Giá kỳ hạn robusta lại có một tuần tăng trong khi arabica sụp mạnh. Đầu cơ tài chính hình như muốn “ăn thua đủ” với thị trường robusta sau khi đã thành công giữ hàng khống chế giá thành công trong các năm qua. Nên, dự báo xuất khẩu mạnh và sản lượng dư thừa trong năm tới vẫn không ảnh hưởng đến đường đã quyết đi của giá.
Thị trường bày trò “mèo bắt chuột”
Thực ra, đây không là một cách chơi chữ mà chính là cách đi của 2 thị trường cà phê trong những ngày qua. Không biết vô tình hay cố ý, trò chơi này cũng ứng với thị trường hối đoái giữa 2 đồng tiền mạnh nhất của thế giới tài chính hiện nay là đồng đô la Mỹ và đồng euro của châu Âu.
Thường thường, trên các thị trường có hàng hóa tương đồng, giá cả thường hay đi sánh đôi; “thuyền lên nước lên” hay đầu này tăng thì đầu kia cũng tăng. Nhưng, một khi ai đó muốn tạo sóng theo ý mình bằng cách đẩy giá đầu này xuống và cùng lúc ấy đưa đầu kia tăng, rồi lại theo qui trình ngược lại, thì từ chuyên môn gọi là trò “mèo bắt chuột” (cat-and-mouse game). Kỹ thuật chủ yếu của trò này là mua bán trái chiều nhau. Để giá tăng cho đầu này, kích mua; tạo giá sụp ở đầu kia, xả ra bán.
Đối với 2 thế lực tài chính của 2 bên bờ Đại Tây dương, trong những ngày vừa qua, các vị lãnh đạo “rượt nhau” theo kiểu trò chơi ấy. Một bên là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke nói bóng gió tung gói kích cầu, đồng đô la Mỹ tăng; rồi vị Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Daghi nói “không thể để đồng euro chết”, thế là đồng euro tăng mạnh lại so với đồng đô la Mỹ.
Trên thị trường tài chính những tuần gần đây, giá cả cổ phiếu và sàn hàng hóa chao đảo nhiều để đầu cơ tài chính trục lợi cũng nhờ các tuyên bố “mèo bắt chuột” ấy.
Còn với 2 thị trường kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York, vài tuần trước đây, đầu cơ tài chính đã mua mạnh trên thị trường arabica nên giá có lúc tăng trên 190 cts/lb; nhưng nay, họ đã bán xả để mua mạnh trên robusta London. Nhờ vậy, giá robusta London tuần qua tăng mạnh trong 2 ngày cuối tuần.
Giá đóng cửa phiên cuối tuần khuya thứ Sáu tức rạng sáng thứ Bảy 28/7, giờ Việt Nam, giá kỳ hạn robusta London chốt mức 2246 đô la/tấn. Như vậy, robusta London tăng được 59 đô la; ngược lại arabica New York giảm mất 13,25 cts/lb chỉ còn 173,70 cts hay âm 302 đô la/tấn so với cuối tuần trước.
Tuy giá robusta London tăng tốt, thị trường trong nước không theo kịp. Giá cà phê nhân xô sáng nay 28/7 chỉ ở mức 44.000 đồng/kg, có nơi thấp hơn vài giá, giảm so với tuần trước 500 đồng.
Lý do không tăng được giải thích rằng lượng cà phê còn giữ trong dân đang được giữ quá chặt chưa đủ tạo sóng thị trường; giá kỳ hạn cao mang tính kỹ thuật nhiều hơn nhờ đầu cơ mua các hợp đồng “giấy” (paper market). Hơn nữa, các nhà xuất khẩu đang tranh thủ chốt giá hàng đã giao chưa có giá cuối cùng trong các hợp đồng “bán trước chốt giá sau” (price-to-be-fixed) mà không bán mới.
Do giá nội địa không tăng, giá xuất khẩu tính trên hợp đồng “bán trước chốt giá sau” bắt đầu giảm. Mức chào mua hiện nay chừng trừ 40 đô la/tấn dưới giá niêm yết song chào bán quanh mức trừ 20 đô la/tấn.
Giá tăng bất chấp mọi ước báo bất lợi
Theo Tổng Cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 7-2012 từ nước ta ước đạt 130.000 tấn. Như vậy, 10 tháng đầu niên vụ 2011-12 tính từ ngày 1-10-2011, lượng xuất khẩu của nước ta đã đạt trên 1,4 triệu tấn, là con số cao kỷ lục từ trước tới nay (xin xem biều đồ 2).
Với lượng xuất khẩu của tháng 7-2012 lớn như thế, nhiều bản tin trong nước và nước ngoài đều cho rằng lượng xuất khẩu trong hai tháng còn lại sẽ không còn vì hàng đã hết sức cạn kiệt. Thế nhưng, đấy chỉ là các ước đoán cảm tính. Hiện nay, cấu trúc giá của robusta London tiếp tục tạo điều kiện cho hàng ra thị trường và xuất khẩu.
Trên sàn kỳ hạn robusta London, ý đồ kéo hàng đi quá rõ. Hiện nay, giá các tháng giao hàng gần đã cao hơn các tháng xa hơn chừng 40 đô la/tấn. Trong điều kiện bình thường, các tháng xa có giá cao hơn với mức quanh 20 đô la. Số tiền này được hiều như là tiền thuê kho và các chi phí tài chính và các chi phí phát sinh khác. Một khi giá tháng giao hàng gần cao hơn các tháng xa, người kinh doanh buộc phải đưa hàng đi để tranh thủ bán được giá tốt hơn đợi chờ.
Vừa rồi, một cuộc thăm dò sản lượng và giá cả do Reuters thực hiện với 29 nhà phân tích thị trường và kinh doanh cà phê cho rằng sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2012/13 sẽ thừa chừng 4,5 triệu bao do sản lượng của Brazil và Việt Nam tăng.
Song, giá không vì thế mà giảm mạnh. Theo con số bình quân của cuộc thăm dò, đến cuối tháng 12-2012, giá arabica New York đạt chừng 190 cts/lb. Trong năm 2013, giá bình quân của loại này chừng 185 cts/lb so với giá hôm nay chừng 175 cts/lb.
Trong khi đó, giá bình quân của robusta trong năm 2013 sẽ chừng 2015 đô la/tấn, giảm 10 đô la/tấn so với ước đoán cho cuối tháng 12-2012.
Theo thăm dò này, sản lượng của Brazil niên vụ 2012/12 chừng 55 triệu bao trong khi của Việt Nam chừng 22,25 triệu bao, 11% cao hơn con số ước đoán của Tổ chức Cà phê thế giới gần đây là 20 triệu bao.
Người tham dự cuộc thăm dò trên cũng cho rằng robusta trong niên vụ tới chỉ dư thừa chừng 1 triệu bao. Họ tin rằng sắp tới, robusta vẫn được ưu ái sử dụng nhiều vì người tiêu thụ không phân biệt mùi thơm cà phê robusta khi trộn với sữa và đường trong công thức 3 trong 1 với loại arabica. Vả lại, cà phê hòa tan sự dụng tiện lợi và ít phúc tạp hơn so với arabica. Nhưng, với cái nhìn thương mại, nhờ yếu tố giá rẻ hơn nhiều so với arabia, robusta vẫn tiếp tục được người tiêu thụ thích và tin dùng.
Giá cách biệt (arbitrage) giữa arabica và robusta hôm qua hạ xuống còn 1.588 đô la/tấn so với đầu tháng 9-2011 có lúc tăng trên 4.100 đô la/tấn.
Theo lẽ thường, giá cách biệt giữa hai loại này càng co, arabica sẽ được sử dụng nhiều hơn vì rẻ; mức này càng giãn ra xa, chứng tỏ arabiaca mắc và robusta rẻ nên được nhiều người sử dụng (xin xem biểu đồ 3).
Theo bài phân tích thì ko mong trò “mèo đuổi chuột” lắm. Hi vọng là giá 2 sàn cùng nhau lên, để giá cách biệt ko giảm sâu.