Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2009 – 2011, diện tích cao su cả nước đã tăng 32% so với trước, đạt mức 202.700 ha.
Với mức tăng trưởng này, cao su đã vượt kế hoạch phát triển đến năm 2015 của Bộ NNPTNT với diện tích hơn 80.000ha. Cao su trở thành cây công nghiệp dài ngày có diện tích lớn nhất nước.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa – Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là nước xếp thứ 2 trên thế giới về năng suất cao su thiên nhiên, chỉ sau Ấn Độ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước hiện vẫn còn rất hạn chế.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên nên giá trị mang lại từ sản phẩm chưa cao. Mặt khác, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan nhưng thời gian gần đây, lượng tiêu thụ mặt hàng cao su tại các thị trường này đột ngột giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 5 tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn do sự suy yếu nền kinh tế khu vực châu Âu làm thu hẹp mức tiêu thụ cao su để sản xuất lốp xe. Ngành công nghiệp cao su tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật tăng trưởng ít và lượng cao su dự trữ duy trì ở mức cao đã làm nhu cầu nhập cao su chậm lại. Trong khi đó, nguồn cung trong nước đang tăng do mùa vào vụ khai thác mới.
Tính đến hết 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 341.000 tấn cao su thiên nhiên, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng gần 47% về lượng, tăng nhẹ về kim ngạch xuất khẩu, khoảng 2%. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân đã giảm khoảng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, hiện chỉ đạt bình quân 2.700 – 3.000 USD/tấn.