Việt Nam mua cà phê của Indonesia để xuất khẩu

Để bảo đảm thời hạn giao hàng, những ngày này nhiều công ty xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã quyết định bỏ nguồn cung trong nước để chuyển sang mua cà phê của Indonesia có giá rẻ hơn khoảng 21 đô la Mỹ /tấn.

Trong khi đó thì ở nhiều nơi, nông dân vẫn “sáng đổ cà phê ra phơi, chiều xúc vào nhà cất” để chờ giá lên!

Nhiều doanh nghiệp đang tính chuyện nhập cà phê của Indonesia để giao hàng, trong khi đó nông dân Việt Nam “sáng đổ cà phê ra phơi, chiều xúc vào nhà cất”

Nhiều doanh nhân hoạt động trong lãnh vực chế biến và xuất khẩu cà phê cho rằng quyết định này là điều tất yếu, vì nếu làm ngược lại cứ mỗi tấn cà phê họ sẽ lỗ ít nhất là 40 đô la Mỹ.

Việt Nam hết vụ, lượng cà phê tồn kho không còn nhiều trong khi nông dân lại có xu hướng găm hàng lại để chờ giá. Điều này khiến giá thu mua trong nước cao hơn giá mua của nước ngoài, làm sao cạnh tranh được… Trong khi đó thì Indonesia trúng mùa, hàng vừa nhiều vừa rẻ”, ông Phạm Ngọc Bằng, Phó giám đốc Công ty TNHH liên doanh Cà phê Đak Man, giải thích.

Nông dân hiện không còn tin vào đại lý thu mua và doanh nghiệp chế biến nữa. Bây giờ họ tự thu hoạch, sơ chế rồi dự trữ chờ được giá mới bán, điều này khiến nguồn cung trở nên khan hiếm”, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu, nhận xét.

Ông Hải tỏ ra lo ngại trước thực trạng này. “Họ tự lưu trữ lấy chứ không ký gửi đâu hết, nhưng bản thân họ cũng không biết là lúc nào nên bán để có được giá tốt”, ông Hải nói.

Ông Đoàn Văn Hà, Trưởng bộ phận kinh doanh cà phê của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, cho biết là trong bối cảnh như vậy thì khó khăn nhất là những doanh nghiệp đã có hợp đồng dài hạn. “Lúc ký hợp đồng giá cà phê trong nước còn thấp, bây giờ thì phải mua giá cao để giao hàng đúng hẹn. Thế mới chết”, ông Hà than thở.

Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp có tính bền vững nhưng không mới được nhắc lại. Cụ thể là phải tìm cách gắn kết trở lại mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, nhưng sẽ làm theo hướng mở rộng. “Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có thể xây dựng vùng nguyên liệu ổn định bằng nhiều cách, chẳng hạn như tự trồng hay thuê nông dân trồng, hoặc hai bên cùng làm.

Trên phương diện quản lý, cần thiết phải có quy hoạch vùng canh tác, chế biến cà phê theo chuẩn quốc tế. Về phía người nông dân, họ có quyền tự do định giá và lựa chọn đối tác để bán”, ông Hải nói.

>> Vì sao Vicofa khuyến cáo DN cà phê hạn chế phương thức kinh doanh trừ lùi khi chốt giá sau?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tâm cafe

    Tại sao phải mua hàng của Indo?
    -Vì bán khống trước, giờ không có hàng để giao theo hợp đồng.
    -Vì nguồn hàng VN đã cạn, khó mua với giá rẻ trong khi Indo vào vụ, có thể giá rẻ hơn.
    -Có thể mua giá Indo + cước tàu vận chuyển thấp vì gần với nơi giao hàng hơn…
    -Đơn thuần là kinh doanh, tìm nơi nào có nguồn hàng rẻ mua để bán kiếm lời…

    Tuy nhiên tôi chỉ mắc cười ở chỗ nông dân găm hàng và “bản thân họ cũng không biết là lúc nào nên bán để có được giá tốt” thì việc gì phải “bây giờ thì phải mua giá cao để giao hàng đúng hẹn. Thế mới chết”,ông Hà than thở…

    Tôi cũng không hiểu ai bán được giá tốt? Còn tôi, dưới 45k dứt khoát khóa cửa kho.

    1. Dân cafe Dak Mil

      DN mà không biết! “Lúc ký hợp đồng giá cà phê trong nước còn thấp, bây giờ thì phải mua giá cao để giao hàng đúng hẹn”, bán trước mua sau… cho nên mới chèn ép, đè giá cà phê trong nước mà mua để giao… thì “cháy nhà mới ra mặt chuột”.

      Còn nông dân như tui làm sao biết được khi nào giá tốt hả các bác?

  2. LêThanh

    Tôi nghĩ đây là chiêu của doanh nghiệp để dọa bà con mình thôi, chẳng qua các doanh nghiệp bán khống hết rồi, giờ đến hạn giao hàng nhưng không mua được cà từ bà con nông dân nên nói vậy để bà con mình lo sợ mà bán ra đó thôi.

  3. ngochacumgar

    Theo tôi việc DN họ đang làm là đúng ! (nếu sự việc trên là thật). Còn nhớ cách đây chục năm, một số nd (tập) buôn càfê cũng ứng tiền của đại lý, rồi giao cà sau 1 tuần. Nói đến đây các bác đã hình dung ra viễn cảnh gì? Vì giá thị trường tăng, mưa nhiều không gom được hàng giao cho đại lý. (HỌ) bằng mọi cách phải gom hàng, rút cuộc có người đã mất nghiệp! Quay lai với DN bán trên giấy nhiều theo kỳ hạn sau, gần, cũng có ông (nông dân) làm lá chắn vì làm ra bao nhiêu càfê đem kí gởi cho họ. Bây giờ không thuận về giá, để có lợi (HỌ) DN ép giá xuống, hoặc tăng để cứu lấy DN. Lúc này phần thiệt vẫn là ông (nông dân) tôi chỉ viết 1 cách đơn giản nhất cho dễ hiểu. Thật tâm mà nói DN đã ghi bàn quá hay còn ông nông dân thua 1 bàn thua đáng tiếc.

    1. Cafe con

      Sao lại còn nếu? DN làm kinh doanh thì đâu rẻ họ mua, có gì mà lạ. Tôi cũng ngạc nhiên là bạn vội kết luận nông dân thua, có sớm quá không?

  4. đươc mua

    không được 45 chờ sang năm bán bà con ạ, bởi vì giá này bán gửi ngân hàng tới 12 tháng mới được 46. Ai còn cà cứ yên tâm mà để, gửi không bằng găm hàng.

  5. Văn Thành

    Đúng là một vòng luẩn quẩn, Inđô thì sang Việt Nam mua càphê để chế biến và xuất khẩu, còn Việt Nam lại sang Inđô mua càphê để thanh lý hợp đồng. Tại sao thế nhỉ? Thật khó hiểu, chắc là chỉ nông dân ta mới bị mắc lừa thôi. Nhưng rất khó lừa những người đang găm hàng đến thời điểm này, họ đã quả quyết 45k mới chịu mở kho, còn không … thì đừng mơ mà GẠT được họ.

  6. minhnam

    Làm ăn mà chụp giựt, chèn ép giá thì có ngày cũng ra đường mà ở. Thời buổi kinh tế thị trường thì phải có định hướng và làm sao cho người dân tin tưởng và cùng nhau hợp tác chứ làm ăn như vậy thì ai mà dám tin nữa. Bây giờ là thời kỳ nào rồi mà còn có việc gửi cà giữ hộ và trao đổi bằng miệng ko có tờ giấy lận lưng?

  7. TÀI THỊNH CO LTD

    Cơ chế thị trường thôi mà. Chuyện rất bình thường.

    Người dân chủ động quyết định khi nào nên bán, khi nào nên giữ lại. Đó là cái tốt.

  8. Chu se-Gia Lai

    Các bác còn cà phê hay hết cà phê cũng không nên khoe ra làm gì… Vì trên mạng giá cà phê này có rất nhiều người tham gia và theo dõi. Họ biết nông dân còn hàng thì làm sao mà họ không ép giá mới là lạ…!

  9. Cafe Chim

    Mua cà phê Indo để xuất khẩu, và gần đây là mua tiêu của Indo để xuất khẩu… Sự thật là thế nào? Những bài báo như thế có từ đâu? Nhằm để làm gì?…
    Bà con nông dân không thể hiểu được. Khó hiểu quá!

  10. đàm hưng

    Các bạn hãy cảnh giác.
    Họ mua của ai xuất khẩu thì im lặng mà làm nếu có lợi – mất gì phải khua chuông gõ mõ. Việc làm này di ngược với bí quyết kinh doanh, vậy ý đồ để hở ra việc này là gì?
    Có phải đây là đòn tâm lý để hòng mua được giá thấp từ nông dân và đây cũng là cái cớ để ép giá nông dân?
    Bà con hãy bình tĩnh đừng nóng vội hãy xác định thời điểm và giá thích hợp để bán. Trong kinh doanh lòng tin là trên hết, xin các doanh nghiệp đừng dùng thủ đoạn tâm lý bởi nó sẽ ngày càng mất lòng tin của nông dân đấy. Khi đã mất lòng tin thì thà tôi bán cho người khác dù giá rẻ hơn còn không bán cho anh dù giá anh cao hơn.

  11. Tân cà pháo

    Nông dân ở thế kỷ 21 rồi chứ đâu phải như ngày xưa mà dễ tung hỏa mù. Mấy chiêu trò này không còn linh nữa đâu, càng thêm mắc cười thôi.

Tin đã đăng