Chứng nhận UTZ toàn cầu cho cacao Bà Rịa-Vũng Tàu

Cuối tháng Năm vừa qua, Tổ chức Chứng nhận Cacao UTZ toàn cầu (Solidaridad) vừa tổ chức cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ lần 2 cho sản phẩm ca cao của Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào với những người tâm huyết với cây ca cao ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Quả ca cao
Quả ca cao – Ảnh minh họa

UTZ là chương trình chứng nhận sản phẩm nông nghiệp quốc tế có trách nhiệm không chỉ bảo đảm về chất lượng, mà còn bảo đảm về mặt môi trường, kinh tế và an sinh xã hội. Để được chứng nhận bộ nguyên tắc UTZ, người trồng ca cao phải bảo đảm ba yếu tố cơ bản là thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có kiểm soát, ghi chép sổ sách, bằng chứng cụ thể; có thanh kiểm tra và được xác nhận… nhằm đạt yêu cầu cao về tính đồng nhất của sản phẩm, trách nhiệm cộng đồng trong thực hiện và truy nguyên được nguồn gốc. Đây là cơ sở để nâng cao giá trị hàng nông sản, thu nhập của người nông dân, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Đào Duy Tuấn ở ấp Liên Hiệp 2, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 6.000m2 ca cao đang cho đợt thu hoạch bội thu. Gia đình ông cũng đang tham gia vào quy trình UTZ. Trước đây, vào những ngày cuối tháng Năm đầu tháng Sáu vừa qua, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống, là thời điểm gia đình ông Tuấn rất lo lắng bởi sự ẩm thấp, dễ phát sinh dịch bệnh ở vườn ca cao, song giờ đây sự lo lắng đó không còn, bởi vườn ca cao được trồng và chăm sóc theo quy trình UTZ.

Ông Tuấn tâm sự: Tiêu chuẩn UTZ có lợi là tăng thu nhập cho gia đình, nhẹ công chăm sóc, phân bón, tưới nước cũng bớt lại, Trồng cây bền vững, nhưng chúng tôi được hướng dẫn dùng ít thuốc trừ sâu hóa học, phân bón sử dụng hữu cơ nhiều hơn để giảm bớt phân vô cơ, cho nên gia đình cũng giảm được nhiều chi phí mà thu nhập lại tăng lên. Hiện nay, 500 gốc ca cao của gia đình ông Tuấn đang phát triển, cho thu hoạch tốt. Bình quân một năm, ông Tuấn thu được 500kg hạt ca cao khô, với giá ca cao ổn định như hiện nay đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình ông Tuấn.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn ca cao Thành Đạt, Trưởng Ban Thanh tra nội bộ trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ cho biết sau khi có chứng nhận UTZ, cái lợi cho bà con và các điểm sơ chế là môi trường không bị ô nhiễm do hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Khi tham gia UTZ thì sản lượng tăng lên và được cộng tiền thưởng cho nông dân khi tham gia chứng nhận UTZ. Ngoài ra, bà con thường xuyên được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kiến thức về bảo vệ an toàn, sức khỏe người lao động.

Trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ, nông dân hạn chế hoặc chỉ sử dụng phân hữu cơ bón cho cây, tận dụng được nguồn tài nguyên dồi dào tại chỗ, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái đất do lạm dụng hóa chất nông nghiệp, tạo được uy tín về chất lượng ca cao an toàn. Nhiều nông dân sau khi tham gia trồng ca cao theo quy trình UTZ đã khẳng định, loài cây này trước đây được coi là một cây trồng phụ, xen trong các loại cây trồng khác, nhằm tận dụng đất trồng và tăng thu nhập cho bà con. Nhưng hiện nay với giá cả ổn định, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, không ảnh hưởng môi trường xung quanh và chính sức khỏe người trồng, ca cao trở thành cây trồng chủ lực của bà con nông dân ở một số địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trước đó vào giữa tháng 1/2011, Tổ chức chứng nhận Cacao UTZ toàn cầu (Solidaridad) đã cử chuyên gia đến thanh tra các nông hộ đã tham gia áp dụng quy trình sản xuất của UTZ. Solidaridad đã quyết định cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UZT cho 195 nông hộ ở các xã thuộc Châu Đức với diện tích gần 122ha, cho sản lượng ước thu hoạch niên vụ năm 2010-2011 là 240 tấn.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận, Công ty trách nhiệm hữu hạn ca cao Thành Đạt tiếp tục vận động bà con nông dân cùng thực hiện theo quy trình UTZ, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn còn lại của Bộ chứng nhận UTZ trong năm nay. Từ sự vận động này và tận mắt chứng kiến hiệu quả thiết thực thu được từ việc tham gia trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ, số hộ nông dân tham gia đã tăng đáng kể; trong đó có thêm tám hộ chính thức, nâng số hộ trồng ca cao theo quy trình của UTZ đạt 203 hộ trên diện tích hơn 130ha, chủ yếu ở các xã Sông Xoài (huyện Tân Thành), xã Xà Bang, Quảng Thành, Kim Long, Xuân Sơn, Bình Giã (huyện Châu Đức). Hiện đang có thêm 500 hộ đăng ký tham gia.

Với kết quả đạt được sau hai năm tham gia trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ là sự khích lệ rất lớn giúp doanh nghiệp và nông dân có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí còn lại của Bộ tiêu chuẩn UTZ. Thực tế qua triển khai hai năm việc trồng và sơ chế ca cao theo tiêu chuẩn UTZ cho thấy, một khó khăn vốn thường gặp ở nông dân là sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thói quen ghi chép, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, chưa quen hợp tác….

Tuy nhiên, những khó khăn này vẫn có thể vượt qua và thực hiện được tốt các tiêu chí đưa ra của Bộ tiêu chuẩn UTZ, nếu như bà con đồng lòng, đồng hành cùng doanh nghiệp. Và một điều chắc chắn rằng, có chứng nhận UTZ làm “giấy thông hành”, giá trị ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được nâng lên, và cùng với đó thu nhập của người trồng cũng tăng thêm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng