Thời gian qua, nhiều công nhân tại Công ty Đông Nam Long vô cùng hoang mang, mất ăn mất ngủ khi họ liên tục bị Công an tỉnh Bình Phước triệu tập…
Những người công nhân quanh năm quanh quẩn với cây cao su, chống muỗi mòng, rắn rết và lo cuộc sống cho bản thân, gia đình cũng như đóng góp cho xã hội, nay họ bức xúc cho rằng, việc Công an tỉnh Bình Phước nếu cần đội ngũ công nhân ở đây “hợp tác” trong quá trình điều tra sau khi ông Trần Văn Thìn, Giám đốc Công ty Đông Nam Long bị bắt tạm giam về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”… thì cần phải gửi giấy mời thay vì giấy triệu tập, có như vậy mới thấu tình đạt lý. Ý kiến khác lại cho rằng dù giấy mời hay giấy triệu tập cũng phải ghi rõ nội dung làm việc cụ thể là gì, chứ không thể ghi chung chung “để làm việc” là không ổn.
Ông Phạm Hữu Bình, cán bộ quản lý Công ty Đông Nam Long than thở: Hầu hết cán bộ, công nhân công ty đều bị cơ quan Công an triệu tập để truy hỏi, trong khi đó, đời sống việc làm của hàng trăm con người chúng tôi hiện tại rất bấp bênh, người lao động không yên tâm sản xuất.
Ông Trần Văn Thạnh bày tỏ lo lắng: “Cứ đà này thì chẳng mấy chốc công ty lâm vào cảnh khốn cùng. Số tiền anh em chúng tôi vay mượn, đóng góp để trả lương cho công nhân cũng đang dần cạn kiệt. Lượng mủ cao su bán được không đủ tái đầu tư mua phân bón, phun thuốc diệt sâu, tưới tiêu nên hơn 500 héc ta cây cao su đang có nguy cơ bị bỏ hoang, thiệt hại kinh tế lớn cho doanh nghiệp và đáng lo là hàng trăm công nhân có thể bị mất việc làm”.
Cũng theo ông Thạnh, thời gian qua cơ quan báo chí đã phản ánh rất kịp thời tình trạng thực tế ở Công ty Đông Nam Long đến các cấp có thẩm quyền ở địa phương và Trung ương. Người “cứu” doanh nghiệp vượt qua bĩ cực hiện nay là bà Nguyễn Hoàng Yến, trú tại Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, TP.HCM. Sau khi ông Thìn bị bắt, bà Yến đã cho Công ty vay tiền để trả lương công nhân, mua phân bón, thuê người tưới tiêu… giúp Công ty sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ khi Giám đốc Công ty Đông Nam Long bị bắt đến nay, hàng trăm công nhân của công ty rơi vào cảnh khốn đốn: nguy cơ thất nghiệp, chưa được thanh quyết toán tiền lương, bảo hiểm… Chính vì vậy họ đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kêu cứu, mong muốn cơ quan có thẩm quyền cho bị can được tại ngoại để giải quyết những tồn đọng của đơn vị.
Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động hiện nay tại Công ty Đông Nam Long trong việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Thìn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh cũng như một số Bộ, ban ngành liên quan cần có những biện pháp giải quyết thiết thực nhằm đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân tại Công ty này và “cứu” hơn 500 héc ta cao su hiện nay không bị bỏ hoang, ảnh hướng xấu đến tình hình kinh tế – xã hội địa phương.