Công nhân nợ khoán, doanh nghiệp nợ đầm đìa, cả ban giám đốc cũng bị nợ lương vì trồng hàng nghìn ha cà phê… siêu lá. Đó là thực trạng của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, đóng tại huyện MĐrăk, tỉnh Đăk Lăk.
Trồng cà phê, thu… cành, lá
Hàng trăm ha cà phê của Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715A ở xã Ea Riêng, huyện MĐrăk vẫn xanh tốt, cành lá sum suê. Nhưng xem kỹ thì rất ít quả, càng vào giữa lô quả càng thưa thớt.
Người dân thành con nợ vì nhận khoán cà phê siêu lá của Công ty Cà phê 715C.
Chị Nguyễn Thị Luận – công nhân nhận khoán cho biết: “Tôi nhận khoán 1ha cà phê kinh doanh, mỗi năm chỉ thu được vài tạ cà phê nhân, vì thế nợ khoán triền miên không trả nổi”.
Theo ông Nguyễn Thành Mượu – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715A, công ty có 480ha cà phê vối và 220ha cà phê chè, nhưng niên vụ 2011 – 2012 vừa rồi chỉ thu được 100 tấn cà phê nhân, tức năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 142kg/ha. Do nhiều năm hụt sản lượng, các hộ nhận khoán đang nợ Công ty 375 tấn cà phê nhân, còn công ty thì lỗ lũy kế hơn 8 tỷ đồng, nợ đọng mất khả năng thanh toán.
Còn Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715C (xã Ea MĐoan) có 250ha cà phê chè, niên vụ vừa rồi cũng chỉ thu được 60 tấn cà phê nhân, tức năng suất bình quân 240kg/ha.
Ông Cao Xuân Tứ – Phó Giám đốc công ty cho biết: “Cà phê của công ty phát triển rất tốt, nếu thu hoạch được lá, cành thì phải nói là siêu năng suất, còn quả thì không đáng kể. Vì vậy, các hộ nhận khoán đang nợ sản lượng, nợ đầu tư của công ty hơn 8 tỷ đồng, tương đương 200 tấn cà phê nhân”.
Trong số các con nợ của công ty, điển hình như hộ Tạ Văn Mạnh nợ gần 4 tấn cà phê nhân, Nguyễn Huy Phú nợ 3 tấn, Huỳnh Đình Huấn 3,5 tấn… Công ty cũng đang nợ ngân hàng, nợ thuế, BHXH và đối tác hơn 10 tỷ đồng. Cũng theo ông Tứ, từ tháng 4.2012 đến nay, toàn bộ 11 người thuộc khối văn phòng công ty chưa có lương, kể cả ban giám đốc.
Phá cà phê trồng cao su
Theo ông Nguyễn Thành Mượu, vườn cây của các Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715A, 715B, 715C đều nằm trong vùng tiểu khí hậu ven biển miền Trung, mưa rét kéo dài nên bị thối rễ, khô cành, chết nhiều. Vườn cây nào phát triển tốt thì năng suất cũng rất kém, do thời điểm cà phê ra hoa thường gặp mưa nên tỷ lệ đậu quả thấp.
Trước thực trạng trên, được sự chấp thuận của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp này đều có kế hoạch liên kết với Công ty TNHH một thành viên Cao su Krông Búk thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để phá cà phê trồng cao su. Đối tác sẽ đầu tư một phần vốn, còn lại các doanh nghiệp này sẽ tự đi vay.
Thực tế cho thấy, các dự án phát triển cà phê vối, cà phê chè tại huyện MĐrăk đều thất bại hoàn toàn. Còn với cây cao su, ngoài yếu tố khí hậu mưa nhiều, khoảng cách từ vùng dự án tới bờ biển Phú Yên – Khánh Hòa chỉ khoảng 40km cũng là điều đáng lo ngại. Nếu không thận trọng nghiên cứu, thử nghiệm trước khi trồng đại trà, có thể các dự án này sẽ để lại những hậu quả về kinh tế – xã hội như việc trồng hàng nghìn ha cà phê trước đây.
Hậu quả của cơ chế làm chủ tập thể. Sớm giải tán nông trường, giao đất cho bà con, họ sẽ tìm được trồng cây gì cho hiệu quả nhất trên vùng đất đai, khí hậu nơi này.
Bạn này hay nhỉ ! Sao lại bảo những thành phần chuyên ăn bám thu tô đi từ bỏ công cụ để ăn bám thu tô, có ảo tưởng ko đấy?
Là công nhân của một Công ty cà phê TNHH MTV … trên Dal Lak tôi rất bức xúc trước:
1. Doanh nghiệp không có việc gì làm bởi tất cả đều đã khoán toàn bộ cho công nhân (từ A-Z), Công ty chỉ có thu sản về phơi đem bán (vẫn lỗ nặng vì… có trời mới biết!) trong khi bộ máy cồng kềnh (đầy đủ các phòng ban: kỹ thuật, kế hoạch, đầu tư, kế toán…), số lượng nhiều, suốt ngày 8 tiếng đồng hồ chỉ ngồi uống nước trà, chơi games, đến tháng lĩnh lương (rất cao), mua ô tô xịn đi, xây dựng trụ sở sang trọng…
2. Sản lượng giao khoán cao đến 3 tấn tươi/ha cà phê trồng năm 1984 từ năm 2010 về trước.
3. Nông dân không có đất để sản xuất.
Kiến nghị:
– Nhà nước xem xét lại hoạt động của doanh nghiệp này, tinh giảm biên chế hoặc … Không thể để những người này ăn bám vào kết quả làm ra của người dân, hoặc giao cho hộ đất để tự trồng cà phê để giải quyết việc làm tạo thu nhập.
– Nên đề người dân thực hiện nghĩa vụ qua thuế trực tiếp với Nhà nước như vậy có lợi cho toàn xã hội.
Bạn Tinh đã nói lên một thực tế hiện nay, hình như có khá nhiều công ty, doanh nghiệp được nhà nước đầu tư khá nhiều vốn và quỹ đất nhưng lại không tạo ra được sản phẩm có ích cho nhà nước và cho xã hội. Tiền thuế của các đơn vị này đóng góp vào ngân sách hầu như là rất ít, thậm chí nhà nước còn phải bù lỗ dài dài trong khi cán bộ quản lý thì vẫn cứ nhận lương đều đều, thậm chí còn là lương khủng.
Cán bộ công ty cà phê sống bám vào các hộ công nhân như con cá sống nhờ nước. Giải tán các công ty đi rồi giao đất rẫy về cho công nhân thì cán bộ sống bằng gì? Thêm một bạn ảo tưởng nữa.
Theo tôi thì không hoang tưởng vì dù sao chúng ta đều hướng tới sự công bằng mà, có làm mới có ăn. Rồi một ngày nào đó họ sẽ bị xã hội loại bỏ (vì không làm mà có ăn).
Đối với nội dung bài báo nói trên: Tôi nghĩ đây là lỗi của Lãnh đạo đã phê duyệt dự án nêu trên, họ biết không có lãi nhưng vẫn cố tình làm (với kinh nghiệm nhiều năm trồng cà phê + các nhà khoa học có trình độ … chúng ta đủ trình độ để thẩm định dự án nêu trên) mong Nhà nước cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm và phải xử lý thật nặng, có như vậy xã hội mới phát triển được.
Loại hình kinh tế phá sản này nên giải tán