Doanh nghiệp Việt học tiêu chuẩn quốc tế để bán cà phê

Ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi chiều qua (7/12). Ông vừa trở về từ Hội nghị của Ban Chất lượng Cà phê Quốc tế được tổ chức ở London trong 3 ngày 28-30/11.

– Điểm gì đáng quan tâm nhất trong hội thảo vừa qua, thưa ông?

– Tất cả 12 nước tham dự hội nghị lần này đều nhận thấy sự cần thiết phải sớm đưa ra các biện pháp nhằm nâng giá cà phê. Song còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng nên hạn chế việc xuất khẩu cà phê. Thực tế thì kế hoạch giữ lại 20% sản lượng của Brazil trước đây đã bị “phá sản”. Bản thân Việt Nam cũng chịu nhiều thua thiệt khi tham gia chương trình này. Ta đã giữ lại khoảng 2,5 triệu bao nhưng sau 6 tháng đã phải bán ra hết.

Các đại biểu Colombia thì yêu cầu chỉ bán cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, để đặt ra được tiêu chí xác định thế nào là “cà phê chất lượng cao” không phải là chuyện dễ dàng.

– Các nước có đi đến thỏa thuận nào không?

– Tuy tham dự với tư cách một thành phần tư nhân, nhưng Vicofa đã mạnh dạn mang tới hội nghị hệ thống phân loại lỗi cho cà phê vối (Robusta). Đại biểu Brazil cũng đề xuất bảng tính lỗi cho cà phê chè (Arabica). Hai cách tính lỗi này, cùng với phương pháp tính độ ẩm tối đa theo ISO-6673, sẽ được đưa vào sử dụng như một công cụ tham chiếu chính cho cà phê của các nước.

Ngoài ra, một số đại biểu còn yêu cầu phải có giấy chứng nhận xuất xứ của sản phẩm (c/o). Nhưng hội nghị đã đi đến thống nhất rằng c/o không phải là yếu tố bắt buộc đối với việc xuất khẩu cà phê. Bởi trên thực tế, người mua hàng không phải lúc nào cũng đòi hỏi c/o.

Đó chỉ là những kết luận ban đầu. Trung tuần tháng 1 năm sau, Ban Chất lượng Cà phê Quốc tế sẽ tiếp tục nhóm họp để bàn kỹ hơn về vấn đề này.

– Cà phê Việt Nam có gặp khó khăn khi phải áp dụng những quy định mới?

– Ta đạt được một thỏa thuận với Colombia về phương pháp tính độ ẩm của cà phê. Theo đó độ thủy phần tối đa có thể chấp nhận được sẽ là 12,5% chứ không phải là 12% như trước. Đây là một thuận lợi cho cà phê của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cách tính mới thì tất cả những loại cà phê chè có hơn 86 lỗi và cà phê vối có hơn 150 lỗi sẽ không được phép lưu hành trên thị trường thế giới. Nếu quy định này được thực hiện (dự định bắt đầu từ ngày 1/11/2002), tôi e rằng Việt Nam chỉ bán được cà phê vối từ hạng 3 trở lên. Đó là chưa kể tới thực tế, hiện nay lượng cà phê chè mới chiếm một tỷ trọng nhỏ nhoi (5%) trong tổng số hơn 900.000 tấn cà phê xuất khẩu của ta. Trong khi đó, mặt hàng cà phê này đang chiếm lĩnh tới 75% thị phần thế giới.

-Vậy theo ông, Việt Nam phải làm gì?

– Trước thực trạng giá cà phê xuống thấp như hiện nay thì điều quan trọng là phải điều chỉnh sản xuất để cân bằng cung cầu. Năm tới, ta dự định giảm sản lượng cà phê xuất khẩu xuống còn 600.000-700.000 tấn (tương đương 10 triệu bao).

Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Vịêt Nam nên sớm tìm hiểu và áp dụng các quy định chung của thế giới. Từ trước đến giờ, ta thường buôn bán theo kiểu thỏa thuận miệng. Hôm nay, đưa khách một dúm cà phê để làm mẫu mà chẳng có quy cách gì cả. Mai mang cả lô hàng tới, họ kiểm tra thử thấy “hình như không giống mẫu hôm qua”. Thế là chết rồi. Không thể làm ăn kiểu đó nữa. Muốn cạnh tranh tốt, chẳng có cách nào khác là phải bán hàng theo tiêu chuẩn, tức là phải phân loại cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế. Để rồi, lấy đó làm cơ sở mà nâng dần chất lượng sản phẩm của mình. Dù khó mấy cũng phải làm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng