Xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đã đứng đầu thế giới, nhưng để giữ vững được vị thế này, đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu và đời sống của người trồng cà phê vẫn là bài toán khó nên đòi hỏi phải có một quy hoạch kỹ lưỡng và đúng tầm.
Bài học từ dự án phát triển cà phê chè
Chương trình phát triển cây cà phê chè ở Việt Nam đã được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hỗ trợ vốn vay để thực hiện trong giai đoạn 1999-2004, với 40.000 ha cà phê chè.
Sau khi kết thúc chương trình, tuy chúng ta tạo được một số vùng cà phê chè ở miền núi (Điện Biên, Sơn La…) và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ, nhưng tính tổng thể, chỉ đạt 34% kế hoạch và đã mất trắng hơn 8.000 ha cà phê, doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình cũng phải trả số nợ tổng cộng trên 164 tỷ đồng.
Sự thất bại của dự án phát triển 40.000 ha cà phê chè là bài học khá điển hình cho ngành sản xuất cà phê trong nước.
Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, nhận định hạn chế chung của ngành là phát triển kém bền vững, kinh doanh cà phê tiềm ẩn không ít rủi ro. Cùng với đó là tình trạng trồng cà phê tự phát ở một số nơi đã gây lãng phí đầu tư, thoái hóa đất, cạn kiệt nguồn nước ngầm, suy thoái môi trường… Sản xuất cà phê theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ Certified đang còn khiêm tốn…
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, lý do chính khiến ngành cà phê chưa phát triển xứng tầm là do thiếu quy hoạch và các dự án đầu tư phát triển cà phê tuân thủ đầy đủ các bước trong quá trình triển khai…
Giảm lượng, tăng chất
Từ thực tế trên, Bộ NNPTNT đã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm quy hoạch phát triển cà phê dựa trên nhu cầu thị trường. Khai thác có hiệu quả lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển cà phê theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, hiệu quả và bền vững.
Theo lộ trình, số địa phương theo quy hoạch trồng cà phê sẽ giảm dần từ 18 tỉnh (năm 2011) xuống còn 11 tỉnh vào năm 2020. Tổng diện tích trồng cà phê sẽ giảm từ 586.000 ha (tính đến năm 2011) xuống còn 500.000 ha (năm 2020), giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.
Cùng với việc trồng cà phê, định hướng phát triển công nghiệp chế biến cà phê tiêu dùng và tiêu thụ cà phê cũng được ngành trồng trọt đưa ra những mục tiêu và lộ trình cụ thể. Theo đó, năm 2020 sẽ tăng tổng công suất chế biến cà phê tiêu dùng lên 112.680 tấn sản phẩm/năm. Dự báo nhu cầu tiêu dùng cà phê thế giới tăng bình quân 2%/năm, song thị trường tiêu thụ ở EU và Mỹ đã gần bão hòa, thị trường mới nổi và còn nhiều tiềm năng là các nước Đông Á, nhất là Nhật Bản, Trung Quốc…
Với việc xác định phát triển cà phê theo hướng tập trung vào đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của cà phê trên thị trường, Cục Trồng trọt xác định 2 vùng trồng cà phê chính.
Vùng thứ nhất là địa bàn trọng điểm phát triển cà phê gồm 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai. Vùng thứ hai là các địa phương có điều kiện đất, nước, khí hậu thời tiết phù hợp trên thực tế đang trồng cà phê có hiệu quả bao gồm: Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên.
Để thực hiện được quy hoạch này, Cục Trồng trọt đã đưa ra 5 giải pháp chính: Đẩy mạnh khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển cà phê; Hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ phát triển cây cà phê; Tổ chức lại việc sản xuất và kinh doanh cà phê; Xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường, đăng ký thương hiệu hàng hoá, xin cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm cà phê chè; Đầu tư mới và hiện đại hoá công nghiệp chế biến cà phê cùng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Các giải pháp trên chỉ có thể đạt và phát huy hiệu quả khi được tổ chức và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến các Bộ ngành, địa phương và Tổng công ty Cà phê Việt Nam, các công ty nhà nước về cà phê. Khi đó “viên ngọc đen” cà phê mới được thực sự toả sáng, đưa tên tuổi của Việt Nam thêm một lần nữa được in đậm trên bản đồ thế giới.
Nghe như kiểu phê bình và tự phê bình, nhạt nhẽo…
Biện pháp tốt nhất là giải thể tất cả các nông trường hiện tại, bán lại lô rẫy cà phê cho người dân đang canh tác, trả chậm trả góp cũng được. Nhà nước vừa không phải nuôi bộ máy gián tiếp cồng kềnh. Khi lô rẫy về tay bà con rồi tự khắc sẽ vừa tăng sản lượng, vừa tăng chất lượng => thu nhiều ngoại tệ => trực tiếp đóng thuế thông qua việc mua hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng => nền kinh tế vừa có lợi (được kích thích), nhà nước lại thu đc nhiều thuế hơn,…
Bạn ơi, nhà nước ta là là nhà nước XHCN, có cồng kềnh mới ra nhà nước XHCN, làm như bạn nói thì nước ta thành chế độ tư bản mất, thân.