Lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Việt Nam được dự báo sẽ chỉ đạt 70.000-100.000 tấn, từ mức 110.000 tấn trong tháng 7. Cà phê trong nước đang vững giá, dù giá xuất khẩu thấp hơn giá thế giới và đang nới rộng khoảng cách này.
Dự báo về lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 8 được giới thương nhân đưa ra trong các cuộc trò chuyện với hãng tin Reuters vào ngày 7/8. Theo hãng tin này, nguồn cung cà phê từ Việt Nam đang suy giảm nhanh trước khi niên vụ mới bắt đầu vào tháng 10 và điều này sẽ giúp giữ giá cà phê thế giới ổn định trong bối cảnh thời tiết ở Brazil đã chuyển sang thuận lợi cho hoạt động thu hoạch cà phê.
“Với mức giá tốt được duy trì, nông dân vẫn tiếp tục bán cà phê ra, cho dù họ cũng giữ lại một phần cà phê cho tới đầu vụ sau”, một thương nhân ở Tp.HCM cho biết.
Khối lượng cà phê xuất khẩu tháng 7 của Việt Nam được các thương nhân ước tính đạt mức khoảng 110.000 tấn, cao hơn mức dự báo 70.000-80.000 tấn mà họ đưa ra hồi đầu tháng, nhưng thấp hơn mức ước tính 130.000 tấn mà Chính phủ đưa ra.
Vào hôm qua, thứ Ba (7/8), giá cà phê hạt robusta tại Đắc Lắc dao động từ 43.300-43.700 đồng/kg, so với mức 43.500-43.600 đồng/kg cách đó một tuần. Số liệu của Reuters cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê ở Đắc Lắc hiện đã giảm 8%.
So với giá cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn NYSE Liffe ở London, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện đang thấp hơn 60 USD/tấn, từ mức thấp hơn 30-40 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Hôm thứ Hai, giá cà phê robusta giao tháng 11 tại London đóng cửa ở mức 2.215 USD/tấn. Giá cà phê robusta loại 2,5% hạt đen và vỡ của Việt Nam xuất khẩu hôm thứ Ba đứng ở mức 2.155 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, so với mức 2.156-2.166 USD/tấn cách đó 1 tuần.
Trong phiên giao dịch đêm qua, thứ Ba (7/8), tại London, giá cà phê robusta giao tháng 11 đóng cửa giảm 21 USD, tương đương giảm 1%, còn 2.194 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 9 trên sàn ICE Futures ở New York đóng cửa với mức giảm 2,85 cent, tương đương giảm 1,6%, còn 1,7265 USD/pound.
Các thương nhân cho biết, nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc hiện còn trữ khoảng 35.000 tấn cà phê, trong khi các nhà xuất khẩu và công ty nước ngoài cũng có đủ cà phê tồn kho để giao hàng trong thời gian từ tháng 8-10, trước khi vụ thu hoạch mới bắt đầu ở Tây Nguyên vào tháng 11.
Cũng theo các thương nhân, với 110.000 tấn cà phê được xuất khẩu trong tháng 7, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu của niên vụ 2011-2012 đã đạt mức 1,38 triệu tấn, tương đương 23 triệu bao loại 60 kg, tăng 20% so với cùng kỳ của niên vụ trước.
Nếu Việt Nam xuất khẩu 70.000 tấn cà phê trong tháng 8 này, thì từ khi niên vụ cà phê 2011-2012 bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái đến hết tháng 8 năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 1,45 triệu tấn cà phê. Cộng với lượng cà phê còn tồn kho, có thể thấy, trong niên vụ này, Việt Nam đã đạt mức sản lượng kỷ lục 1,5-1,6 triệu tấn. Theo dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2012-2013 sẽ giảm.
“Sản lượng cà phê vụ tới có thể giảm 10% so với vụ này”, một thương nhân ở Tp.HCM cho biết. Theo dự báo của Reuters, vụ cà phê tới của Việt Nam có thể đạt sản lượng 22,25 triệu bao, tương đương 1,335 triệu tấn. Thời tiết mưa kéo dài vào năm ngoái đã khiến quả cà phê chín chậm hơn và vụ thu hoạch 2012-2013 sẽ bắt đầu vào tháng 11 năm nay, chậm hơn 1 tháng so với thời điểm bắt đầu niên vụ là tháng 10.
Tháng 8 là bước vào giai đoạn giáp hạt lấy đâu ra cà phê mà xuất. Ai mà chẳng biết, cần gì phải dự báo!
Đến nay lượng cà phê trong dân còn ít chủ yếu nằm trong những gia đình có khả năng về tài chính. Lúc này giá cà phê thế giới đang ở mức thấp. Trong nước doanh nghệp thu mua có phần ép giá nên người dân không bán ra. Không mua được cà phê doanh nghiệp lấy hàng đâu mà xuất. Thời gian tới xuất khẩu cà phê giảm là đúng.