Tây Nguyên: Cẩn trọng với cơn sốt tiêu giống

Hiện nay, ở khu vực Tây Nguyên hồ tiêu đang được giá đã khiến cho bà con nông dân đổ xô vào trồng. Việc này đã làm cho cây tiêu giống tại đây khan hiếm, tăng giá lên gấp nhiều lần và để lại nhiều hệ lụy khôn lường…

Cây tiêu giống
Nhiều cơ sở tập trung ương lại giống tiêu
để kịp bán trong mùa mưa năm nay

“Sốt” tiêu giống…

Thành thường lệ, ở Tây Nguyên mùa mưa là thời điểm thích hợp cho việc trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp. Nhưng khác với mọi năm, bà con nông dân tìm mua giống cà phê, tiêu về trồng thay thế số lượng cây già cỗi, sâu bệnh… năm nay loại công nghiệp được mọi người lựa chọn trồng chủ yếu lại là tiêu, bởi đây là cây trồng đang cho thu nhập cao và được giá nhất. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá tiêu giống lên cao như hiện nay.

Tại Đắk Lắk, chúng tôi đã có chuyến “thị sát” tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất cây giống tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (nơi có Viện KHKTNL Tây Nguyên) và được biết, hiện nay giống cây tiêu gần như “cháy hàng”. Nếu như những tháng đầu năm giống tiêu Vĩnh Linh có giá 3,5 ngàn đồng/cây, thì thời điểm này đã tăng lên 8 ngàn đồng/cây, có nơi giá bán tới 11-12 ngàn/cây mà vẫn hết giống.

Tại cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống của anh Đức ở thôn 1, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được biết, tiêu giống hiện nay có rất nhiều loại nhưng chủ yếu là 3 loại chính đó là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Trâu, Tiêu Sẽ, giá bán trung bình khoảng 8-9 ngàn đồng/cây. Theo anh anh Đức “loại tiêu thích hợp nhất ở vùng đất Tây Nguyên là tiêu Vĩnh Linh… Khác với mọi năm, năm nay có rất đông bà con trong và ngoài tỉnh đổ xô về đây tìm mua giống tiêu này nên nhiều khi không đủ tiêu giống để bán”.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giá tiêu giống cũng tăng cao trên 3 lần so với niên vụ trước, đặc biệt là 3 huyện phía Nam Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.

Hãy cẩn trọng !

Cơn sốt trồng tiêu, giá dây tiêu giống tăng chóng mặt, làm các cơ sở cung cấp giống uy tín tại đây không đáp ứng kịp nhu cầu đã khiến nguồn giống ươm nuôi tự phát “có đất” hoạt động. Nhiều người trồng tiêu mới đến năm thứ hai, thứ ba đã cắt dây tiêu làm giống đem bán, thu lợi ngay, không chờ đến ngày cây cho quả. Nếu như chẳng may mua phải loại giống tiêu nhiễm bệnh, người trồng tiêu sẽ không chỉ bị thiệt hại hoàn toàn mà còn khiến bệnh có cơ hội lây lan sang những diện tích chung quanh. Đây cũng là nỗi lo cho ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vì vẫn chưa có quy hoạch khu vực nào trồng tiêu có hiệu quả nhất và loại loại tiêu nào thích hợp để trồng.

Ngoài ra, việc không mua được giống tiêu, nhiều đối tượng đã tổ chức đi cắt trộm dây tiêu của các hộ gia đình. Nhiều trụ tiêu đã bị cắt chỉ còn trơ lại gốc. Chỉ tính riêng tại huyện Chư Jút (Đăk Nông) trong một thời gian ngắn trở lại đây đã xảy ra hơn 20 vụ cắt trộm dây tiêu giống, gây thiệt hại cho người dân trên 1 tỷ đồng.

Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ trồng hồ tiêu đối diện với nhiều nguy cơ như chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thị trường, lặp lại “điệp khúc” được mùa mất giá, và khi đó, gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn chính là người nông dân, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng canh tác tự phát, không tuân thủ quy hoạch bền vững này.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đưa diện tích tiêu tăng lên trên 21.973 ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 52.100 tấn. Trong đó, nhiều địa phương đã vượt kế hoạch diện tích và sẽ là mối lo cho ngành nông nghiệp vốn bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.

>> Giá tiêu hôm nay

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng