Trên thương trường quốc tế, khi có được một mặt hàng nào đó có tên trong tốp đứng đầu thế giới, không chỉ là thành tích đặc biệt của một ngành mà còn là niềm tự hào của quốc gia. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có một số sản phẩm thuộc lĩnh vực nông – lâm đứng đầu thị trường thế giới.
Hồ tiêu, hạt điều, cà phê chiếm ngôi vị hàng đầu thế giới. Mặt hàng gạo liên tục nhiều năm đứng vị trí thứ hai, sau Thái Lan. Với chiều hướng như hiện thời, rất có thể trong năm nay hoặc năm tiếp theo, Việt Nam có khả năng vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo. Chỉ dừng lại ở những vị trí “xếp thứ” trên thương trường, những mặt hàng nói trên được coi là trên cả tuyệt vời. Chiếm ngôi vị đứng đầu thế giới, còn có thành tích nào lớn hơn, chẳng còn gì phải nỗ lực phấn đấu. Thuần túy nhìn bề nổi con số thì đúng như vậy, trong thực tế không ít người đang nhìn nhận đánh giá theo quan niệm như vậy. Thực ra, truy nguyên về thực chất, có những mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng lại ẩn chứa trong đó những vấn đề thật sự đáng lo ngại.
Kể từ 2011, với sản lượng xuất khẩu đạt mức kỷ lục lên đến 5,4 triệu tấn, Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm. Vị trí này vẫn tiếp tục được tái lập trong năm 2012. Bình quân mỗi tháng xuất khẩu gần 0,5 triệu tấn gỗ dăm, trên thế giới chưa có nước nào đạt được mức đó. Nếu chỉ nói đến đây, là chưa thấy mặt trái của việc xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm. Mặt trái của việc ồ ạt tăng tốc xuất khẩu gỗ dăm đang là vấn đề thực sự đáng lo ngại.
Hai quý đầu năm 2012, xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ và lâm sản đạt bình quân mỗi tháng gần 400 triệu USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường chủ lực nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam. Để có sản phẩm gỗ xuất khẩu, Việt Nam phải nhập nguyên liệu lên đến hơn 80%, phần “tự lực cánh sinh” trong nước chiếm tỷ trọng chưa được 20%. Doanh số lớn, lợi nhuận thấp, tính cạnh tranh không cao chính là vì quá phụ thuộc nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Thật là kỳ quặc, trong khi sản phẩm gỗ xuất khẩu phải nhập khẩu nguyên liệu hơn 80%, Việt Nam lại vọt lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm.
Gỗ tạo sản phẩm xuất khẩu với gỗ dăm đều là gỗ nhưng phẩm cấp hoàn toàn khác nhau. Một bên là gỗ chất lượng cao, hàng chục năm (thậm chí hàng trăm năm) mới được khai thác. Gỗ dăm thì ngược lại, đó là thứ phẩm cấp thấp, trồng và khai thác theo kiểu… ăn xổi. Vòng đời quay nhanh và ăn tạp, nhóm cây tạo sản phẩm gỗ dăm là tác nhân làm cho đất rừng nhanh chóng cằn cỗi. Càng xuất khẩu gỗ dăm, đất rừng càng nghèo kiệt. Nhiều nước trên thế giới không trồng nhóm cây này để xuất khẩu là vì thế. Mặt khác, cùng đơn vị sản phẩm, giá bán gỗ chất lượng cao với gỗ dăm có mức chênh lệch quá xa. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu gỗ dăm, còn giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn thua kém xa nhiều nước. Trên thế giới, về nguyên liệu gỗ, Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng bán rẻ, mua đắt.
Gỗ dăm là nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có ngành sản xuất bột giấy. Đứng đầu thế giới về xuất khẩu gỗ dăm, trong khi hàng năm Việt Nam đều phải nhập khẩu bột giấy ở mức không hề nhỏ. Có những doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất giấy, nếu không có bột giấy nhập khẩu, khó tránh khỏi phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm (đứng đầu thế giới) sau đó quay lại nhập khẩu bột giấy. Trên thế giới cũng như trong khu vực, chỉ có những nước tự mình làm nghèo mới kéo dài tình trạng xuất thô, nhập tinh.
Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm sang Trung Quốc, Nhật Bản… sau đó lại nhập khẩu tinh bột giấy từ các nước ấy. Khi bán, gỗ dăm Việt Nam chỉ có mức giá hơn 100USD/tấn. Đến khi nhập khẩu bột giấy, Việt Nam phải mua ở mức giá hơn 1000USD/tấn. Từ gỗ dăm đến bột giấy có mức chênh lệch hơn 10 lần. Từ việc xuất khẩu gỗ dăm, Việt Nam “có công” làm cho một số nước đã giàu lại càng giàu thêm, còn Việt Nam thì ngược lại. Cùng tình trạng tương tự là mặt hàng cà phê. Hiện thời Việt Nam đã vượt qua nhiều quốc gia trong nhóm dẫn đầu, trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Đại bộ phận khối lượng xuất khẩu là cà phê nhân, tỷ trọng cà phê chế biến chiếm phần quá nhỏ bé. Sau khi nhập khẩu từ Việt Nam, các nước chế biến tạo thành sản phẩm phục vụ thị trường với giá trị tăng vọt và thu hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cà phê nguyên liệu do Việt Nam xuất khẩu.
Xuất thô, nhập tinh. Bán rẻ, mua đắt. Chừng nào nghịch lý ấy còn tồn tại thì dù đứng đầu thế giới (về sản lượng xuất khẩu) vẫn tiềm ẩn nhiều việc đáng lo ngại. Không riêng gì nguyên liệu gỗ dăm và cà phê, một số mặt hàng khác xuất khẩu đứng đầu thế giới đang ẩn chứa trong đó những mặt trái không thể kéo dài mãi mãi.
VN là nước thuần nông mà, đứng đầu thế giới về lĩnh vực nông nghiệp thì chẳng có gì là vui cười cả. Hãy nhìn những nước ngay cạnh mình mà học tập như là Ấn, Thái … họ cũng là nước nông nghiệp mà giờ này họ đã tới đâu rồi, mình còn lẹt đẹt phía rất sau!