Quản lý doanh nghiệp FDI: Giải pháp căn cơ, phải từ cơ chế

Tại cường quốc cà phê Brazil, Indonesia…, chính phủ đã tham gia tích cực vào việc bảo vệ nguồn nguyên liệu cà phê trong nước với các chính sách bảo hộ và ưu đãi cho doanh nghiệp nội. Còn ở Việt Nam?

Xem thêm: > Cà phê Việt trước cơn bão FDI

Cà phê Xuất Khẩu
Chuẩn bị cà phê xuất khẩu ở Cty Cà phê Phước An.

Ông Nguyễn Viết Tượng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk:

Trong vụ mùa 2010-2011 có hiện tượng các doanh nghiệp, chi nhánh Doanh nghiệp FDI thu mua trực tiếp cà phê từ người dân để xuất khẩu, chưa phù hợp theo quy định tại Thông tư của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong quá trình làm việc với các Doanh nghiệp và chi nhánh Doanh nghiệp FDI, Sở đã có ý kiến nhắc nhở thực hiện theo đúng quy định hiện hành, là phải mua cà phê của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối cà phê để xuất khẩu.

Ông Võ Thanh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk:

Về việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Doanh nghiệp FDI) ồ ạt đổ vốn mua cà phê từ đầu vụ khiến nhiều Doanh nghiệp nội ngắc ngoải, UBND tỉnh và các ngành chức năng từ lâu đã thấy rõ và đã sớm có văn bản trình Chính phủ từ năm ngoái, lưu ý nếu để tình trạng này kéo dài thì các Doanh nghiệp nước ngoài sẽ quyết định giá cả, làm cho ngành sản xuất cà phê của VN gặp rất nhiều khó khăn.

Về phía tỉnh, thời gian tới, chúng tôi chỉ ưu tiên cho Doanh nghiệp FDI nào đầu tư vào ngành cà phê với dự án chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm có giá trị khác.

Sở dĩ tỉnh khó xử lý tình trạng Doanh nghiệp FDI mua bán cà phê nguyên liệu, vì Luật Đầu tư không cấm và ngay thông tư 09 hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vẫn quy định Doanh nghiệp FDI “Được trực tiếp mua hàng hoá của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hoá đó để xuất khẩu”.

Cần nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, là từ phía nông dân. Dù sao đây cũng là cơ hội để họ bán được sản phẩm với giá cao, có lãi, an tâm về đầu ra, thậm chí còn được hỗ trợ kỹ thuật.

Nông dân làm sao lường được rằng một khi vùng nguyên liệu đã rơi hẳn vào tay các Doanh nghiệp FDI thì rất có thể chính họ cũng bị Doanh nghiệp FDI thao túng, ép giá ?

Để Doanh nghiệp nội đủ sức cạnh tranh, ngoài việc tự thân Doanh nghiệp phải điều chỉnh tư duy cách thức và nội lực làm ăn của mình, Nhà nước cần sớm có cơ chế chính sách từ vĩ mô cho Doanh nghiệp trong nước vay đủ vốn thu mua cà phê từ đầu vụ với lãi suất thấp.

Hiện nay lãi suất cho vay vẫn còn cao quá, lại rất khó tiếp cận, Doanh nghiệp nội thiệt đơn thiệt kép, khó trụ là phải !

>> Các doanh nghiệp cà phê FDI đang làm gì?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cà Phê Đắng

    Một Quốc gia có nhiều ngành hàng nông sản hàng đầu thế giới mà không có một DN nào xứng tầm cho việc xây dựng thương hiệu Quốc gia. Để có các DN xây dựng được thương hiệu Quốc gia thì chính phủ và các cấp bộ phải là chỗ dựa vững chắc cho DN. Còn bộ Nông nghiệp của chúng ta đã bị các tập đoàn đa quốc gia đưa ra sáng kiến bất lợi cho ngành và DN nội mà vẫn vô tư “Hợp tác công tư”…

  2. Trần Ninh

    Chúng ta không thể cứ nói mãi về thế mạnh của FDI là tài chính, còn thế yếu của ta cũng là tài chính, để rồi mong chờ chính sách của Nhà nước là ưu đãi vốn vay cho những DN thu mua, xuất khẩu cà phê (nếu như thế thì người sản xuất cà phê và nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nữa thì ưu đãi thế nào) trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn.
    Một thực tế từ khi có DN FDI tham gia trực tiếp thu mua cà phê thì giá cà phê đang có lợi cho người sản xuất, tuy nhiên ai cũng biết rằng: nếu chỉ FDI rồi cũng đến ngày FDI ép giá và thao túng là tất yếu. Vì vậy, giải pháp căn cơ chỉ có thể là: DN thu mua xuất khẩu (dù dó là DN FDI hay DN trong nước), và người sản xuất cà phê phải gắn kết với nhau, để thực sự giá cà phê là giá thực của cung-cầu thế giới.

Tin đã đăng