Thị trường phân bón diễn biến khó lường

Những vụ lúa trước, giá phân bón đầu vụ thấp nên các cửa hàng vật tư nông nghiệp thường nhập hàng ngay từ thời điểm này và những nông dân có tiền cũng mua phân bón sớm để dành sử dụng cho cả mùa lúa.

thị trường phân bón
Thị trường phân bón diễn biến khó lường

Tuy nhiên, diễn biến thị trường phân bón trong nước vụ thu đông năm nay hoàn toán trái ngược. Điều này khiến hầu hết các cửa hàng thua lỗ nặng, nhất là đối với phân đạm (urê).

Hiện giá phân urê tại khu vực ĐBSCL đang thấp hơn so với đầu vụ lúa thu đông từ 40.000 – 45.000 đồng/bao!

Cuối vụ lúa hè thu, phân urê Trung Quốc và Đạm Cà Mau có giá 535.000 đồng/bao. Bước vào vụ thu đông 2012, giá phân urê sụt xuống 525.000 đồng/bao và một tuần sau đó, lại tiếp tục giảm còn 495.000 đồng/bao.

Ở mức giá này, các cửa hàng vật tư nông nghiệp và nông dân đều mua vào với số lượng lớn. Giá phân urê Trung Quốc và Đạm Cà Mau cứ sụt dần và kéo dài cho đến kỳ Lễ 2/9. Sau đó, do thời tiết mưa bão và nghỉ Lễ dài ngày, giá phân urê tăng lên 5.000 đồng/bao nhưng rồi tiếp tục giảm giá cho tới nay.

Hiện giá phân urê được các cửa hàng vật tư nông nghiệp bán ra ở mức: urê Trung Quốc giá 475.000 đồng/bao, Đạm Cà Mau giá 480.000 đồng/bao, Đạm Phú Mỹ giá 485.000 – 490.000 đồng/bao. Giá này thấp hơn so với đầu vụ từ 40.000 – 45.000 đồng/bao.

Theo các chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, việc giá phân urê trong nước giảm liên tục từ đầu vụ lúa đến nay là hoàn toàn bất ngờ, khác hẳn với diễn biến ở các vụ lúa trước. Thông thường, mới đầu vụ giá phân khá thấp, đến khi nhu cầu bón cho cây lúa tăng như hiện nay thì giá phân sẽ tăng lên, đôi khi xảy ra tình trạng sốt giá. Mặc dù diện tích sản xuất vụ thu đông chỉ bằng 1/2 so với các vụ lúa khác, nhưng thị trường phân bón chưa bao giờ sụt giảm như bây giờ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá phân urê trong nước sụt giảm là do lượng urê của các nhà máy trong nước sản xuất ổn định và cao hơn nhu cầu. Lượng phân urê Trung Quốc nhập tiểu ngạch khá nhiều, góp phần kéo giảm giá phân trong nước. Trước đây, thường giá dầu trên thị trường thế giới tăng thì giá phân urê sẽ tăng theo, nhưng nay giá dầu tăng song giá phân bón thế giới chẳng những không tăng mà còn giảm.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí cho biết: “Trong kế hoạch phục vụ cho vụ lúa thu đông 2012, bên cạnh lượng sản phẩm Đạm Phú Mỹ đang cố gắng duy trì ổn định và liên tục, chúng tôi còn có lượng đạm bổ sung rất dồi dào từ nhà máy Đạm Cà Mau. Với sản lượng đạm của 2 nhà máy này, lượng phân đạm sẽ đủ cung cấp cho cả vụ. Hiện nay và kể cả sau này, trong thời gian vào vụ thu đông, chúng ta sẽ có nguồn cung cấp phân đạm ổn định, việc sốt nóng hay sốt cục bộ phân bón sẽ không còn xảy ra”.

Các đại lý cho biết thêm, phân urê Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc đang tràn ngập thị trường ĐBSCL. Dù vận chuyển urê Trung Quốc từ phía Bắc vào khu vực ĐBSCL rất xa và chi phí khá cao nhưng urê Trung Quốc vẫn có giá “mềm” hơn urê sản xuất trong nước.

Trước đây, giá bán urê Trung Quốc rẻ hơn Đạm Phú Mỹ trung bình 10.000 – 15.000 đồng/bao nên phần lớn nông dân chọn urê Trung Quốc. Từ khi ĐBSCL có nguồn urê do nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất, bà con nông dân đã chọn loại phân này, khiến urê Trung Quốc khó lòng cạnh tranh và mất đi thị phần rất lớn…

Trong khi giá phân urê lên xuống bất thường thì giá các loại phân chuyên dùng như phân NPK16-16-8 (Việt Nhật), NPK 16-8-12, phân DAP Philippines… ngược lại giá không giảm mà tăng nhẹ từ 5.000 – 10.000 đồng/bao so với vụ hè thu. Mỗi vụ lúa, lượng phân urê sử dụng cho cây lúa chiếm đến 60%, 40% còn lại là các loại phân khác. Giá phân urê giảm mạnh sẽ giúp cho giá thành sản xuất lúa của bà con giảm theo, trong khi giá lúa trên thị trường nội địa lẫn XK đều đang ở mức khá cao.

Hiện nông dân Đồng Tháp đang thu hoạch lúa thu đông sớm, năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha và đang bán lúa IR 50404 tươi với giá 5.200 đồng/kg, và giá 5.400 đồng/kg đối với lúa hạt dài tươi. Đây là thông tin vui cho người trồng lúa.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng