Cà phê Robusta của Việt Nam mua sang tay trong tuần này được giao dịch ở mức trừ lùi 40-50 USD so với giá trên sàn London. Trong khi vụ mùa đang được thu hái, nguồn cung vẫn bị thắt chặt và nhu cầu vẫn còn nhiều từ các nhà xuất khẩu khiến cà phê Indonesia có mức giá cộng đối với các lô hàng cần giao ngay, các đại lý cho biết hôm thứ Năm.
Sản lượng cà phê của Indonesia trong niên vụ tính đến tháng 9 năm 2013 có thể tăng gần 13% do thời tiết thuận lợi, nhu cầu từ các nhà rang xay gia tăng để đáp ứng tiêu dùng và thúc đẩy nhập khẩu cho tiêu thụ nội địa, một khảo sát của Reuters cho thấy.
Indonesia là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam, và cả hai quốc gia này chiếm khoảng 23% sản lượng Robusta toàn cầu. Cà phê Robusta được phối trộn với cà phê Arabica để sản xuất cà phê pha với giá thành thấp hơn hoặc được chế biến thành cà phê hòa tan.
“Giá cà phê Indonesia đang loạn cả lên. Tôi đoán là do họ đã bán hàng quá mức. Mọi người đang cố bán cà phê với những mức giá khác nhau,” một nhà môi giới ở Singapore đang giao dịch cà phê Robusta của Indonesia và Việt Nam, cho biết.
“Tôi đã bán cà phê loại 80 hạt lỗi với giá cộng 120 USD bao gồm cả phí vận tải. Thị trường London hiện cũng không ổn định,” ông nói thêm.
Theo các đại lý cho biết cà phê Sumatra loại G4, 80 lỗi đã sang tay với mức cộng hơn 80 USD so với hợp đồng tháng 1 trên sàn London. Được biết giá hợp đồng tháng 1 đã giảm hơn 10% kể từ khi chạm mức cao trong 2 tháng hồi đầu tháng 10 do những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu quá phong phú. Tuần trước, mức giá cộng vẫn ở 40 USD.
“Hiện không có nhiều người dám chào hàng cà phê. Bạn có thể mua cà phê với mức cộng thấp nhất là 50 USD. Tôi nghĩ mức chênh lệch trong tuần tới sẽ vững chắc hơn nữa,” một nhà môi giới khác cho biết. “Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi người chỉ mua vừa đủ với mức giá như thế này. Đây là mức giá quá đắt so với giá cà phê Việt Nam.”
Vụ thu hoạch được kéo dài vừa kết thúc tại đảo Sumatra, vùng trồng cà phê chính của Indonesia, trong khi năm ngoái mùa thu hoạch ở đó kết thúc vào khoảng tháng 8. Mưa lớn đã gây hại cho niên vụ 2011/12 làm nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, và đây là nguyên nhân khiến mức giá cộng trong năm ngoái tăng cao kỉ lục là 550 USD.
Vụ thu hoạch phụ dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 12 trước khi đến vụ thu chính vào tháng 4 năm sau. Indonesia và Việt Nam chiếm đến 23% sản lượng cà phê Robusta toàn cầu, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO).
Vụ thu hoạch mới đang được tiến hành tại Việt Nam và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 11. Niên vụ trước đã kết thúc với sản lượng cao kỉ lục khoảng 1,6 triệu tấn.
“Chúng tôi đã mua cà phê Việt Nam với giá trừ 40 – 50 USD. Những người ở châu Âu cũng đang mua nhưng thành thật mà nói thì hầu hết các nhà rang xay đều đã có đủ hàng,” một thương gia hàng đầu tại Singapore cho biết.
“Chúng tôi cũng đang cố gắng thiết lập vị thế mua. Chúng tôi có người vẫn đang tìm kiếm lô hàng giao ngay. Chúng tôi không quan tâm đến việc bán ra trong những tháng tới.”
Cà phê loại 2, 5% đen vỡ của Việt Nam trong tuần trước được chào hàng với mức trừ lùi 50 USD/tấn, thấp hơn giá giao tháng 1 trên sàn London.
TUẦN TỚI
Mức giá cộng của cà phê Indonesia trong tuần tới có thể tiếp tục tăng nếu sàn giao dịch London tiếp tục lỗ, nhưng mức trừ lùi lại có thể tăng tại Việt Nam do có nhiều cà phê tham gia vào thị trường thực.
Giá cà phê tại thị trường Việt Nam hôm thứ Năm đã giảm xuống 38.900 – 39.100 đồng/kg (1,87 – 1,88 USD), đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 5, việc này cũng có khả năng khiến nông dân bắt đầu bán hàng ra dần.
Hôm thứ Tư, giá cà phê Robusta giao tháng 1 chốt phiên giảm 15 USD xuống 1.968 USD/tấn, sau khi chạm ngưỡng 1.965 USD ngay đầu phiên giao dịch. Kể từ đầu tháng 6, đây là tháng thứ hai giá xuống đến mức thấp nhất do áp lực từ vụ mùa ở Việt Nam.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn, thường xuyên chi phối cà phê Robusta, đã chốt phiên giảm 2,55 cent xuống 1,5465 USD/lb do người trồng Brazil đã bán hàng ra.
Anh Văn – Quang Minh, theo Reuters/Giacaphe.vn
Bà con hãy thận trọng và đọc kỹ các bài báo của các hãng tin nước ngoài!
Một sự thật giờ mới được nói (theo bài báo này) là năm ngoái cà phê Indo đã có lúc được đẩy giá lên cao kỷ lục ở mức cộng 550 USD, cũng có nghĩa là so với giá London thì cà phê Indo không hề rẻ. Thế mà báo chí mình đã có bài viết “Khách mua cà phê chuyển sang nguồn cung Indonesia giá rẻ” (có trích nguồn của Reuters) vì cà phê VN đắt quá! Theo tôi có lẽ bà con cần ngẫm nghĩ những bài báo viết vậy để làm gì mà rút kinh nghiệm cho năm nay!
Giá cà phê giảm người dân lao đao!
Phải nói một cách công bằng thì cà phê của Indonesia loại G4, 80 hạt lỗi có phẩm cấp cao hơn cà phê R2, 5% đen vỡ của VN khoảng chừng 70-100 USD/tấn. Cho nên khách mua nếu trả giá của VN trừ lùi 30$ thì trả giá của Indo cộng 40-50$ là bình thường. Nhưng đẩy giá Indo lên cộng đến 550$ thì cần phải suy nghĩ là Indo được giá hay VN bị đè giá…!