Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả

Sau một năm triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tại Đồng Nai, số hộ tham gia còn rất ít, chương trình chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Xem thêm: > Nông dân chê bảo hiểm nông nghiệp vì phí cao

Theo Ban chỉ đạo Thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp trong chăn nuôi tỉnh Đồng Nai sau một năm triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định 315 của Thủ tướng chính phủ thì số hộ tham gia còn rất ít và chương trình này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bảo hiểm nông nghiệp
Nông dân không mặn mà với Bảo hiểm nông nghiệp vì phí còn quá cao

UBND tỉnh Đồng Nai đã chọn 9 xã trên địa bàn tỉnh để triển khai là: Xuân Định, Bảo Hòa, Suối Cao thuộc huyện Xuân Lộc, Phú Xuân, Phú Thanh, Phú Lâm thuộc huyện Tân Phú; Phú Túc, Gia Canh, Phú Hòa thuộc huyện Định Quán để triển khai thí điểm.

Theo thống kê, tại 9 xã điểm này có gần 4.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn khoảng 860.000 con. Thế nhưng, sau gần 1 năm triển khai, hiện chỉ mới có 263 hộ đã tham gia kí hợp đồng bảo hiểm, toàn bộ số hộ dân này đều thuộc hộ nghèo, tức là đối tượng được nhà nước hỗ trợ 100% phí tham gia bảo hiểm.

Theo Ban chỉ đạo, nguyên nhân là mức phí tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn quá cao, nông dân lại còn bị ràng buộc bởi 1 số điều khoản khá ngặt nghèo như: nông dân chỉ được bồi thường khi địa phương đã được cơ quan thẩm quyền công bố dịch, tổng số đàn vật nuôi bị bệnh phải lớn hơn 10% tổng đàn vật nuôi của xã…

Trước những khó khăn trên, mới đây lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện và công ty Bảo Việt để tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn qui tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm vật nuôi đến các đối tượng tham gia bảo hiểm. Rà soát cụ thể các đối tượng tham gia bảo hiểm, kiểm tra theo dõi quá trình tuân thủ qui trình sản xuất nhằm tránh thiệt hại cho người tham gia Bảo hiểm nông nghiệp và để làm cơ sở cho những giao kết hợp đồng ở chu kỳ chăn nuôi tiếp theo.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng