Tổng hợp thị trường cà phê tuần 35 (27/8 – 1/9/2012)

Sự suy yếu của kinh tế thế giới và nguy cơ khủng hoảng nợ công xảy ra khắp nơi khiến thị trường luôn phải phập phồng, trông đợi những động thái tích cực từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED và Ngân hàng trung ương châu Âu ECB.

Biểu đồ giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 11/2012 tuần 34 từ 20/08 – 25/08/2012.
Biểu đồ giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 11/2012 tuần 35 (27/8 – 1/9/2012). (Nhấn vào để xem hình lớn hơn)

Đầu tuần, giá cà phê kỳ hạn bật tăng khá mạnh trên cả 2 sàn. Tại sàn Liffe NYSE London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 16 USD, tức tăng 0,79%, lên 2.034 USD/tấn, giao tháng 11 tăng 17 USD, tức tăng 0,82%, lên 2.072 USD/tấn và giao tháng 1/2013 tăng 18 USD, tức tăng 0,87%, lên 2.076 USD/tấn.

Tương tự tại sàn Ice New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 5,15 cent, tương đương tăng 3,17% lên 167,75 cent/lb và giao tháng 12 tăng 5 cent, tương đương tăng 3,07% lên 167,9 cent/lb. Đây cũng là mức giá cà phê Arabica cao nhất tuần.

Giữa tuần, giá cà phê kỳ hạn thế giới sụt giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm 10 USD, tức giảm 0,49%, xuống 2.024 USD/tấn, giao tháng 11 giảm 8 USD, tức giảm 0,39%, xuống 2.064 USD/tấn, trái lại giá giao tháng 1/2013 tăng thêm 1 USD lên đứng ở 2.077 USD/tấn.

Trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm 4,75 cent, tương đương giảm 2,83% xuống 163 cent/lb và giao tháng 12 giảm 4,5 cent, tương đương giảm 2,68% xuống 163,4 cent/lb, mức giảm khá mạnh. Đây là mức giá cà phê Arabica thấp nhất tuần.

Nguyên nhân giảm không ngoài sự suy yếu của kinh tế thế giới và nguy cơ khủng hoảng nợ công khắp nơi khiến thị trường luôn phải phập phồng, trông đợi những động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED và Ngân hàng trung ương châu Âu ECB.

Cuối tuần, giá cà phê quay đầu tăng nhẹ trên cả 2 sàn. Tại sàn Liffe London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 14 USD, tức tăng 0,69%, lên 2.038 USD/tấn, giao tháng 11 tăng 13 USD, tức tăng 0,63%, lên 2.077 USD/tấn và giao tháng 1/2013 tăng 15 USD, tức tăng 0,72%, lên 2.092 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cà phê Robusta cao nhất tuần.

Tại sàn Ice New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,55 cent, tức tăng 0,95% lên 164,55 cent/lb và giao tháng 12 tăng 1,35 cent, tức tăng 0,83% lên 164,75 cent/lb.

Nguyên nhân tăng là do đồng USD giảm và niềm tin vào lời phát biểu của ông Chủ tịch Ben Bernanke hé lộ cho thấy FED “sẽ hành động khi cần thiết nhưng phải cân nhắc rủi ro” và “không hài lòng với những diễn biến kinh tế hiện nay”.

Báo cáo tháng 7 của ICO cho thấy, trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới 7 tháng đầu năm nên lượng hàng của Việt Nam gần như cạn kiệt. Trong khi nhu cầu thế giới tiêu thụ Robusta, loại cà phê Việt Nam sản xuất chính, ngày càng nhiều.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 đồng, lên mức 42.100-42.300 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ có giá 2.055 USD/tấn, FOB, với trừ lùi duy trì mức 20 USD theo giá tháng 11 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 9 tăng 20 USD, giao tháng 11 tăng 22 USD và giao tháng 1/2013 tăng 34 USD. Giá cà phê Arabica giao tháng 9 tăng 1,95 cent và giao tháng 12 tăng 1,85 cent. Giá cà phê nhân xô trong nước chỉ tăng 200 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu cũng tăng 20 USD.

Thị trường Tây nguyên giao dịch gần như không đáng kể.

Theo Reuters, giá cà phê Arabica hiện nay đã giảm xuống khoảng 40% so với một năm trước, khi thị trường thiếu hụt khiến các quỹ đầu tư đã đẩy giá hạt cà phê chất lượng cao này lên mức trên 2,80 USD mỗi pound.

Hãng Bloomberg cũng đưa tin, giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn Liffe NYSE tại London đã tăng 15% trong năm nay.

*Ngày thứ Hai, tuần đầu tháng 9, thị trường New York nghỉ lễ Lao Động Mỹ, không giao dịch.

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Giang

    Hãng Reuters cho rằng, theo con số thống kê mới nhất thì sản lượng cà phê thực tế của Việt Nam niên vụ 2011/2012 có thể gần 1,6 triệu tấn so với mức dự báo 1,5 triệu tấn mà một số công ty đưa ra gần đây.
    Ý kiến này tuy hợp lý, nhưng theo tôi không có thống kê nào cho biết lượng hàng tồn của vụ 2010/2011 chuyển qua nên không hẳn ý kiến này là đúng.

    Đối với dân cà phê Tây nguyên có khi tồn cà phê vài năm cũng là chuyện bình thường.

  2. Bù Na

    Thời gian gần đây do nhu cầu về cà phê robusta tăng mạnh nên khoảng cách giá cà A và cà R ngắn lại, nhiều ý kiến phân tích cho rằng: do các nhà rang xay chuyển từ cà phê arabica sang robusta để duy trì chi phí thấp. Nhưng bố cháu lại bác bỏ ý kiến này và nói rằng nhà rang xay không bao giờ làm điều dại dột như vậy vì người tiêu dùng sẽ quay lưng với sản phẩm của hãng mình. Bố cháu bảo lên hỏi các bác sành điệu về cà phê là khi bỏ cà A để sang uống cà R các bác có chịu không, tại sao? Xin các bác cho ý kiến.

    1. V. Đ. Hùng

      Cách đặt vấn đề của bố bạn đầy kinh nghiệm. Câu hỏi của bạn hết sức thông minh. Phần còn lại, ý kiến bàn bạc và trả lời, chúng ta cùng chờ đến từ diễn đàn.

  3. honam

    Mỗi hãng chế biến đồ uống đều sản xuất một lúc nhiều mặt hàng. Trong đó có một số mặt hàng truyền thống và một số mặt hàng thời cuộc. Các mặt hàng cao cấp hay bình dân dành phục vụ nhu cầu sử dụng của các đối tượng tiêu dùng hoặc các vùng miền cũng được tính đến. Đối với mặt hàng truyền thống có uy tín hoặc xây dựng nên thương hiệu thì thường không đổi về chất lượng nhưng có thể đổi về mẫu mã, bao bì. Ngoài ra các hãng còn luôn sản xuất các mặt hàng mới hướng tới thị hiếu số đông người tiêu dùng với chi phí rẻ và có tính cạnh tranh cao. Những mặt hàng này thường được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có và giá cũng rẽ hơn. Cho nên chất lượng cà phê Robusta là kém hơn Arabica và giá cũng thấp hơn nhiều vẫn được các nhà rang xay sử dụng hàng năm với số lượng ngày càng lớn. Trên thị trường Việt nam dù Nestle hay Trung Nguyên mỗi hãng đã có mấy loại sãn phẩm mang chất lượng khác nhau với giá bán cao, thấp tùy loại. Còn trên thế giới có bao nhiêu hãng, lắm sản phẩm, nhiều mức giá bán khó mà kể được!

  4. di linh

    Cứ tự tin đi, giá cà phê R chắc sẽ tăng trở lại thôi, thị trường châu Âu đang khát hàng, trong nước các nhà buôn hết vốn. Đây có phải là vấn đề không?

  5. honam

    Hiện nay giá cà phê trên thế giới đang bắt đầu quay lại với giá trị thực tế vốn có của nó. Các nhà kinh doanh cà phê đã nắm bắt được tình hình sản lượng rất thấp niên vụ cà phê tới của Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới. Nên họ bắt đầu mua vào và đảy giá lên là điều đương nhiên. Tuy vậy vẫn có lúc giá lại đi xuống chút ít vì đây là chiêu của giới đầu cơ đánh vào tâm lý thị trường nhưng sau đó giá lại lên cao hơn. Bà con ta nên chăm sóc vườn cây để có được năng suất cao, chất lượng tốt mang lại hiệu quả kinh tế là điều quan trọng nhất. Ngạn ngữ Việt nam CÓ CHÍ THÌ NÊN! Đúng cả trong sản xuất lẫn kinh doanh.

  6. le son hai

    Bà con nông dân mình hiện giá có lên thì đâu còn gì nữa đâu mà bán, cà vẫn đang xanh cho nên lo chăm sóc tốt chờ giá xuống rồi mới bán được vì lúc đó mới có hàng. Đó là theo qui luật của nông dân mà các nhà đầu cơ họ đã nắm Bây giờ có lên 50 thì chỉ biết ra sông nhìn nước chảy đỡ buồn.

  7. hảo lê

    Các bác,anh,chị… nào am hiểu thị trường, phân tích xu hướng cafe sắp tới giúp bà con biết đường nào. Tâm cafe,chuot dong, thanhle drao…

  8. di linh

    Giá sẽ còn lên nữa, bà con cứ yên tâm đi. Hiện giờ các nhà đầu cơ thế giới đang tính toán đến sản lượng cà phê niên vụ tới ở Việt Nam đó.

Tin đã đăng