Doanh nghiệp cà phê nội địa thua do chính sách

Doanh nghiệp cà phêViệc hàng loạt doanh nghiệp cà phê bị quật ngã trong thời gian gần đây đã phơi bày những điểm yếu, trong đó có một phần trách nhiệm của quản lý nhà nước.

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê nhân nhưng năm cao nhất kim ngạch cũng chỉ đạt 2,4 tỷ USD, do 90% sản lượng chế biến kém, giá rẻ. Năm 2007, nhằm vươn tới phân khúc cà phê giá trị cao hơn, Chính phủ ban hành Nghị định 23/CP-NĐ để khuyến khích doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI) kinh doanh cà phê tại Việt Nam với điều kiện không thu mua trực tiếp từ nông dân mà chỉ đầu tư chế biến sâu.

Nhưng phần lớn doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cà phê không kinh doanh đúng quy định. Với lợi thế về vốn lớn, lãi suất thấp (chỉ 3,5 – 4,5%/năm), Doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động đầu cơ buôn cà phê nhân với nhiều kiểu vượt rào Nghị định 23/CP-NĐ bằng cách thông qua các công ty TNHH trong nước. Sự không thống nhất về chính sách đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp FDI lách luật: Nghị định 23/CP-NĐ cấm Doanh nghiệp FDI mua hàng trực tiếp từ người nông dân, còn Luật Đầu tư thì không.

Ngoài ra, Doanh nghiệp cà phê trong nước chưa có khả năng bán hàng trực tiếp cho các nhà rang xay cà phê quốc tế nên buộc phải thông qua trung gian, đội thêm chi phí. Trong khi đó, Doanh nghiệp FDI không phải thông qua môi giới nên có thu mua với giá cao hơn và dễ dàng nắm được nguồn nguyên liệu.

Khi đã loại được các đối thủ nội địa, Doanh nghiệp FDI sẽ quay lại chi phối thị trường và tất nhiên giá mua sẽ do họ quyết định, khi đó người nông dân còn có lựa chọn nào khác hay không, khi bị ép giá?

Trước đây, Doanh nghiệp trong nước nắm 80% lượng cà phê xuất khẩu nhưng hiện nay chỉ còn 60%. Niên vụ 2010 – 2011, tại Đăk Lăk, Doanh nghiệp FDI thu mua và xuất khẩu hơn 180.000 tấn cà phê nhân. Tại Lâm Đồng, DN FDI thâu tóm phần lớn sản lượng cà phê 35.000 tấn/năm của tỉnh.

Lãnh đạo của Vinacafe Buôn Ma Thuột cho biết, mọi năm thu mua được từ 60 – 80 nghìn tấn cà phê nhân, còn giờ cố lắm cũng mua được chưa tới 20 nghìn tấn.

Thất bại của DN trong nước là vì dự đoán sai nhưng đói vốn, lãi suất quá cao, đặc biệt là thiếu quản lý hiệu quả của nhà nước, đã tạo điều kiện cho DN FDI nắm giữ thị trường nguyên liệu, đẩy DN trong nước vào cảnh lao đao. Trong khi đó, tại Brazil, Indonesia, chính phủ tích cực bảo vệ nguồn nguyên liệu cà phê trong nước với các chính sách bảo hộ và ưu đãi cho DN nội địa.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nông dân một nửa

    Tôi là kế toán cho một vài đại lý mua hàng và bán lại cho các DN FDI nhưng gia đình tôi cũng làm hơn 2ha cà phê. Tôi cũng biết người nông dân làm ra hạt cà phê vất vả như thế nào nên bản thân tôi thấy bài báo phản ánh chỉ đúng một phần thực trạng việc mua cà phê của các doanh nghiệp FDI. Bởi vì khi DN FDI mua cà phê thì như nông dân chúng ta đã biết giá thường cao hơn và gần sát với giá thế giới, nhưng khi họ mua đủ hàng rồi ngừng không mua nữa thì đến phiên DN nội ép giá nông dân, thậm chí phát rất thấp khi giá thế giới tăng cao. Nhưng khi giá thế giới giảm thì DN nội giảm rất mạnh, cụ thể như các bạn đã biết thời gian gần đây, “lúc này các DN FDI ngừng mua hàng”. Thiết nghĩ nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp để quản lý các DN nội. Tôi nghĩ ngoài cơ chế chính sách ưu tiên ra cũng cần thanh giảm bộ máy biên chế cồng kềnh của các DN nội vì điều đó làm tăng chi phí rất lớn, mặt khác cũng cần xem xét năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu các DN nội. Nếu chúng ta giao vốn mà kinh doanh không có lãi thì trách nhiệm người đứng đầu phải chịu và nếu lãi cao thì phải thưởng xứng đáng. Tôi nghĩ vậy mới khuyến khích được và người dân chúng tôi mới được hưởng lợi.

  2. Đinh tân lâm

    Ông Lương văn Tự đã công nhận là các DN trong nước thua vì dự đoán thị trường sai nhưng vẫn kêu ca vì chính sách mở cửa của nhà nước. Ông Tự chỉ muốn nhà nước bảo hộ như những năm 2007 về trước để các DN trong nước chốt trước mua sau, tự tung tự tác về giá.
    Nhờ có chính sách mở cửa của nhà nước mà từ năm 2008 tới nay có DN FDI nên nông dân được hưởng lợi vì “DN cà phê trong nước chưa có khả năng bán hàng trực tiếp cho các nhà rang xay nên buộc phải qua trung gian đội thêm chi phí. DN FDI ko qua môi giới nên mua giá cao hơn”. Vậy thì các DN trong nước muốn tồn tại thì phải coi lại cách làm của mình chứ đừng trông chờ bảo hộ của nhà nước vì đã gia nhập WTO rồi thì kinh tế thị trường phải cạnh tranh bình đẳng.

  3. honam

    Đối với DN FDI đồng vốn là của cá nhân nhà đầu tư nên làm ăn phải sinh lợi, nếu lỗ thì cá nhân gây ra phải chịu trách nhiệm. Làm việc cho DN FDI phải toàn tâm toàn ý, tính toán kỹ lưỡng trước sau và phải có trách nhiệm với việc mình làm. Còn đối với DN thu mua cà phê trong nước là vốn của nhà nước hoặc của tập thể, người đứng đầu thường chịu trách nhiệm chung chung về hoạt động của DN. Kinh doanh lời thì ăn lỗ ai chịu họ đâu có xót của, cho nên mất vốn và thua thiệt là lẽ thường.

  4. Hòa Bình

    Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp FDI không bắt tay nhau để ép giá nông dân vì hiện nay chính họ cũng cạnh tranh nhau khốc liệt để tồn tại theo quy luật kinh tế thị trường.

    Điều mà nông dân chúng tôi mong muốn ở các cơ quan chức năng là thay vì lo lắng cho một nhóm lợi ích (doanh nghiệp nội) thì nên tập trung quan tâm đến 2 điều thiết thực sau đây:

    1. Tiêu diệt các doanh nghiệp và cơ sở chế biến phân giả, đồng thời bảo đảm rằng 100% phân bón bán trên thị trường đều là phân thật.
    2. Trực tiếp và gián tiếp bảo vệ an ninh cho vườn cây của nông dân khỏi bị trộm cắp cà phê.

    Đây mới là thực sự bảo vệ lợi ích của nông dân, của ngành cà phê VN.

Tin đã đăng