Đậu nành rang trộn với hàng loạt hóa chất, hương liệu sẽ biến thành “cà phê” chính hiệu. Công thức chế biến này đang được một cơ sở quy mô lớn tại Q.Tân Phú (TP.HCM) ngày đêm sản xuất cung cấp cho thị trường…
Đậu nành + hóa chất
Trưa ngày 6/7, men theo con kênh nước đen bốc mùi trên đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, chúng tôi tìm đến cơ sở rang xay cà phê Thông Phát (số 108 – lô 4 Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Cơ sở như một nhà kho, được xây dựng bằng sắt thép mái tôn cũ kỹ, trên diện tích hơn 500 m2. Bên phía tay phải cơ sở, chiếm 2/3 diện tích là nơi chứa hàng trăm bao tải đậu nành; phần còn lại đủ để 3 máy rang đậu và 1 căn phòng nhỏ chứa các thùng hóa chất.
Đối với những cơ sở chế biến thực phẩm, vấn đề vệ sinh phải được đặt lên hàng đầu, nhưng chỗ này thì chẳng có chút vệ sinh nào cả. Ngoài trời nắng nóng oi bức, bên trong càng nóng bức hơn bởi 3 lò rang hừng hực lửa hoạt động hết công suất. Cái lạ ở đây là mặc dù trong cơ sở và xung quanh không có một hạt cà phê nào nhưng mùi cà phê thơm lựng lan tỏa khắp khu vực… “Cơ sở chế biến cà phê nhưng đố anh tìm được hạt cà phê nào” – một công nhân ở đây vừa cười vừa nói một cách tự nhiên không chút e dè. Chúng tôi cứ ngỡ câu nói đùa nhưng sau một hồi quan sát, mới biết anh công nhân nói thật. Vậy mà, hằng ngày, cơ sở này vẫn cho ra lò hàng tấn cà phê “đểu” cung cấp cho thị trường.
Một công nhân cho biết, 3 cái máy rang tại đây có công suất 250 kg/mẻ/cái. Đầu tiên, đậu nành hạt được cho vào lò rang cho cháy đen, rồi đổ vào một thùng nhựa lớn. Sau đó, đổ vào thùng nhựa một hỗn hợp hóa chất màu đen đã được pha sẵn (tùy theo yêu cầu của khách hàng mà chủ cơ sở tẩm mùi vị đậm đặc hay nhẹ hơn).
Toàn bộ đậu nành và hóa chất được cho tiếp vào lò quay đều để hóa chất thấm vào từng hạt đậu. Đậu nành trộn xong được đổ ào ra một cái khay lớn làm bằng tôn đặt dưới nền đất, một số công nhân xúm vào dùng xẻng đập, trộn liên hồi; rồi dùng quạt sấy khô không cho dính cục. Lúc này, hạt đậu nành biến thành màu đen giống hệt màu hạt cà phê, dù không phải cà phê nhưng thơm mùi cà phê đến sặc cả mũi…
Tại cơ sở Thông Phát, có thể nói hãi hùng nhất là công đoạn pha chế các loại hóa chất không rõ nguồn gốc với nhau để tẩm vào đậu nành sau khi rang. Chúng tôi thấy công nhân dùng ca nhựa múc thứ nước màu đen pha sẵn đổ vào đậu nành. Để có được hỗn hợp màu đen này, chúng tôi thấy công nhân pha trộn nhiều loại hóa chất khác nhau, có những hóa chất lấy từ can nhựa không có nhãn mác.
Chúng tôi đã kịp ghi hình lại nhiều công đoạn chế biến đậu nành thành “cà phê”. Công nhân tham gia chế biến ở đây có người mặc quần đùi, có người cởi trần; hoàn toàn không bao tay, khẩu trang… Kể cả các dụng cụ sử dụng pha chế ở đây đã quá cũ kỹ, đóng nhiều lớp đen xì, trông rất mất vệ sinh. Chứng kiến cảnh nước, hóa chất, đậu nành vung vãi khắp nơi trên sàn đất suốt trong quá trình chế biến, chúng tôi không khỏi rợn người khi tưởng tượng đang cầm ly cà phê uống.
Lạnh người !
Sau khi điều tra, ghi nhận về cung cách chế biến cà phê bột của cơ sở rang, xay cà phê, ngũ cốc Thông Phát, chúng tôi phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để tiến hành kiểm tra cơ sở vào hôm qua 16.7. Tại thời điểm kiểm tra, có hàng trăm bao nguyên liệu là đậu nành, bắp để làm ra “cà phê” chất tại đây, nhiều nơi những nguyên liệu này đổ ngổn ngang ra sàn nhà đen kịt. Bên cạnh là các hóa chất, nguyên liệu để tẩm ướp đậu nành, bắp như: bột màu, đường hóa học, bơ, rượu… cũng để bừa bãi.
Nếu ai chứng kiến cảnh chế biến cà phê ở đây thì sẽ không bao giờ dám uống cà phê không rõ nguồn gốc nữa. Bởi, nhà vệ sinh thì đặt trong khu sản xuất; đậu nành, bắp sau khi tẩm ướp hóa chất, sấy… được cho ra những ô vuông dưới sàn nhà rất bẩn để các công nhân dùng bàn cào đảo qua lại. Đến nơi pha hỗn hợp hóa chất để tẩm đậu nành càng ớn lạnh hơn. Nhiều thành viên trong đoàn thanh tra khi chứng kiến phải thốt lên “từ nay hết dám uống cà phê bên ngoài; phải mua cà phê hạt về mà tự chế biến thôi!”.
Đại diện cơ sở, ông Lê Minh Thông không ngần ngại cho đoàn thanh tra biết: cơ sở rang, chế biến theo đơn đặt hàng của khách từ hai năm nay; khách đặt sao làm vậy. Phần lớn khách đưa nguyên liệu là đậu nành, tinh cà phê, và các hóa chất, hương, màu tẩm ướp. Nếu khách không đưa phụ gia thì cơ sở cho người ra chợ Kim Biên mua. Mỗi ngày cơ sở rang, chế biến khoảng 1,5 tấn “cà phê”. Đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp hóa đơn, giấy tờ liên quan đến những khách đặt chế biến “cà phê”, thì ông Thông chỉ cung cấp được mỗi khách hàng là Công ty Nguyễn Thuấn (TP.HCM) và cho biết thêm còn gia công cho khách hàng lấy tên cà phê thành phẩm là An Phúc (ở miền Trung) và Cường Phát (ở TP.HCM). Đoàn yêu cầu cung cấp sổ sách ghi số lượng rang, xay chế biến “cà phê” cho các khách hàng, ông Thông cũng không đáp ứng được. Cơ sở này cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên thì không kiểm tra sức khỏe…
Đoàn thanh tra lập biên bản, buộc cơ sở Thông Phát ngưng hoạt động; niêm phong, thu giữ một số hóa chất, phẩm màu, “cà phê” thành phẩm… để kiểm nghiệm làm rõ.
Không thể phân biệt thật giả
Khi chúng tôi vào gặp ông chủ cơ sở tên Thông đặt mua nửa kg đậu nành “cà phê”, nói là để về uống thử, nếu được sẽ lấy số lượng lớn; ông Thông mở nắp thùng nhựa màu xanh lớn trước cơ sở, xúc nửa kg cà phê đậu nành cho chúng tôi xem trước khi bỏ vào máy xay. Chỉ trong vài phút, nửa kg cà phê đậu nành nhanh chóng được xay mịn, biến thành nửa kg cà phê bột. Cầm nửa kg cà phê giả trên tay, tôi thầm nghĩ nếu “thượng đế” nào không tận mắt chứng kiến cảnh này thì đố ai biết đây là “cà phê” đậu nành.
Chế biến như thế mới may ra CÓ DƯ sản lượng để xuất khẩu ra nước ngoài chứ. Nếu cơ sở nào cũng mua cafe thật về chế biến cho các quán xá phục vụ người uống thì mình nghĩ doanh số xuất khẩu cafe của Việt Nam chắc sẽ thiếu hụt hơn nhiều. Việc quản lý các cơ sở chế biến các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng rất cần thiết có sự quan tâm của các cơ quan ban ngành- chính quyền đoàn thể- báo đài và cả tiếng nói của người dân sống lân cận mới mong xã hội tốt đẹp hơn. Việc chế biến này cần được điều tra xem xét tác hại của các chất gây mùi làm giả có phương hại gì cho sức khỏe cộng đồng hay không? Nếu có nên truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất. Biết đâu di căn của các loại hóa chất sau này sẽ tai hại hơn cả di chứng dioxin thì quá khổ.
Vậy nên Cafe VN luôn dẫn cuối về chất lượng thô và thành phẩm. Cái này cũng là chuyện cơm bữa, 1 số hãng cafe có tiếng, còn trộn tạp vào Cafe nữa là.
Vì những cơ sở, công ty này mà ở VN hiện giờ hầu như đồ ăn đồ uống ko có 1 cái gì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ko biết các quan chức, ban ngành này nọ làm gì mà để kẻ xấu muốn làm gì thì làm.
Để làm ra hạt cà phê người nông dân phải đầu tắt mặt tối suốt cả năm. Để cảm thông với người nông dân các cơ sở chế biến này đã có sáng kiến làm ra sản phẩm “cà phê” ít tốn thời gian và chi phí nhất. Những sản phẩm kiểu này đã thu lợi cao do hạ giá thành sản xuất và hạ luôn uy tín của cà phê Việt Nam. Rồi đây ai muốn sử dụng cà phê…
Tôi cũng có dịp đi chơi Sài thành, vào một quán cà phê tương đối Víp ở gần sân bay TÂN SƠN NHẤT. Khi vào nhân viên hỏi uống cà phê pha sẵn hay là phin, bạn tôi (dân Sài Gòn) uống 1 ly pha sẵn 25.000, tôi cà phê phin 40.000. Khi uống thử 2 loại mới thấy đc sự khác nhau, may mắn là mình đc sống ở xứ cà phê nên cũng phân biệt đc cái nào là đồ dỏm. Và cũng thấy thương cho bạn tôi vì cậu ấy chỉ uống cà phê thành 1 thói quen nên khi uống thử 2 loại cậu ấy chẳng phân biệt đc cái nào ngon hơn, và tôi cũng biết rằng mọi người ở khắp nơi trên cả nước mình rất nhiều người bị lừa uống phải cái thứ không biết phải gọi bằng gì kia. Chính cái nơi cũng là 1 thủ phủ cà phê như Lâm Đồng mình chắc gì đã có cà phê sạch đúng nghĩa để uống! Đúng không các bác? Ngẫm lại vì mưu lợi thì cái gì họ cũng dám làm, ghê gớm lắm thay!
Chế biến cà phê như vậy uống ung thư chết, thảo nào tới khoa ung bướu hay bệnh viện ung bướu mới thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư. Việt Nam ta là một trong những nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Sau khi đọc bài này tôi thật sự thấy rất bất bình, là một người đang sinh sống và làm việc ngay trên mảnh đất cafe trong doanh nghiệp sản xuất ra cafe nhân của Tây Nguyên. Không hiểu những cơ sở sản xuất cafe giả này đã có từ bao giờ và đã đưa ra thị trường bao nhiêu thứ mà vẫn gọi là cafe kia, sức khỏe người tiêu dùng sẽ ra sao nếu các cơ quan chức năng không phát hiện ra? Sao vẫn có các công ty kinh doanh không có đạo đức như thế? Còn bao nhiêu cơ sở khác đang sản xuất thứ cafe giả này mà chưa bị phát hiện? Trách nhiệm thuộc về ai? Những cơ sở này sẽ bị xử lý như thế nào để đủ sức răn đe đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh cafe giả khác?
Đúng là vì đồng tiền mà coi nhẹ tính mạng của người khác, không biết các loại hóa chất kia sẽ gây hại gì cho sức khỏe đây? Mong là các cơ quan chức năng hãy xử lý vụ này thật nghiêm khắc.
Chắc mình sẽ bỏ cafe quá, một ngày mình nạp vô cơ thể khoảng 4 hay 5 ly, vừa tốn tiền nhưng không biết khi nào bị ung thư đây! Yêu cầu cơ quan chức năng xữ lý hình sự những đối tượng này về tội hình sự với mục án cao nhất, vì hậu quả nó gây ra sau này cho con người thì vô cùng khủng khiếp, Mong cơ quan chức năng giải quyết sớm để tạo lòng tin cho dân và ngành cafe được phát triển bền vửng!