuất khẩu đâu có trả 5 % tiền thuế GTGT. Vì tôi có làm kế toán cho mmotj cơ sở kinh doanh mua hàng của nông dân và của các cơ sở khác không có hóa đơn nhưng bán hàng cho ND XK ( cty Armajaro VN) nhưng chỉ khí cơ sở của tôi xuất hóa đơn GTGT cho DNXK này thì NDXK này mới trả 5 % và tièn thuế thường là chuyển sau không chuyển cùng tiền hàng. Nếu không xuất hóa đơn GTGT họ sẽ không trả 5% trên giá trị tiền hàng như bài báo đã nói vậy lấy đâu ra mua cao bán thấp vẫn có lãi, không biết mấy ông công ty xuất khẩu mua hàng của cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn GTGT có cộng thêm 5% trên giá trị hàng hóa không mong mọi người trên diễn đàn thảo luận.

  4. Quân

    Mình có phần không hiểu chỗ VAT này, mong được chỉ dẫn. VAT hiện đang được gia hạn chứ không phải miễn. Phần VAT bên xuất khẩu trả cho DN là của Nhà nước, hiện tại được gia hạn nhưng sau này vẫn phải trả, bỏ qua việc VAT được gia hạn, điều kiện bình thường, thì VAT DN nhận về sẽ phải nộp cho Nhà nước, chứ ko phải là phần lời, tại sao lại nói DN mua cao hơn 1000đ/kg vẫn lời nhờ mua vào không có thuế? Việc thu mua của DN hiện tại muốn trả tiền thuế là quá dễ, bên đại lý hoặc hộ nông dân có đăng ký nộp thuế thì xuất hóa đơn thôi, có điều hiện tại hầu như là không ai trong họ làm điều này. DN mua trả thuế cho đại lý hoặc hộ nông dân, thì tiền thuế đó họ sẽ trả lại cho nhà nước, DN sẽ cộng tiền thuế vào giá thành rồi xuất ra cho bên xuất khẩu, ko ảnh hưởng gì đến họ cả. Vấn đề là chúng ta xuất khẩu thô chiếm tỷ trọng quá lớn, phụ thuộc giá nước ngoài. Giá sẽ được đưa ra từ bên nước ngoài qua xuất khẩu xuống DN, từ đây DN đưa ra giá cho đại lý. Nói chung là DN ko tự quyết định giá bán được, và đại lý/ nông dân cũng vậy. Nếu áp tiền thuế thì buộc DN phải trừ vào giá mua, sẽ không hộ nông dân nào chịu.

    Nếu không muốn thất thu phần thuế VAT này thì phải đẩy mạnh chế biến sản phẩm ngay trong nước, tăng sức tiêu thụ. Hoặc chí ít là chúng ta phải chủ động được phần giá bán xuất khẩu. Tại sao VN sản lượng robusta đứng đầu thế giới nhưng lại không ảnh hưởng được giá bán ra? Bà con nông dân năm nào cũng thấp thỏm ngóng tin từ sàn giao dịch, ngóng tin các nước xuất khẩu khác bị thiên tai này nọ. Có phải phần lỗi lớn thuộc về bộ công thương, về chính phủ, đã không tạo được thương hiện mạnh cho cà phê nước nhà, ko có sức nặng trên bàn đàm phán giá cả?

    Việc ai mua cao bán thấp cũng là bình thường, nắm bắt cơ hội ai cũng có quyền, nếu họ sai thì họ chịu thiệt, vậy thôi. Chẳng hiểu phần VAT thì ảnh hưởng gì? Cho là họ lợi dụng việc được gia hạn VAT hiện nay để tận dụng nâng giá mua vào, nhưng khi hết gia hạn thì họ phải nộp, trong thời gian họ đầu cơ không đúng ý đồ, lỗ nặng là điều tất nhiên, họ sẽ bị đào thải, việc gì bên xuất khẩu phải đắn đo. VAT trả cho nông dân còn làm đội giá thành, mà trong khi giá xuất khẩu thì chúng ta không làm chủ được.

    Các DN xuất khẩu nếu có kinh doanh thua lỗ thì làm ơn hãy xem xét lại quy trình hoạt động, về mặt quản trị doanh nghiệp của mình, đừng đổ lỗi cho ai cả. Ở trên ĐăkMan có đề cập chuyện DN đẻ ra DN con ở các tỉnh thành khác, chính ĐăkMan làm điều đó không cần đi đâu tìm cho xa.

    Bản thân mình luôn ủng hộ môi trường kinh doanh rõ ràng minh bạch, nghĩa vụ thuế đầy đủ, phần thuế đó là của nhà nước đã là chân lý, bên xuất khẩu rất ít bên nào trả luôn VAT cho DN lúc thanh toán tiền hàng, toàn để tới 22-25 mới chuyển, coi như DN ko tận dụng được gì cả, thậm chí phải trích tiền lưu động tự có ra trả trước cho Nhà nước vào ngày 20 nếu không muốn nộp phạt chậm nộp. Có tiếp xúc với người nông dân mới biết họ chẳng cần quan tâm thuế má, miễn giá cao có lời cho họ là được, giá cà chưa tăng thì giá phân, nhân công chăm sóc đã tăng chóng mặt, bảo họ trích phần giá để nộp thuế thì trước hết nhà nước phải kiểm soát được chi phí đầu vào cho họ đã.

  5. Cafe sáng

    Không có bạn nào hiểu không đúng cả. Chỉ có sự chân thành đến mức ngây thơ thôi.
    Tôi chỉ hỏi các bạn 1 câu này nhé : Sau khi bán cafe cho DNXK rồi, nó tuyên bố phá sản, tự giải tán và…., thì ai sẽ nộp VAT cho ngành thuế?

    1. Quân

      Khi DN xuất hóa đơn VAT thì họ đã có trách nhiệm phải trả phần thuế cho nhà nước, dù bên mua hàng có trả hay ko trả tiền thuế cho DN, đó là việc giữa bên mua và bán, nhà nước ko cần biết. Vì vậy nên cái luật bất thành văn sớm nhất ngày 20 bên mua mới chuyển thuế là 1 điều vô cùng nguy hiểm cho bên xuất hóa đơn, đáng lẽ cái này nhà nước phải có tiếng nói. Nếu đã ko quy định tiền thuế phải chuyển ngay khi thanh toán tiền hàng, thì khi bên mua hô phá sản giải thế thì phải xác minh là họ đã thanh toán tiền thuế cho bên bán hay chưa, chứ cứ đè bên xuất hóa đơn thu tiền thuế mà ko cần quan tâm nguyên nhân khách quan thì ko được. Cái luật bất thành văn này nó hình thành từ cái thời sơ khai của ngành, được bày ra bởi những bộ óc ích kỹ vụ lợi, 1 cánh én ko làm nổi mùa xuân, khó có thể sửa trừ khi đưa vào văn bản pháp quy.

  6. k duong

    Nhà nước cũng chẳng thất thu đâu, vì cái đó cũng giống như một hình thức trợ giá nông sản để xuất khẩu. Ở bên Mỹ người nông dân được chính phủ trợ giá nông sản một cách tối đa để xuất khẩu còn ở ta chưa có chính sách trợ giá nông sản. Người nông dân tự lo từ A-Z nên dẫn đến nhiều nghịch lý như vậy.

  7. Cà Phê Sạch

    Tôi thấy Anh cà phê Sáng và Anh Bằng đã nói ra vấn đề rồi. Tuy nhiên, tôi muốn gửi đến các bạn Chi tiết một chút tại sao nhiều Công ty TNHH mua giá cao (không VAT), nhưng rồi lại bán giá thấp. Mục đích chính của việc này là chiếm đoạt tiền VAT của nhà nước.
    Thử lấy một ví dụ đơn giản như thế này. Công ty A mua 20 tấn cà phê nhân xô của đại lý B không VAT với đơn giá 41.000 VND/kg. Tổng giá trị tiền cho lô hàng 20 tấn mà Công ty A trả cho đại lý B là 820.000.000 VND. Sau đó Công ty A này sẽ bán 20 tấn cà phê này lại cho một công ty XNK hay cho các Công ty FDI bất kỳ với đơn giá là 40.000 VND/kg, như vậy tổng lô hàng chưa VAT là 800.000.000VND, cộng với 5% thuế VAT, thì tổng giá trị lô hàng mà các Công ty mua của công ty A phải trả là 840.000.000VND. Như vậy, bạn đã thấy ra vấn đề rồi: Nếu là doanh nghiệp làm ăn chân chính, thì không ai dại gì mua chênh lệch đến 1.000 đồng trên 1 kg (vì bản chất của 5% thuế VAT khi bạn xuất hóa đơn, thu vào, thì đến 20 hàng tháng bạn kê khai cũng phải đóng lại tổng số tiền này cho nhà nước nếu không phát sinh hóa đơn đầu ra). Nhưng ở đây lại xãy ra trường hợp một vài Công ty làm ăn không chân chính, vận dụng sự gia hạn thuế VAT để chiếm đoạt tiền thuế này. Trở lại với ví dụ như đã nêu, sau khi Công ty A bán được tổng trị giá cho lô hàng được 840 triệu đồng, trừ cho tổng lô hàng trả cho đại lý B là 820 triệu đồng, còn lại 20 triệu đồng. 20 tấn có được 20 triệu đồng, nếu con số này là 20.000 tấn thì các bạn thử tính là bao nhiêu, có phải là 20 tỷ không?. Tiên này sẽ về đâu các bạn chắc cũng đoán ra rồi. Tôi trở lại với Luật Doanh nghiệp một chút, Người đứng đằng sau và là Ông chủ thực sự của Công ty A này sẽ thuê một anh xe ôm hay một người không nghề nghiệp bất kỳ để đứng đại diện tư cách pháp nhân và ký các hóa đơn chứng từ, và hàng tháng Công ty A trả cho anh đại diện này 15 triệu-20 triệu/tháng. Thử hỏi những người này có làm không? Tôi chắc rằng nhiều người sẽ làm ngay. Sau khi có được một số tiền lớn từ tiền VAT, Công ty A này sẽ tìm cách gia hạn chậm nộp tiền thuế, rồi thời gian dần trôi đi tuyên bố giải thể, rồi đến phá sản… Vậy đến lúc này trách nhiệm sẽ quy cho ai, anh xe Ôm hay người không nghề nghiệp…vì Công ty TNHH A chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn. Anh xe ôm và những người nghèo này sẽ phải nợ tiền thuế VAT lên đến nhiều tỷ đồng (nhiều báo đã nói về thực trạng thuê người này). Nếu các bạn còn nghi ngờ về điều này, thử lướt qua các trang thuế online của các Chi cục thuế của các tỉnh, thì sẽ biết liền, sẽ biết ai chai lỳ và nợ tiền thuế VAT.
    Trên đây là bài viết, theo cách nhìn nhận của tôi liên quan đến thực trạng “ Mua cao bán thấp” để làm rỏ thêm những phát biểu rất hay của Anh Bằng, Anh Thống và một số Doanh nghiệp tâm huyết và làm ăn chân chính trong ngành cà phê Việt Nam. Bài viết chỉ nói đến thực trạng hiện tại, và rất đồng cảm với những doanh nghiệp làm ăn chân chính đang gặp khó khăn thật sự trong kinh doanh cà phê. Vì vậy, rất mong nhận được ý kiến đóng góp và sự chia sẻ.

  8. Bách

    Kính nhờ Admin tìm hiểu và giải thích thêm việc này. Làm cà phê nhưng tôi thật sự không hiểu hết những ý kiến nêu ra xung quanh “hiện tượng” này.

    Trân trọng cám ơn,
    NTB

    1. Ba Nhất

      tôi cũng như bác, tại sao lại có một chuyện phi pháp sờ sờ giữa ban ngày như thế mà các cơ quan chức năng bó tay được.

      đọc qua cả chuyên mục về thất thu thuế vẫn chưa thấy bài viết nào bóc mẽ được hành vi trốn thuế của doanh nghiệp cả. với cái đà này rồi các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đứng đắn làm sao mà sống được. đến khi chết cả thì thị trường liệu có bị thao túng không, nông dân sẽ như thế nào

      rất mong các cơ quan chức năng tìm hiểu và làm rõ để trở lại sự bình yên cho thị trường.

  9. Nông dân cà phê

    Chẳng biết các ông này tính toán thế nào?
    DNXK mua cà phê không hóa đơn giá 41.000đ/kg, khi XK cà phê giá 40.000đ/kg thì lỗ chắc. Không có hóa đơn đầu vào thì làm sao khấu trừ được 5% đầu ra xuất khẩu, chẳng qua DNXK kê mua hàng của nông dân, khi XK thuế xuất 0% thì không phải nộp thuế VAT thôi chứ lấy đâu mà được hoàn thêm 5% nữa?. Trường hợp DNXK mua có hóa đơn giá 40.000đ/kg + 5% VAT (2.000đ/kg)= 42, khi XK giá 40 và sẽ được hoàn lại 5%VAT (2.000) là vừa hay =42.000đ/kg.

    1. namnguyen

      Anh nông dân này chưa hiểu gì cả!
      Các doanh nghiệp loại này họ mua giá cao hơn thị trường 1000đ/kg, sau đó xuất hóa đơn GTGT bán cho các doanh nghiệp XK, các DNXK thanh toán cho họ thuế GTGT (khoảng 2000đ/kg – 5%), số tiền thuế này họ không nộp nhà nước hoặc tiếp tục kê khai khấu trừ đầu vào từ HĐơn của 1 DN ma nữa tại vùng nguyên liệu, nhờ chính sách của NN ưu tiên chậm nộp thuế, họ dây dưa một thời gian rồi giải thể DN ma, Kết Quả: nhà nước mất trắng tiền thuế (phải hoàn cho DN XK) vào tay các DN ma này, Các DN ma ăn chênh lệch (2000đ – 1000đ)/kg. Đây là buôn lậu!
      Anh nông dân chắc hiểu rồi hả.

  10. Cà Phê Sạch

    Các Công ty thu mua giá cao không có VAT này là những công ty TNHH trong nước, không có xuất khẩu gì cả (Nếu XK thì lấy gì mà lời). Sau khi thu mua hàng từ các công ty nhỏ nhưng không thuế VAT, họ sẽ bán lại (xuất hóa đơn đỏ) cho các Công ty Xuất khẩu trong nước hoặc các Công ty nước ngoài với tiền hàng cộng với giá trị 5% thuế VAT như đã nêu ở ví dụ trên. Các công ty nước ngoài thường thanh toán tiền hàng và 5% thuế VAT ngay khi hàng vào kho của họ.

  11. Chính Nghĩa

    Tới hôm nay đã là những ngày đầu của năm 2013, đã gần hai tháng kể từ khi có bài viết “Cà phê mua cao bán thấp vẫn có lãi” đăng trên báo pháp luật TPHCM. Có lẽ các cơ quan thuế, quản lí thị trường đã vào cuộc vậy mà cho đến hôm nay 3/1/2013, hoạt động mua bán cà phê vẫn diễn ra tình trạng hai giá trên thị trường. Có thể cơ quan thuế và quản lí thị trường đã bó tay, bởi hành vi của các doanh nghiệp trốn thuế, họ rất khôn ngoan và quá am hiểu lợi dụng kẽ hở của luật pháp. Theo tôi để làm được vấn đề này thì không ai khác ngoài CƠ QUAN CÔNG AN phải vào cuộc, phải thành lập một chuyên án điều tra thật cụ thể. Nếu tôi là công an và được giao nhiệm vụ điều tra tôi dám chắc không trên một tuần mọi việc đều sáng tỏ. Vấn đề ai là người nhận ra vấn đề và đề xuất.

  12. Chính Trung GL

    @Chính nghĩa có mâu thuẫn không đó? Họ rất khôn ngoan và quá am hiểu lợi dụng kẽ hở của luật pháp mà!

  13. Cafe vỉa hè

    Các bạn chỉ cần nói sơ qua là cán bộ ngành thuế hiểu ngay, vì chuyên môn của họ mà !
    Vấn đề là ai chết, ai được chết và ai sẽ chết… chứ họ vẫn bình chân !

  14. Nông dân cà phê

    Thế sao nhà nước không ngăn chặn việc này bằng cách cho thuế VAT của mặt hàng cà phê bằng 0 hết nhỉ? chẳng cần phải nộp hay hoàn thuế gì cả.

  15. Cafe tối

    Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
    Anh nào làm xuất khẩu thì chớ dại mua của nông dân làm gì cho mắc. Cứ tới mấy doanh nghiệp này mà mua rẻ, việc gì phải đi nói cho dài dòng.

Tin đã đăng