Theo thống kê tháng 8, đáng ngạc nhiên nhất là Ấn Độ rớt xuống vị trí thứ chín với lượng xuất khẩu khiêm tốn chỉ đạt 347.120 bao, xếp sau các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Êthiôpia, Honduras và Guatemala.
Theo báo cáo thống kê tháng 8 năm 2012 của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8 lên tới 9.180.000 bao, tăng 17,24% so với 7.830.000 bao xuất khẩu trong tháng 8 năm 2011 (bao = 60kg).
Tính trong vòng 12 tháng, kết thúc vào ngày 31 tháng 8 năm 2012, xuất khẩu cà phê Arabica chỉ đạt 65.850.000 bao, giảm 2,95% so với 67.850.000 bao cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu cà phê Robusta lên tới 41.440.000 bao, tăng 10,92% so với 37.360.000 bao cùng kỳ năm trước.
Riêng khối lượng xuất khẩu toàn cầu trong 11 tháng đầu của niên vụ cà phê 2011/12 (từ tháng 10/11 đến tháng 8/12) đạt 99,58 triệu bao, tăng gần 2,7% so với 96,97 triệu bao xuất khẩu trong cùng thời kỳ của niên vụ cà phê 2010/2011.
Thống kê của ICO còn cho thấy, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2012 của Việt Nam đạt 1.800.000, giảm 50.000 bao, tương đương giảm 2,78% so với tháng trước, tiếp tục xếp vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê sau cường quốc Brazil. Được biết, trong tháng 8 vừa qua quốc gia này đã xuất khẩu 2.522.402 bao cà phê, tăng 24,47% so với tháng trước đó. Indonesia xếp thứ ba đạt 700.000 bao, giảm 75.000 bao, tức giảm 9,68%, Colombia vươn lên vị trí thứ tư khi xuất khẩu tháng 8 đạt 582.973 bao, tăng 5,28% so với tháng trước và Peru lên xếp thứ năm với xuất khẩu 500.000 bao.
Đáng ngạc nhiên nhất là Ấn Độ rớt xuống vị trí thứ chín với lượng xuất khẩu khiêm tốn chỉ đạt 347.120 bao, xếp sau các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Êthiôpia, Honduras và Guatemala.
Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 17.975.000 bao, tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu cà phê của các nước sản xuất, nhiều hơn 4,33% so với quốc gia xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai là Brazil đạt 17.228.768 bao.
Vị trí các nước xuất khẩu lớn xếp tiếp sau không có sự thay đổi nào. Indonesia tiếp tục giữ vị trí thứ 3 với 5.187.420 bao, Honduras với 4.815.564 bao xếp thứ 4, Colombia với 4.538.842 bao xếp thứ 5 và Ấn Độ với 4.235.974 bao xếp vị trí thứ 6.
Theo số liệu thống kê của Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 8 đạt 102.664 tấn với trị giá 228,69 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và giảm 9,1% về giá so với tháng trước. Lũy kế xuất khẩu 8 tháng đạt 1.267.809 tấn với tổng kim ngạch 2,69 tỷ USD, tăng 30,7% về lượng và tăng 25,5 % về giá so với cùng kỳ năm trước.
Anh Văn (giacaphe.com)
Bán nhiều hơn người ta thì mới được xếp thứ nhất, nhưng chỉ nhất khi mình bán giá còn thấp. Đến khi giá cao không còn hàng để bán trong khi người ta bung hàng ra bán được giá cao hơn. Nên cái nhất này càng ngẫm nghĩ thì càng chua chát lắm!
Sáng nay bản tin Tài chính trên VTV 1 bình luận. Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới nhưng chất lượng lại kém nhất trong top những nhà xuất khẩu cà phê. Bao giờ mới hết thấy cảnh lấy lượng để bù chất giống như câu “cần cù bù thông minh”. Để thay đổi được điều đó phần lớn phụ thuộc vào ý thức của người nông dân.
Tin tức này thật là đáng buồn (chứ không như các vị trên VTV1 lại nói là tin đáng mừng vì VN tiếp tục đứng đầu XK cà phê), không biết là các vị suy nghĩ thế nào chứ đến giờ này mà thằng Bzaxin vẫn nhường vị thế số 1 cho VN thì chắc hẳn nhà nhà, kho kho tại Bzaxin còn chứa đầy hàng, mà cà phê Bzaxin tồn kho còn nhiều thì VN như ngồi trên đống lửa, sắp đến mùa vụ mới rồi, Bzaxin mà bung hàng 1 cái thì giá rớt thê thảm lắm, tin buồn đấy chứ!
Bác Trần Phong đừng đổ tội cho nông dân VN nha, hoàn toàn sai lầm đấy, cà phê chất lượng thấp hoàn toàn là do các DN cả, nông dân làm ra hạt cà phê chất lượng tuyệt vời nhưng mấy ông DN mua về lại đem đấu trộn cả ximăng vào để XK thì làm sao mà chất lượng cao được?
VTV1 mừng là đúng vì nó tư duy theo bệnh thành tích ấy mà!
Việt Nam mình mà làm được thương hiệu cafe chất lượng nhất, bán được giá cao nhất thì mới thấy vui được. Chứ cafe nhiều, xuất khẩu nhiều, nhưng giá thì lại không được bao nhiêu thì cũng thấy buồn.
Không lo ngăn chặn mấy thằng “cà tặc” để góp phần nâng chất lượng hạt cà phê Việt lên, chứ chỉ lo tìm biện pháp thu thuế thì nghe cũng buồn thật!
Nông dân chăm sóc kỹ lưỡng, thu hoạch cà chín cũng giá như cán bộ thuê người làm hái cà xanh hoặc cà mọt thế thì khó lắm các bạn ơi!…
Theo @ Tran Phong: “Để thay đổi được điều đó phần lớn phụ thuộc vào ý thức của người nông dân.”. Đồng ý ! nhưng để nông dân nâng cao ý thức thì phải có chế tài và phải có biện pháp để khuyến khích nông dân thu hoạch quả chín. Nếu mua cà xanh bằng giá cà chín thì nông dân sẽ hái xanh. Đó là điều hiển nhiên vì để ngoài lô dễ bị mất cắp lắm.
Trước 1975, cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng thế giới, chất lượng hàng đầu hiếm nơi có được, nay chất lượng hạng cuối là vì sao? Rõ ràng vấn đề không thuộc về thổ nhưỡng, khí hậu mà chính vì yếu tố con người.
Xin được tham gia vài ý kiến để diễn đàn thêm sôi nổi.
-Tôi đồng ý với @Nông dân cà phê nhưng cái buồn của tôi lại khác bạn. Brazil đang xuất khẩu mạnh hơn VN đó chứ, mạnh từ tháng 7, qua tháng 8 VN giảm 2,78% còn Brazil lại tăng tiếp 24,47%. Hầu như những tháng giá bình quân thấp thì mình bán mạnh, còn tháng giá cao thì Brazil bán mạnh hơn. Đây mới là điều đáng buồn.
-Sở dĩ Brazil làm được điều này mà VN không thể làm được vì Hiệp hội Cà phê Quốc gia Brazil (CNC) có nguồn quỹ cho nông dân và DN vay để trữ không bán khi giá thấp, lãi vay lại được hỗ trợ. Còn Vicofa không có tiền, ngành NH không còn tin vào DN, lãi vay cao nên trữ hàng sinh lợi không đủ trả lãi… Đặc biệt lại là do lãi vay của mình cực cao, mới là điều đáng buồn hơn nữa.
-Tôi cho rằng, các DN cà phê làm ăn chân chính, đến giờ này vẫn tồn tại thật đáng để trân trọng. Họ cần cẩn trọng, tính toán kỹ hơn nữa để tiêu thụ hạt cà phê cho nông dân trong hoàn cảnh áp lực vốn vay quá nặng và phải đối đầu với các DN ngoại không hề nhỏ bé… Và theo tôi, phương châm “buôn có bạn, bán có phường” của người Á Đông cần được Vicofa phát huy chứ đừng để tái diễn mãi cảnh vào họp thì “nhất trí rôm rả”, ra khỏi cửa thì “tranh nhau bán phá giá”… tự đào mồ chôn mình!
Tôi có ý kiến thế này:
Có lẽ mình nên liên kết với hiệp hội Cà phê Quốc gia Brazin (CNC) để có thế mạnh hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Nếu Vicofa và CNC mà thực sự liên kết chặt chẽ thì giá cà phê trên thế giới là do Liên kết hiệp hội này chủ động, và tất cả mọi sự sẽ được giải quyết: hỗ trợ người sản xuất cà phê để có năng suất cao, chất lượng ngày càng tốt, đồng thời Hiệp hội cà phê sẽ ngày càng vững mạnh trên thế giới.
Nếu mấy bác Vicofa mà biết lắng nghe ý kiến của người dân thì đỡ biết mấy anh Trần Ninh nhỉ?
Hay bạn thử vào trang này vicofa.org.vn rồi gửi ý kiến thử xem, đôi khi mình cứ trách người ta không nghe nhưng thử nghĩ xem mình đã bao giờ nói và nói đúng nơi đúng chổ để họ tiếp cận chưa?