Đầu mùa, giá cà phê chưa biết về đâu

Qua hai tuần đầu vụ, giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta rớt 130 đô la Mỹ/tấn, giá nội địa mất đứt 2.300 đồng/kg nhưng vẫn còn đứng trên mức 40.000 đồng/kg. Sản lượng lớn, giá xuống, tâm lý có nao núng thật, nhưng tiềm lực của nông dân để đấu tranh cho giá tốt hơn nay đã mạnh thấy rõ.

Dự báo sản lượng: mớ bòng bong

Niên vụ cà phê 2011/12 của thế giới và Việt Nam đã khép lại. Ước xuất khẩu 12 tháng vừa qua tính đến hết tháng 9-2012 đạt 1,6 triệu tấn, tương đương với 26,7 triệu bao (60 kg/bao). Nhìn lại các ước báo sản lượng của nhiều đơn vị, tất cả các con số có được đến nay đều thấp hơn số xuất khẩu từ 4-6 triệu bao. Duy chỉ có ước báo của những người trong cuộc “Một số nhà buôn” là đi sát thực tế nhất (xin xem biểu đồ 1 phía dưới).

CÁC ƯỚC BÁO SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ VIỆT NAM
Niên vụ 2012/13 2011/12 2010/11 2009/10
Diện tích (ngàn ha) 571 555 537
Sản lượng (triệu bao)
-ICO 22.5 19.5 17.8
-Thăm dò Reuters 22.25 20.665 18.5 19.33
-Một số nhà buôn 22.5-23.5 26-28
-FO Litch 23.7 22.7
-USDA 22.45 21 19.46 18.5
-Neumann 22.5 19.5
-Vicofa 20-20.83 21.27 17.5
-ABN Ambro 21.5 20 18.4
-Volcafe 26
-CoffeeNetwork 23

Bảng 1: Các ước báo sản lượng cà phê Việt Nam.

Nhìn vào bảng liệt kê trên, ước báo của các nhà kinh doanh nhỉnh hơn so với số xuất khẩu (26,7 triệu bao). Điều này vẫn hết sức hợp lý vì trong con số tối đa họ đưa ra 28 triệu bao, có tính luôn lượng cà phê tiêu thụ nội địa và xuất khẩu dưới dạng đã rang xay, cứ cho chừng 1,3 triệu, là con số đã trừ đi lượng xuất khẩu. Nên, có thể nói không ngoa rằng con số 28 triệu bao được các nhà buôn ước vào ngày 17-7 vừa qua được Reuters dẫn chứng là con số đáng được chấp nhận để làm cơ sở cho các so sánh, tính toán lâu dài sau này.

Tất cả các dự báo còn lại đều sai biệt rất lớn và rất xa thực tế. Nên chúng sẽ không đủ cơ sở để được sử dụng để quy chiếu cho các tính toán sản lượng của các năm sau này.

Hiện nay, do “hoảng” với lượng xuất khẩu vụ cũ, nhiều ước báo cho vụ mới đang hình thành. Lắm người cho rằng sản lượng niên vụ 2012/13 chắc sẽ giảm từ 15-20%. Tuy nhiên, các ước báo mới này lại không dựa vào một hệ quy chiếu nào nên dễ trở thành “ước mong”, mang đậm cảm tính hơn là xuất phát từ một khảo sát nghiêm túc. Nếu như dựa trên cơ sở sản lượng vụ cũ 28 triệu bao, và nếu như vụ mới vì một lý do gì đó giảm đến 20%, thì con số ước báo quanh mức 22,5 triệu bao, trùng khớp với rất nhiều con số ước báo cho vụ mới trên bảng liệt kê. Chỉ có một điều ngược đời là các con số trên bảng liệt kê hầu hết đều được chỉnh cao hơn con số vụ cũ. Cũng gặp thêm một sự trùng hợp khá thú vị với ước đoán của “một số nhà buôn” (xin xem lại biểu đồ 1).

Trong nông nghiệp, bất luận một mặt hàng nào, giá càng cao có lãi tồn tại càng lâu, một cách tự nhiên sẽ kích thích sản xuất để cho sản lượng cao hơn trong những vụ mùa tiếp theo. Chính vì thế, trong báo cáo thường kỳ mới nhất, ICO cho rằng nhiều nước đã tăng sản lượng đáng kể như Honduras, Colombia và Indonesia nếu không muốn kể thêm Brazil và Việt Nam.

Nên, để giá cao tồn tại lâu dài, việc “tự kiềm chế” trong tăng sản lượng của người trồng là vấn đề mấu chốt chứ không thể trông vào thị trường hay vào một sức mạnh nào khác nếu dựa trên tính toán cung-cầu.

Niên vụ mới vẫn đầy thách thức

Trong niên vụ 2011/12, con số tiêu thụ thực sự, tức hạt cà phê được chế biến và tiêu thụ (lượng biến mất) ước từ 105-110 ngàn tấn/tháng so với vụ 2010/11 chỉ 85-95 ngàn tấn/tháng. Nếu tiêu thụ không suy giảm nhờ giá arabica cao, rang xay quay sang mua nhiều robusta, lượng xuất khẩu của nước ta cho 12 tháng trước mắt ước chung quanh 21-22 triệu bao. Nên, bất kỳ một con số nào cao hơn các con số này sẽ được coi là thừa và gây rủi ro cho giá cả nếu nhìn từ phía cung-cầu.

Hiện ước tồn kho cà phê xuất đi từ nước ta chưa được sử dụng, đang còn chừng 400 ngàn tấn nằm trong tay người mua hay ở tại các nước tiêu thụ.

Khủng hoảng kinh tế hiện nay trên thế giới đang được Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) nhóm họp tại Nhật Bản báo động vẫn còn lâu dài và có thể tệ hơn. Nên, nguồn vốn vay kinh doanh của nhiều nhà nhập khẩu vẫn tiếp tục bị thu hẹp, thậm chí lâm cảnh “túng bấn” và phải án binh bất động. Hạn chế tài chính và chi phí tài chính cao sẽ không cho phép các nhà nhập khẩu mạnh tay mua hàng trữ thêm. Vả lại, 400.000 tấn hàng cà phê tồn kho mua từ Việt Nam, trong đó có chừng 150.000 tấn đang neo tại các kho ngoại quan cảng Việt Nam đang được rao bán ngược lại cho các nhà xuất khẩu vì nhu cầu vốn khi niên vụ mới cận kề. Song, tồn kho vẫn nằm ì chẳng ai chịu mua cho do các nhà xuất khẩu không bán khống để phải thiếu hàng như các năm trước.

Giá xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ dựa trên giá chênh lệch giữa giá niêm yết sàn kỳ hạn và giá FOB (differential) từ năm ngoái đến năm nay rất cao, trừ 20/30 đô la/tấn FOB dưới giá London nên người mua không thể có cơ hội trữ hàng với mức giá ấy.

Để người mua mạnh dạn mua trữ hàng hay bán cho sàn kỳ hạn robusta London, mức mua phải quanh mức trừ 80 đô la/tấn FOB mới tạm gọi đủ “sở hụi”.

Giá cà phê chưa biết về đâu

bieu-do-gia-ca-phe-nien-vu-2012-2013
Biểu đồ 2: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe từ đầu niên vụ mới đến nay

Tính đến cuối ngày hôm qua, thứ sáu 12-10-2012, giá niêm yết trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE cơ sở tháng 11-2012 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 24 đô la. Như vậy, tuần này mất thêm 43 đô la so với cuối tuần trước và 130 đô la/tấn so với ngày cuối vụ 2011/12.

Trong tuần qua, giá kỳ hạn dao động hết sức thất thường trong chiều hướng đi xuống dù sức bán từ phía Việt Nam và các nước sản xuất hầu như không đáng kể.

Thị trường đang lúng túng chưa biết đi đường nào. Ở hai vụ trước, sản lượng cao, hàng vẫn ra một cách từ tốn chứ không dồn dập để phải tạo sức ép bán ra lớn. Thường, mỗi khi có sức ép bán ra, giá kỳ hạn và xuất khẩu dựa trên chênh lệch (differentials) đều rớt.

Đã qua hai năm, cà phê nước ta vừa được mùa vừa được giá. Nên, nông dân hiện nay càng có cơ hội làm chủ hàng hóa của mình, chỉ bán với giá do họ quyết định. Theo nhận định của một giám đốc xuất khẩu lớn có văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, “nếu giá nội địa dưới 40.000 đồng thì khó mà kéo hàng khỏi tay nông dân được dù sản lượng có to gì đi nữa”.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa sáng nay đang quanh mức 40.700 đồng/kg, giảm 800 đồng so cuối tuần trước là 41.500 đồng/kg.

Hiện nay, nông dân ở một số nơi trên các tỉnh Tây Nguyên đang hái bói nhờ thời tiết nắng khô thuận tiện. Theo nhiều người, có thể hàng cà phê sẽ ra thị trường vào nửa đầu tháng 11 tới.

Giá cả cà phê trong mấy năm qua chỉ được cung-cầu, sản lượng chi phối một phần rất nhỏ. Hầu hết, giá cả tăng hay giảm đều do hoạt động đầu cơ tài chính thế giới quyết định. Hoạt động đó ngày càng mạnh. Nên sự bấp bênh và dao động mạnh về giá trên thị trường cà phê trong những ngày tới là không thể tránh khỏi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tâm Cà

    Lượng ước đoán từ xưa đến nay chỉ có ICO là chính xác nhất. Nhưng chỉ cho xuất khẩu. Còn tiêu thụ nội địa thì không biết được. Hiện tại nhu cầu tiêu thụ nội địa đã tăng mạnh. Giống như các nước sản xuất cà phê khác, Việt Nam ngày càng tiêu thụ sản lượng cà phê làm ra nhiêu hơn. Sản lượng xuất khẩu vì thế mà không tăng nhiều. Nhưng năm nay có thể sẽ khác. Lượng cà còn tồn cộng với cà vụ mới có thể làm cho giá năm nay khó ổn định.

  2. TRẦN VĂN HƯNG

    Theo bài nầy thì các nhà NK đã thừa hàng còn rao bán lại cho DN XK VN số hàng 150.000 tấn ở kho ngoại quan. Vậy sao giá thật được các đại lý thu mua ngày 15/10/2012 là 42.100đ trên mạng là 40.500đ. Còn cao hơn trên mạng 1.600đ. Hàng thật rất đắt. Như vậy là sao?

Tin đã đăng