Đang giữa mùa mưa nhưng nhiều nơi ở Đắk Lắk người dân đang vật vã cứu hạn cho hàng chục ngàn ha cây trồng.
Lụt giữa mùa khô, hạn mùa mưa
Ông Nguyễn Văn Hà- Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea Kar cho biết: “Suốt 2 tháng qua, trên địa bàn chỉ có những cơn mưa lất phất. Tính đến ngày 6.8, đã có 4.449/8.500ha ngô, 1.000/5.178ha lúa bị khô hạn. Trong đó, diện tích ngô bị mất trắng lên đến gần 2.000ha, gần 3.000ha khác cũng sẽ bị sụt giảm khoảng 30-50% năng suất. Đối với cây lúa hiện đã có gần 300ha bị mất trắng”.
Cũng theo ông Hà, mặc dù địa phương đã tích cực dùng các biện pháp chống hạn nhưng do lượng nước tại các sông suối trên địa bàn cũng đang trong tình trạng cạn kiệt nên nhiều nơi chỉ còn biết nhờ…trời. Hạn hán trên địa bàn đang khiến hàng ngàn hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Tại “tâm” hạn, huyện Krông Bông, ông Phạm Phú Thiên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện nói, đã 3 tháng nay trên địa bàn vẫn chưa có mưa. Hiện nông dân đã mất khoảng 90 tỷ đồng do khô hạn; thống kê chưa đầy đủ đã có khoảng 8.000ha cây trồng thiếu nước, trong đó diện tích mất trắng lên đến gần 3.000ha, phân nửa diện tích còn lại sẽ bị sụt giảm từ 30-50% năng suất.
Hết nguồn nước từ sông suối, ao hồ, nhiều nông dân đã dùng cả nước giếng để cầm cự chờ mưa. Song tình hình nắng hạn được đánh giá đang diễn biến phức tạp. Đáng lo hơn tình trạng này lại “ập” xuống các xã nghèo như Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao, Cư Kty… nơi nông dân chủ yếu sống bằng cây ngô, cây lúa, đã khiến hàng ngàn nông dân tại đây lâm vào cảnh khốn đốn.
MĐrăk, địa phương luôn có lượng mưa lớn nhất tỉnh Đăk Lăk, nay cũng đang đối mặt với hạn hán. Báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện này cho biết, đã có gần 1.300 ha cây trồng bị khô hạn với mức thiệt hại từ 30- 70%. Tuy nhiên, theo nhận định diện tích này có khả năng sẽ tăng mạnh vì hiện nay nắng nóng và gió mùa Tây Nam vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm…
Chưa hết hạn đã lo lũ
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh đã có trên 27.000ha cây trồng các loại thiếu nước, tập trung tại 6 huyện, thị là: TX. Buôn Hồ, Ea Kar, Krông Păk, Krông Bông, Krông Năng, MĐrăk. Trong đó đã có đến hơn 6.000ha bị thiệt hại từ 70-100%; thiệt hại nặng nề nhất là các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Păk.
Đáng chú ý, dù là nơi rất hiếm xảy ra hạn hán, nhưng hiện nay, huyện Krông Năng cũng có đến 1.444 ha cây trồng mất trắng vì hạn. Đến đầu tháng 8- tức đã qua 3 tháng mùa mưa- nhưng thông tin từ các huyện bị hạn cho biết lượng mưa vẫn không đáng kể. Đánh giá của ngành chức năng, khả năng trong thời gian tới diện tích cây trồng bị khô hạn sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Nếu vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, gần 3.000 hộ dân tại huyện Lăk trắng tay vì một trận lụt kéo dài, thì liền sau đó hàng ngàn hộ dân tại các địa phương khác lại phải vật vã chống hạn giữa mùa mưa.
Ông Trang Quang Thành- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, hạn hán không chỉ làm thiệt hại hàng ngàn ha hoa màu của dân mà kế hoạch trồng gần 4.000 ha rừng của tỉnh cũng bị đình trệ, 100ha rừng trồng tại huyện Ea Hleo chết sạch. “Chưa có năm nào lại xảy ra hạn hán giữa mùa mưa. Diễn biến thời tiết năm nay khiến chúng tôi lo lắng sẽ có một trận lũ lớn vào cuối năm này”- ông Thành lo lắng.
Cũng như ông Thành, ông Nguyễn Văn Hà cũng rất lo lắng về một trận lũ trong tương lai: “Ngay giữa mùa khô thì bị lũ, giữa mùa mưa thì 2 tháng liền trời không rớt nước, khả năng một trận lũ lớn cuốn trôi mùa màng của nông dân vào cuối năm nay có thể sẽ xảy ra. Nếu dự đoán này là đúng thì cùng với đợt hạn này không biết còn có bao nhiêu nông dân nữa lâm vào cảnh khốn cùng”- ông Hà nói.
Mùa khô gặp lũ, mùa mưa gặp hạn, thời tiết như vậy gây tổn thất về kinh tế cho bà con nông dân là rất lớn. Hiện tượng này ta gán cho là biến đổi khí hậu – Rất đúng. Nhưng biến đổi khí hậu là do con người tạo ra với nhiều nguyên nhân như phá rừng, xả rác thải bừa bãi không qua xử lý, phát triễn công nghiệp quá nhanh không đi đôi với bảo vệ môi trường v.v… Để hạn chế biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng xấu cho cuộc sống trên hành tinh này mỗi người dân chúng ta cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống của mình. Hãy giữ lấy môi trường sống tốt đẹp cho mai sau ngay từ bây giờ!
Ở Đức Trọng, Lâm Đồng cũng đang bị hạn hán, tuy trời có mưa lất phất nhưng cây cà phê te tua vì gió. Phân đợt 2 còn chưa bỏ được huống gì đợt 3!
Cành gảy vì sâu đục thân (do hạn), gảy vì gió, lá rụng trơ cành hướng gió. Nhìn vườn cà phê thấy đau thương luôn. Sản lượng năm nay hụt nặng là chắc rồi.