“Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) tuần tới sẽ có một cuộc họp bàn với các nước xuất khẩu cà phê với mong muốn tìm giải pháp tối ưu cho tình trạng cà phê đang mất giá”, ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Vifoca cho biết trước khi lên đường sang London dự hội thảo nâng cao chất lượng cà phê trong ba ngày 28-30/11.
Ông Nhạn cho biết, niên vụ sản xuất kinh doanh cà phê 2001-2002 đã bắt đầu được gần tháng nay trong bối cảnh ảm đạm. Tại Đăk Lăk, thủ phủ của cà phê, nơi chiếm tới 70% sản lượng, cà phê loại 1 chỉ còn 3.300-3.700 đồng/kg, loại 2 là 2.800-3.100 đồng/kg thay vì 4.400-4.800 đồng/kg, và 3.500-3.900 đồng/kg cách đây một tháng. Mức giá này chỉ còn bằng 31-38% giá thành của các cơ sở quốc doanh, còn đối với cơ sở sản xuất tư nhân mới đáp ứng được 40-50% chi phí đã bỏ ra.
Giá cà phê xuất khẩu 20 ngày đầu tháng 11 đứng ở mức 337-375 USD/tấn thay vì 418-432 USD/tấn của tháng trước, thậm chí đã có doanh nghiệp xuất khẩu phá giá ở mức 292 USD/tấn.
Hãng phân tích kinh tế F.O Licht của Đức hôm qua (22/11) dự đoán, giá cà phê thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ vì với mức giá thấp như hiện nay thì ngay cả những nước trồng cà phê có hiệu quả nhất cũng không thể kham nổi chi phí và buộc phải giảm sản lượng. Tuy nhiên, ông Nhạn nhận định, sự phục hồi giá cà phê khó có thể xảy ra trong năm nay do sản lượng cà phê trên thế giới vẫn vượt quá cầu. Niên vụ cà phê này, sản lượng cà phê toàn thế giới ước tăng khoảng 2-3% trong khi nhu cầu có thể tăng 4-6%, tuy nhiên tồn kho đầu niên vụ đã cao hơn rất nhiều.
Niên vụ cà phê 2000-2001, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng 33,65%, nhưng kim ngạch giảm tới 189,3 triệu USD so với niên vụ trước, do giá cà phê xuất khẩu bình quân chỉ có 436,6 USD/tấn. Theo các ngành chức năng, niên vụ này toàn ngành đã tổn thất tới 5.000 tỷ đồng. Đó là thiệt hại trực tiếp, còn thiệt hại gián tiếp thì chưa thể tính nổi.