Thấu hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt là chiến lược kinh doanh đã mang lại sự phát triển bền vững cho Nestlé tại Việt Nam.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nandu Nandkishore, Phó Chủ tịch cao cấp của Tập đoàn Nestlé về chiến lược “Nhập gia tùy tục” nhân kỷ niệm 100 năm Nestlé vào Việt Nam (1912-2012).
Chúc mừng hành trình 100 năm của Nestlé tại Việt Nam. Chiến lược kinh doanh của Tập đoàn sắp tới có gì nổi bật?
Trong 1 thế kỷ qua, các khoản đầu tư của Nestlé tại Việt Nam không chỉ nằm trong khuôn khổ xây dựng các nhà máy áp dụng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mà chúng tôi còn hướng tới mục tiêu phát triển các nhà cung cấp địa phương, đồng thời đào tạo kỹ năng mới để nâng cao tay nghề cho nhân sự trong nước. Đây là chính sách tạo ra giá trị chung và điều này đã giúp Nestlé thành công trên thế giới trong hơn 140 năm qua.
Thành công của Nestlé tại Việt Nam bắt nguồn từ việc sản xuất ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu, sở thích và truyền thống tiêu dùng của người Việt. Chính sách này đặc biệt đúng đối với những sản phẩm đồ uống và thực phẩm. Để thực hiện được mục tiêu này, các sản phẩm của Nestlé Việt Nam đều được sản xuất với sự đa dạng và tinh tế nhất từ việc tận dụng giá trị văn hóa sâu sắc của nền ẩm thực Việt trong hơn 100 năm qua.
Ông có thể đơn cử một sản phẩm điển hình của Nestlé?
Đó là sản phẩm Nescafé Café Viet được ra mắt thị trường từ tháng 6.2008. Đây là cà phê hòa tan đầu tiên giữ được hương vị truyền thống của cà phê rang xay Việt Nam ở dạng hòa tan. Hiện sản phẩm này có 2 loại: cà phê đen và cà phê sữa đá được sản xuất bằng nguyên liệu trong nước bao gồm cả bao bì đóng gói. Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng giúp Nestlé phát triển một số nhà cung cấp trong nước thành nhà cung cấp ở mức khu vực. Điều này minh chứng cho hợp tác lâu dài giữa Nestlé với doanh nghiệp Việt Nam.
Dự án hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Nestlé có gì đáng chú ý?
Đây là dự án đầu tư theo hình thức công tư, nhằm phát triển bền vững toàn ngành cà phê, trong vòng 5 năm tới dự tính triển khai tới khoảng 24.000 hộ nông dân. Dự án này thuộc chiến lược Nescafé Plan toàn cầu được Nestlé triển khai hồi tháng 8.2010 nhằm khẳng định cam kết chung là Tập đoàn không chỉ sản xuất cà phê mà còn quan tâm đến người trồng và các đối tác để cùng phát triển bền vững.
Mối quan hệ hợp tác giữa Nestlé và các hộ nông dân sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Nestlé đã có quan hệ mạnh với các đơn vị trong nước về thu mua khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam. Dự án Nescafé Plan còn hỗ trợ nông dân về đào tạo, giống, công nghệ sau thu hoạch để sản xuất bền vững, cung cấp ổn định cà phê chất lượng cao cho Nestlé. Tại Việt Nam, Nescafé Plan đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ mua 60.000 tấn cà phê đạt chuẩn 4C mỗi năm; phân phối hàng triệu cây con sản lượng cao và kháng bệnh cho các hộ nông dân Việt Nam.
Vì sao Nestlé đầu tư nhà máy 270 triệu USD tại Đồng Nai?
Mục tiêu hoạt động của Nestlé luôn đặt trong tầm nhìn dài hạn. Khách hàng ngày nay đang thay đổi cả về thói quen lẫn xu hướng tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm cơ hội cùng giải pháp mới để đáp ứng. Như một phần của chính sách tạo ra giá trị chung, Nestlé cam kết sẽ đồng hành cùng sự phát triển của ngành cà phê bằng giải pháp hỗ trợ các nghiên cứu, sáng kiến về tiêu chuẩn cà phê, thu mua từ nông dân… Vì vậy, dự án đầu tư này là một phần của chiến lược Nescafé Plan nhằm khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ nâng cao năng suất và sản lượng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến hoạt động vào tháng 11.2012 với công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện và nước.
Công ty vừa công bố chương trình “Nestlé Healthy Kid”. Mục tiêu của chương trình này là gì?
Đây cũng là một hoạt động toàn cầu của Nestlé với mục tiêu giáo dục cho 10 triệu học sinh về dinh dưỡng và thể chất. Chúng tôi chủ trương triển khai chương trình này tại tất cả các quốc gia mà Nestlé đang hoạt động chậm nhất vào cuối năm 2012 nhằm cải thiện chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của các em từ 6-12 tuổi bằng giáo dục về dinh dưỡng, hoạt động thể chất có hiệu quả và một phong cách sống lành mạnh.
Tại Việt Nam, chương trình đã cung cấp phần mềm và máy tính cho các trường tiểu học để chuẩn bị cho những giờ học về dinh dưỡng và sức khỏe. Dự kiến Chương trình sẽ bắt đầu sau khai giảng năm học mới vào tháng 9 tới. Với hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ bắt đầu từ 3-5 trường để thử nghiệm. Sau khi có đánh giá từ Viện Dinh dưỡng về kết quả nhận thức của các em, chúng tôi sẽ triển khai chương trình tại các trường khác mỗi năm. Nestlé muốn vươn tới thật nhiều các em học sinh, nhất là khu vực nông thôn.
Nền tảng để Nestlé phát triển bền vững là gì?
Nestlé có lịch sử lâu đời về hợp tác đa văn hóa và ngày nay, chúng tôi được đánh giá như một tập đoàn đa quốc gia. Nestlé hiện hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe lớn nhất thế giới với các sản phẩm hầu như hiện diện tại tất cả các quốc gia, trong đó chỉ có khoảng 1,5% doanh số toàn cầu được tạo ra tại Thụy Sĩ, quê nhà của Nestlé.
Lợi thế cạnh tranh của Nestlé là nguồn nhân lực đa văn hóa với chuyên môn cao. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi thực hiện theo Những nguyên tắc kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn đã được phát triển trong hơn 140 năm qua. Song song đó, hành vi của mỗi nhân viên Nestlé được hướng dẫn bởi Những nguyên tắc quản lý và lãnh đạo của Nestlé. Điều này thể hiện năng lực có thể tự thích nghi đối với bất kỳ sự thay đổi nào mà vẫn không mất đi niềm tin và các giá trị cốt lõi của Nestlé.
Năm 1912, Nestlé mở văn phòng đầu tiên tại Sài Gòn. Từ khởi điểm khiêm tốn với các sản phẩm như sữa bột, ngũ cốc và nước tương Maggi, hiện Công ty đã phát triển thành Tập đoàn với các sản phẩm đa dạng phục vụ người tiêu dùng Việt Nam ở mọi lứa tuổi.
Chúng tôi tin tưởng rằng, Nestlé đang hoạt động dựa trên nền tảng thấu hiểu sâu sắc văn hóa tiêu dùng của người Việt. Vì vậy, cho dù mỗi nhân viên của Nestlé đang làm việc trong nhà máy, cửa hàng bán sản phẩm, bộ phận tiếp thị hay hỗ trợ kinh doanh, chúng tôi luôn có niềm đam mê tột cùng là luôn làm hài lòng khách hàng với tinh thần và trách nhiệm phục vụ ở mức cao nhất.
Doanh nghiệp nước ngoài thì tìm cách hợp tác với bộ Nông Nghiệp và gắn kết với nông dân. Còn doanh nghiệp cà phê Việt Nam thì ngơ ngác như từ trên trời rơi xuống… Gặp khó khăn thì đổ cho tại doanh nghiệp nước ngoài, tại cơ chế và tại trời.