Sau hai năm chuẩn bị, Trung tâm Giao dịch (TTGD) cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoạt động vào đầu vụ cà phê 2008-2009 sắp tới. Ông Nguyễn Tuấn Hà Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, Giám đốc TTGD cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định đây là dấu mốc lịch sử trong hoạt động xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk và của ngành cà phê Việt Nam.
*Lần đầu tiên, một TTGD về cà phê được hình thành ở Việt Nam. Trung tâm này sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động mua bán, xuất khẩu cà phê?
– Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chiến lược, kim ngạch hiện nay đã đạt hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, dù là một cường quốc xuất khẩu cà phê nhưng cà phê Việt Nam lại thiếu một chỗ đứng ổn định trên thị trường thế giới. Các đơn vị xuất khẩu không dự báo chính xác nhu cầu của thị trường, chiều hướng biến động giá, cũng không chủ động được nguồn hàng, vốn thu mua, thường xảy ra tình trạng cạnh tranh, ép giá, chiếm dụng vốn lẫn nhau.
Các cơ quan quản lý nhà nước thì không kiểm soát được thị trường. Ngoài ra, hiện nay đang nổi lên việc buôn bán cà phê qua mạng, giao dịch trên thị trường London (LIFFE), New York (NYBOT) thông qua những nhà môi giới mà người ta gọi là buôn bán “hàng giấy”, dùng giao dịch kỳ hạn không phải như một công cụ phòng chống rủi ro. Điều này dẫn đến sự thiếu lành mạnh trong kinh doanh, khiến cho thị trường cà phê càng thêm phức tạp, khó quản lý, kiểm soát.
TTGD cà phê Buôn Ma Thuột chuẩn bị đi vào hoạt động
TTGD cà phê Buôn Ma Thuột ra đời nhằm thiết lập một thị trường giao dịch đấu giá tập trung, công khai cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ cà phê trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó tăng cường sự quản lý của Nhà nước, xây dựng thương hiệu cho cà phê VN, gắn kết sản xuất với thị trường, khắc phục những hạn chế trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu truyền thống.
* TTGD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoạt động theo cơ chế nào?
– TTGD cà phê Buôn Ma Thuột là thị trường giao dịch mua bán giao ngay và mua bán giao sau theo kỳ hạn. Mua bán giao ngay là giao dịch mua bán thông thường theo thông lệ “tiền trao cháo múc”, việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng diễn ra một cách liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, tính theo ngày. Còn đối với thị trường mua bán giao sau, hợp đồng mua bán được ký kết hôm nay, nhưng việc giao hàng và trả tiền được thực hiện sau đó theo các kỳ hạn.
TTGD cà phê Buôn Ma Thuột vừa là thị trường sơ cấp, vừa là thị trường thứ cấp. Ở thị trường sơ cấp, những giao dịch mua bán sản phẩm của người sản xuất lần đầu tiên được đưa vào giao dịch, hình thành hợp đồng nguyên thủy. Đối với thị trường thứ cấp (dành riêng cho giao dịch kỳ hạn), những giao dịch có thể mua bán lại quyền mua từ hợp đồng nguyên thủy (bên mua bán lại hợp đồng cho người khác). Nghĩa là TTGD cà phê Buôn Ma Thuột phục vụ cho cả người sản xuất và người kinh doanh, tiêu thụ.
* Để tham gia mua bán tại TTGD, các tổ chức, cá nhân phải đạt tiêu chuẩn gì?
– Theo quy chế thành viên thì các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê trong nước và nước ngoài, các nông trường, chủ trang trại, hộ gia đình, tổ chức chế biến, tiêu thụ cà phê là những chủ thể có thể tham gia mua bán cà phê tại TTGD. Nhưng chỉ có các thành viên của TTGD cà phê Buôn Ma Thuột mới được trực tiếp thực hiện giao dịch mua bán tại đây. Các tổ chức, cá nhân không thành viên có thể thực hiện giao dịch mua bán thông qua một tổ chức môi giới thành viên.
Các tổ chức tài chính tham gia thị trường với vai trò là trung gian môi giới giao dịch mua bán và tư vấn cho các tổ chức không thành viên để hưởng phí giao dịch, phí môi giới. TTGD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ có 2 tổ chức ủy thác: ngân hàng (Techcombank) ủy thác thanh toán, thanh toán bù trừ các khoản vốn, ký quỹ theo kết quả giao dịch tại trung tâm; tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm (Cafécontrol), thực hiện việc xác định chất lượng sản phẩm trong quá trình chuyển giao khi thực hiện hợp đồng.
* Hoạt động của TTGD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ đem lại lợi ích thế nào cho doanh nghiệp và người sản xuất?
– Việc chuẩn bị cho TTGD đi vào hoạt động đang trong giai đoạn nước rút. Hoạt động của TTGD cà phê chưa diễn ra nên chưa thể nói ngay là lời lãi cụ thể của các doanh nghiệp tham gia. Nhưng có thể thấy cái lợi cho các nhà kinh doanh khi thực hiện giao dịch tại đây, nhất là giao dịch sơ cấp, là tính thanh khoản cao (bởi hàng có sẵn trong kho), được cung cấp thông tin, tư vấn và các dịch vụ tiện ích, các thủ tục cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Qua nhiều hội thảo, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người nông dân. Nhất là khi họ biết rằng có thể ký gửi hàng hóa tại kho của TTGD, có thể dùng chứng thư hàng ký gửi vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng trong hệ thống của TTGD với sự bảo đảm chắc chắn, không phải lo “xù nợ” như diễn ra ở nhiều nơi bên ngoài.