Giá đảo chiều trên sàn kỳ hạn cà phê: Lợi bất cập hại

Giá cà phê tăng, xuất khẩu tăng, tồn kho tại các nước nhập khẩu tăng…do còn “hăng mùi vắt giá”. Thị trường vẫn còn nhiều phức tạp khi các thế lực tài chính thế giới đang ra sức dùng mặt hàng này làm “con tin”.

Giá âm ỉ tăng do “ăn theo” tin tài chính

Giá thị trường cà phê khắp nơi trong tuần qua vẫn tăng âm ỉ. Xét về mặt kỹ thuật, hiện tượng “vắt giá” cách nay mấy tuần đã đưa giá niêm yết sàn robusta Liffe NYSE  tăng trở lại do đầu cơ tài chính mua hàng giấy vào nhiều, chưa thể tìm đường thoát khi giá kỳ hạn xuống. Xét về mặt tâm lý, bên bán hàng thực vẫn chờ giá tăng tiếp. Nếu như tính đến cung-cầu, hàng còn tồn trong tay các nước sản xuất ắt không còn mấy do kỹ thuật và thủ thuật làm giá trên thị trường đã kéo hàng đi nhiều.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sáng hôm nay chung quanh mức 42.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước từ 500-700 đồng/kg.

Giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch từ cảng đi với giá niêm yết ở mức trừ 20-30 đô la Mỹ/tấn, không thay đổi mấy so với tuần trước.

Giá niêm yết khi đóng cửa của sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE khuya hôm qua, tức rạng sáng 1-9-2012 giờ Việt Nam cơ sở tháng 11-2012 đạt mức 2.077 đô la/tấn, cao hơn tuần trước 22 đô la (xin xem biều đồ).

Ngày cuối tuần, giá kỳ hạn tăng nhẹ còn có một lý do: đồng đô la Mỹ giảm trên thị trường hối đoái quốc tế, sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke trong buổi họp hôm qua tại Kansas City xác nhận nền kinh tế Mỹ chưa cần phải bơm tiền kích thích. Cùng lúc ấy, nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Âu trong vùng sử dụng đồng tiều euro (eurozone) vẫn còn rất lúng túng trong cách giải quyết để thoát  khỏi khủng hoảng nợ.

“Vắt giá”, biện pháp rút hàng công hiệu

Một đợt “vắt giá” (price squeezing) đã xảy ra trên sàn giao dịch kỳ hạn robusta Liffe NYSE đến đầu tháng 8-2012.

“Vắt giá” là hiện tượng thiếu hàng cục bộ và mang tính chất giai đoạn. Đầu cơ dùng nhiều thủ thuật để ém hàng thực (physical coffee), rồi mua một lượng cực lớn hàng giấy (paper market) tại các tháng giao hàng gần nhất. Nhờ động tác ấy, giá tháng giao hàng gần nhất thường có giá cao hơn các tháng giao hàng xa. Hiện tượng này còn được gọi là giá đảo chiều (invertion).

Khi có “vắt giá”, người có hàng thường phải tranh thủ đưa hàng đi nhanh đến điểm bán để vừa bán được giá cao hơn, vừa khỏi mất các chi phí trữ hàng, làm hàng và các chi phí tài chính phát sinh trong quá trình trữ hàng.

Trong những ngày vắt giá gần đây nhất, có khi giá tháng giao hàng gần đã cao hơn giá tháng xa đến 40-50 đô la/tấn. Nay, cơ cấu giá trong bảng tổng sắp sàn Liffe NYSE theo chiều ngược lại. Tuy nói là ngược, nó được xem như thị trường trở về bình thường.

Tính đến hết ngày 31-8, hiện tượng “vắt giá” trước đây hoàn toàn biến mất. Giá tháng giao hàng xa hiện nay đã cao hơn giá tháng giao hàng gần. Giá tháng 9-2012 đã thấp hơn giá tháng 11-2012 đến 39 đô la/tấn. Với số tiền cao hơn này, người có hàng yên tâm trữ hàng vì đã có tiền chênh lệch để trang trải các chi phí phát sinh khi trữ hàng. Ngoài ra, các tháng xa như tháng 1 và 3-2013 nay cũng có giá cao hơn tháng 11-2012. Sàn giao dịch kỳ hạn robusta Liffe NYSE giao dịch cho giao hàng tại các tháng lẻ trong năm. Nếu tính từ thời điểm này, ta có tháng 9 và 11-2012 rồi tháng 1,3,5,7,9…cho năm 2013 và thậm chí cho 2014.

Với cấu trúc giá thuận chiều như trên, người trong thị trường hiểu rằng sức ép giao hàng tháng gần (tháng 9-2012) nay đang xảy ra một cách bình thường. Nhu cầu gấp rút cũng đã qua, không còn thiếu hàng vừa thực vừa giấy (physical and paper) để mua giao hàng vội.

Trong vài năm gần đây, “vắt giá” xảy ra liên tục trong khi sản lượng cà phê thế giới ngày có xu hướng tăng do giá cao kích thích nông dân khắp nơi trồng thêm, tăng năng suất. Trước đây, hiện tượng này khá hiếm. Nó chỉ xảy ra hãn hữu trong những năm có hạn hán hay sương giá phá hoại cây cà phê thực sự. Nói thế để thấy rằng đầu cơ đã dùng tiền khuynh loát rất mạnh thị trường hàng hóa, đặc biệt 2 sàn kỳ hạn cà phê London và New York. Nếu như đầu cơ quyết định rút vốn hẳn khỏi thị trường, đấy sẽ là một thảm họa cho giá cà phê thế giới và cho nước ta, nước sản xuất lớn thứ 2 sau Brazil và xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới.

Qua nhiều đợt dùng tiền mua cả hàng thực lẫn hàng giấy để ém và vắt giá, đầu cơ tài chính đã ép hàng ra khỏi tay các nước xuất khẩu để sang nằm tại các nước nhập khẩu. Đây cũng là cách để chủ động nguồn hàng thay vì để quyền làm giá và thị trường nằm bên tay người bán.

Lượng cà phê xuất khẩu và tồn kho thế giới đang tăng mạnh

Vừa qua, Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) đã đưa ra báo cáo tồn kho thường kỳ hàng tháng của họ. Tính đến hết tháng 6-2012, tồn kho châu Âu, bao gồm cả lượng robusta được xác nhận chất lượng (certifieds) đạt 9,97 triệu bao, tăng gần 250.000 bao (60 kg x bao) so với tháng 5-2012 (xin xem biểu đồ).

So sánh với lượng tồn kho robusta được xác nhận, từ đầu tháng 7-2012 đến hết ngày 20-8-2012, lượng tồn kho robusta này giảm trên 15.000 tấn (ngày 9-7-2012 là 157.740 tấn so với ngày 20-8-2012 còn 142.470 tấn). Như vậy, chỉ lượng tăng tồn kho cà phê “ECS” trong tháng 6-2012 đã hóa giải được lượng hụt này đến cuối tháng 8.

Kinh nghiệm thị trường cho thấy cứ một đợt “vắt giá”, tồn kho nói chung của những tháng ngày tiếp theo sau tăng. Đó chính là nhờ cấu trúc giá “vắt”, tháng giao hàng gần cao hơn các tháng sau.

Để chứng minh thêm, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (International Coffee Organization – ICO), xuất khẩu cà phê của toàn thể thành viên ICO trong tháng 7-2012 tăng 18% đạt 9,115 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, loại arabica dịu Colombia tăng 20% đạt 639.293 bao. Các loại arabica dịu ngoài Colombia tăng 17% đạt 2,503 triệu bao, arabica chế biến khô Brazil tăng 12% đạt 2,207 triệu bao. Robusta tăng cao nhất, đạt 22% với mức 3,765 triệu bao. Như vậy, theo ICO, cộng dồn xuất khẩu 10 tháng đầu niên vụ 2011-12 bắt đầu từ tháng 10-2011, xuất khẩu cà phê thế giới đạt 90,362 triệu bao, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến tồn kho châu Âu và Mỹ sẽ còn tăng trong các tháng 8 và 9-2012 khi sản lượng lớn của arabica và vắt giá trên sàn robusta vẫn có ảnh hưởng nhất định.

Nhìn vào các con số, ta thấy rằng các nước xuất khẩu arabica bán mạnh, ngay cả khi giá niêm yết sàn arabica Ice New York ở mức 170-180 cts/lb (tức từ 3.600-4.000 đô la/tấn). Đến sáng nay, mức đóng cửa arabica ngày 31-8-2012 là 164,75 cts/lb hay chừng 3.632 đô la/tấn. Trong khi đó, “vắt giá” tạo giá tháng giao hàng gần cao hơn đã trở thành miếng mồi nhử đối với bên bán.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “vắt giá” chính là một thủ thuật công hiệu để rút hàng  robusta từ các nước sản xuất về phía nước tiêu thụ để một mặt chống rủi ro không giao hàng vì giá bất ổn, mặt khác chủ động về giá bán cũng như quản lý được lượng tiền bỏ ra trả tiền nhập khẩu cho một mặt hàng nhu yếu của người dân châu Âu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. honam

    Giá đảo chiều trên sàn kỳ hạn. Lùi một bước để tiến hai-ba bước của giới đầu cơ là đây! Mình mới biết đến thương trường thì đang còn nhiều điều phải học.

Tin đã đăng