Đầu cơ tài chính và ngân hàng đã thực sự ép nhiều nhà xuất khẩu cà phê của ta khép sổ, về vườn. Nhiều người cho rằng kinh doanh cà phê thua lỗ do các công ty ta “non” thông tin, “nớt” trong cạnh tranh. Sự thật nằm ở đâu, vì ai nên nỗi?
Khái niệm “được mùa, mất giá” bị triệt tiêu
Xuất khẩu cà phê trong vài năm qua thực sự khởi sắc. Đặc biệt, trong vài niên vụ gần đây, khối lượng và lượng xuất khẩu năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như niên vụ 2010/11, nước ta xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,25 triệu tấn, thì niên vụ này, 2011/12, chỉ trong vòng 10 tháng tính đến hết tháng 7-2012, cả nước xuất khẩu đạt chừng 1,4 triệu tấn.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê 2 năm gần nhất đều đạt trên 2,5 tỉ đô la Mỹ. Đã có nhiều tiên đoán rằng đến cuối tháng 9-2012 ngày kết thúc niên vụ 2011/12, có thể xuất khẩu cà phê nước ta đạt trên 1,6 triệu tấn. Nếu vậy, sản lượng niên vụ này khó dưới 1,5 triệu tấn, vượt xa tất cả các dự báo trước đây và ngay khi niên vụ bắt đầu vào ngày 1-10-2011 (xin xem biều đồ 1).
Có nhiều người tỏ ra ngạc nhiên không hiểu tại sao liên tục trong 2 năm gần đây, với đầy rẫy khó khăn về thị trường, về vốn, giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn vẫn luôn đứng vững dù sản lượng của nước ta và Brazil tăng rất mạnh. Có lúc, giá niêm yết Liffe NYSE thụt lùi về chung quanh 1.800 đô la/tấn, nhưng rồi nhanh chóng quay lên.
Đến bây giờ, giá sàn kỳ hạn robusta London vẫn kiên trì đứng ở mức cao trên 2200 đô la/tấn (xin xem biều đồ 2 phía trên).
Giá nội địa cũng khá ổn định với mức cao, bình quân trên 40.000 đồng/kg, đặc biệt đối với niên vụ này. Theo nhận định của Tổng giám đốc Intimex TPHCM, công ty đang dẫn đầu lượng xuất khẩu cà phê cả nước, ông Đỗ Hà Nam, có thể “dư chấn” giá cao kỷ lục của niên vụ trước tại mức 52.000-53.000 đồng/kg là một trong các yếu tố mấu chốt để nông dân quyết chỉ bán ra với giá cao trên 40.000 đồng/kg.
Nhưng, có lẽ điều làm ta bất ngờ và hãnh diện nhất vẫn là giá xuất khẩu dựa trên giá chênh lệch giữa 2 đầu cảng lên hàng và nơi đến cuối cùng (sàn robusta Liffe NYSE).
Nếu như trong những năm trước, có lúc các nhà xuất khẩu của chúng ta bán “như cho” với giá trừ 350-400 đô la/tấn dưới giá niêm yết (giá trừ lùi), thì trong niên vụ này, giá xuất khẩu bình quân từ Việt Nam cao hơn giá sàn kỳ hạn từ 70-80 đô la/tấn.
Rõ ràng đây là một kỳ tích đáng tự hào mà chỉ sau gần một phần tư thế kỷ xuất khẩu cà phê với tư cách hàng hóa, ngành kinh doanh cà phê chúng ta mới làm được.
Lý do có nhiều nhưng có thể do thị trường nay đã được chắt lọc, ít tranh mua tranh bán, hạn chế “bán ẩu”. Đồng thời, qua mấy mùa được giá, nông dân đã làm chủ được phần nào kinh tế gia đình và tự điều tiết bán ra, cứu giá thị trường.
Trước đây, điệp khúc “được mùa, mất giá”, thậm chí trong cà phê “mất mùa, mất luôn giá” đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới báo chí. Những năm sau này, khái niệm này thực sự bị triệt tiêu trong niềm hân hoan của người sản xuất và kinh doanh cà phê.
Thành công nhờ thị trường khắc nghiệt
Ít nhất có 3-4 công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu của nước ta trong niên vụ này đều cho rằng công việc làm ăn đều xuôi chảy và đều “có lãi”. Nói như Tổng giám đốc Công ty Simexco Daklak Lê Đức Thống trong một vài lần hội nghị xuất khẩu toàn quốc trước đây, “không có trường đại học nào có mức học phí cao và mắc như ‘đại học’ kinh doanh xuất khẩu cà phê, và cuộc chơi thị trường cà phê “chẳng năm nào giống năm nào”.
Thực vậy, đã có quá nhiều người phải bỏ cuộc chơi và ra khỏi thị trường cà phê trong “nước mắt”, kể cả nhiều công ty trong nước lẫn nước ngoài, những tên tuổi một thời lừng lẫy chốn thương trường cà phê.
Sự ra đi đáng tiếc của nhiều tên tuổi lẫy lừng trong ngành cà phê trong thời gian vừa qua phải làm cho thị trường đặt ra nhiều suy nghĩ và thắc mắc.
Một số công ty lẫy lừng trong nước hiện nay đều phải “án binh bất động”, trong đó có cả đơn vị từng được xem là nhà xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu hàng năm chừng 250.000 tấn, hay công ty có nhà máy chế biến cà phê nhân hiện đại và lớn nhất thế giới “không ai bì kịp” đóng rải rác tại trên các địa bàn sản xuất cà phê trọng điểm tại các tỉnh Tây Nguyên.
Phải nói rằng “được mùa được giá” hiện nay có được là nhờ chuyển biến cục diện thị trường từ ba bốn năm nay từ tay “người mua sang tay người bán.” Chính người bán chứ không ai khác đã làm giá, tạo thông tin…Do vậy, nói như một chuyên gia phân tích thị trường tại TPHCM: “Thực ra, mình là nước xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới từ nhiều năm nay, nên thông tin về giá cả, sản lượng, lượng xuất khẩu…là chính mình tạo ra, mình làm chủ thông tin thị trường.
Nên, riêng về thị trường cà phê robusta, khó có ai qua mặt được về thông tin thị trường bằng chính những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam.
Sự “ra đi” (thua lỗ nặng, án binh bất động) của nhiều công ty trong nước ắt hẳn không do trình độ non nớt về thông tin thị trường vì, như đã nói, thị trường nằm trong tay người bán và chính họ làm chủ thông tin.
Nên chăng, sự giã từ đau đớn của nhiều nhà xuất khẩu cà phê trong những năm qua đã có gốc gác thua lỗ, do đầu cơ, bán ẩu trong những năm trước đó “tích cóp” dần, nay mới biểu hiện ra bên ngoài.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 2000, có lúc giá xuất khẩu robusta loại 2, 5% đen vỡ chỉ ở mức trừ 380-400 đô la/tấn và giá niêm yết trên Liffe NYSE chỉ còn mức 350-400 đô la. Nên, nông dân trồng cà phê đã chặt bỏ cà phê nhiều vì “giá một cân cà phê không bằng một cân cà pháo”.
Một thị trường tranh nhau bán, ai cũng đều đòi “vượt kế hoạch” về lượng xuất khẩu, trong khi “tiền núi” từ ngân hàng nhắm mắt đổ vào không cần biết rủi ro ở đâu. Có công ty đã từng khoe “đã bán (khống) trên trăm ngàn tấn” khi chưa tới vụ. Thái độ “mời anh xơi” kiểu này không thua lỗ mới lạ.
Vì ai nên nỗi?
Ngày 28-7 Báo điện tử Vnexpress cho biết, tập đoàn Thái Hòa, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam, hiện nợ 10 ngân hàng trên 1.200 tỉ đồng, ngoài ra nợ quá hạn do phát hành trái phiếu cũng lên tới 100 tỉ đồng.Thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa cho hay, hiện Thái Hòa đang nợ quá hạn tổng cộng 10 ngân hàng, với số tiền trên 1.226 tỉ đồng. Các khoản này đều là nợ ngắn hạn.
Ngoài ta, trong vòng 3 tháng qua, một số công ty xuất khẩu cà phê lớn trong nước cũng đã công bố số lỗ cũng như nợ nần của mình.
Xem thêm: 5 ngân hàng cứu Tập đoàn cà phê Thái Hòa
Thực ra, giọt nước làm tràn ly khi Liffe NYSE mở rộng cửa cho hàng cà phê nước ta dễ dàng được đấu giá trên sàn kỳ hạn ấy từ đầu năm 2009 đến nay. Sàn robusta Liffe NYSE đã gỡ bỏ những qui định khắc khe về chất lượng trong hợp đồng kỳ hạn robusta Liffe NYSE có mã số 406 với 5 tấn/lô (Lot) để mở đường cho chất lượng dễ hơn ở hợp đồng “409” với 10 tấn/lô hiện hành.
Đồng lúc đó, các quỹ đầu cơ tài chính lớn vừa trở mình, cũng đang “khát” thị trường để đổ vốn, bấy giờ tỏ ra rất dư thừa. Không biết vô tình hay hữu ý, sàn robusta Liffe NYSE đã rộng cửa đón “cơn sóng thần tài chính” bằng cách tạo cơ hội cho các quỹ đầu cơ cấu kết với một vài hãng kinh doanh cà phê thế giới có thế lực.
Vốn lớn, quỹ đầu cơ cùng với các tay “xạ thủ chuyên nghiệp” đã tạo nên những cơn sóng thần chấn động trên thị trường cà phê robusta bấy giờ. Nhớ có những phiên giao dịch giá chao đảo có khi rớt cả 250 đô la trong 1 đêm (tính theo giờ Việt Nam), lại có khi đùng đùng tăng cũng chừng ấy.
Đã yếu do trước đây bán ẩu, bán “giật le”, nay gặp quậy phá của đầu cơ tài chính trên sàn, thực sự các đợt sóng này đã “nhổ bật gốc” nhiều công ty trong nước thiếu bản lĩnh; hay nói đúng hơn xem nhẹ việc quản trị rủi ro cho việc kinh doanh của mình.
Phải nói rằng chính sóng thần của đầu cơ tài chính và thói quen bán khống, bán trước vô tội vạ đã đẩy nhiều nhà kinh doanh cà phê to nhỏ của ta ra khỏi thương trường chứ không gì khác.
Giữa một thị trường đầy biến động hết sức bất lợi, nhiều nhà cả xuất lẫn nhập khẩu đều chọn cách “tẩu vi thượng sách”: nợ hàng, xù hàng, giao hàng đểu…dù giá tăng tốt.
Thị trường có một lúc hết sức bất ổn do không chỉ những người bị nạn xù hàng mà nhiều người khác cùng nhau đục nước béo cò, đua nhau xù hàng không giao, không nhận. Uy tín của nhiều nhà xuất nhập khẩu cà phê ngay đến đầu niên vụ 2011/12 vẫn còn “có vấn đề”.
Chưa hết, “đạp vỏ dưa lại vấp ngay vỏ dừa” khi các ngân hàng siết chặt tín dụng không thương tiếc. Nhiều nhà xuất khẩu của ta đành phải chào thua vì hợp đồng đã ký, nhưng không có tiền để mua hàng từ nông dân, đại lý, kể cả những hợp đồng có giá tốt, có lãi nhãn tiền.
Nhìn lại, vận rủi đối với nhiều nhà xuất khẩu cà phê trong mấy năm vừa qua đến từ rất nhiều yếu tố, từ chủ quan thiếu cảnh giác và khinh suất quản lý rủi ro, đến khách quan ngân hàng “kẹp” tín dụng và lỗi lớn nhất nằm ở đầu cơ tài chính: đạp nhanh nhiều nhà xuất khẩu cà phê của ta ra khỏi thị trường bằng sức mạnh đồng tiền.
Đứng giữa tình hình đó, sự tham gia, cáng đáng xuất khẩu cà phê của các công ty cà phê có vốn nước ngoài (FDI) để đạt kế hoạch và giành thắng lợi cho những năm sau này là đáng trân trọng.
Hãy nghĩ lại xem, nếu như trong tình hình căng thẳng như vậy về rủi ro thị trường, vốn liếng mỏng, uy tín mất dần, nếu các công ty FDI đứng ngoài, liệu thành công này của ngành cà phê là nhờ ai, hay ta phải chịu thua lỗ thêm?
Thái độ nào cho hướng đi mới?
Nếu chịu khó đứng từ bên ngoài nhìn vào thị trường cà phê của ta, phải nói rằng thị trường này đang chuyển dịch theo hướng tái cấu trúc. Vì cà phê có các thị trường hàng hóa lớn, nên chúng lại càng buộc bản thân từng công ty phải tái cấu trúc.
Ai chấp nhận cấu trúc mới, người đó khỏi gặp khó. Như đầu bài đã nói, nhiều công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu của ta đều công nhận làm ăn có lãi và thị trường nay tỏ ra lành mạnh hơn.
Nên chăng, cần có một thái độ cộng tác, cùng làm cùng chia sẻ đối với các công ty cà phê FDI để cùng nhau vượt khó trong lúc này, đặc biệt khi mà sản lượng cà phê nước ta càng ngày càng lớn, chủ yếu để xuất khẩu còn tiêu thụ trong nước còn hết sức hạn chế.
Thiết nghĩ, những công ty cà phê FDI chủ yếu cũng là những doanh nhân lương thiện, cố gắng kiếm tiền nuôi bản thân họ và gia đình họ như chúng ta. Không nên đặt họ vào thế “đối thủ, đối lập” vì sẽ gây bất lợi lớn cho cả ngành cà phê với 1,5 triệu tấn/năm trước mắt.
Ngoài ra, học cách quản lý rủi ro, bảo đảm uy tín dù khi giá lên hay lúc giá xuống, vẫn giao vẫn nhận đúng mình bán mình mua, thì hy vọng sau này mới tiêu thụ số lượng cà phê cực lớn hàng năm được.
Hãy nhìn cục diện lớn của ngành cà phê với 1,5 triệu tấn hơn là vài ba chục ngàn tấn của công ty mình hay vài ba tấn trong vườn nhà mình.
Xem thêm: Bảo hiểm rủi ro giá cà phê: Thận trọng với “bẫy” đầu cơ
Rất cảm ơn bài viết bổ ích thực tế. Mình vẫn cho rằng trình độ non yếu của các công ty ta có thực chứ chưa hẳn là do giới đầu cơ tài chính. Họ chỉ gián tiếp một phần nào nếu chúng ta giỏi, già dặn thì sẽ không bị bật gốc.
Những năm 90 – 94, nhà nước xuất khẩu cho các công ty nước ngoài: giá cao. Sau đó các “công ty nội” nở như nấm, tranh mua tranh bán, chụp giựt… giá rớt thê thảm. Sau một thời gian tự tiêu diệt, các công ty nội chết gần hết: giá tốt trở lại, mong rằng không lặp lại điệp khúc này!
Cám ơn bài viết thực tế này chỉ ra được điểm yếu của DN KD cà phê Việt Nam. Hi vọng rằng các DN kinh doanh cà phê, cần có thực lực chứ kiểu mượn đầu heo nấu cháo thì không ổn.
Một bài viết của một người từng trải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh cà phê. Xin trân trọng và cảm ơn tác giả rất nhiều.
Trong điều kiện hiện tại của ngành cà phê VN cái cần để cho quý vị quan chức quan tâm là tái cấu trúc các ông lớn thua lổ để tiếp tục hoạt động chứ không nên tìm cách quy kết chụp mũ sự sụp đổ của mình là do các doanh nghiệp FDI gây ra. Cần phải tìm hiểu và HỌC cách kinh doanh của họ khi mà sự hội nhập kinh doanh ngày càng mở rộng và là xu thế tất yếu.
Mấy năm trước Thái Hòa vung tay đầu tư xây dựng nhà máy hoành tráng quá. Thế mà Mộc cứ tưởng Thái Hòa làm ăn trúng lớn, hóa ra là toàn vốn vay ngắn hạn.
Bài viết trên chứng tỏ sự hiểu biết và nhìn nhận các vấn đề của tác giả, nhưng để trả lời cho câu hỏi thì chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh cà phê được cho là thua lỗ mới trả lời được, chứ người nông dân sao trả lời được. Người nông dân củng đang tự hỏi là tại sao cùng kinh doanh một mặt hàng cà phê, mua bán một thị trường, giá cả như nhau, cũng luật kinh doanh đó mà chỉ số ít doanh nghiệp nội làm ăn có lãi còn lại số đông doanh nghiệp thì kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến nghành sản xuất cà phê? Phải chăng do điều hành cung cách làm ăn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội hay thiếu vốn thiếu hàng?
Hội nhập thì phải bắt tay chứ. Nhưng bắt tay với doanh nghiệp FDI nào được nhỉ?
Cứ doanh nghiệp nào có TÂM, TẦM, TÀI, TÌNH thì Ok !