Xuất khẩu cà phê của Braxin sụt giảm nghiêm trọng trong khi của Việt Nam và Colombia cũng không mấy lạc quan. Riêng Indonesia có lượng cung ra thị trường tăng gần gấp đôi so với tháng 3.
Braxin
Theo dữ liệu từ Hiệp hội xuất khẩu cà phê Braxin, xuất khẩu cà phê nhân của nước này đã giảm 30% trong tháng 4 năm nay xuống còn 1,72 triệu bao. Lượng cà phê hòa tan và rang xay xuất khẩu cũng giảm tới 12% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 243.052 bao.
Trong 4 tháng đầu năm, Braxin xuất khẩu 8,57 triệu bao cà phê nhân, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2011 và là mức thấp nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm trong 5 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu cà phê 4 tháng cũng giảm 14% xuống 2,2 tỷ USD.
Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 4 đã giảm tới 19,8% về lượng và 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ có 150.000 tấn hay 2,5 triệu bao loại 60kg được xuống tàu và thu về 320 triệu USD.
Từ đầu niên vụ (tháng 10/2011) tới hết tháng 4, xuất khẩu cà phê cả nước ước đạt 910.000 tấn tức 15,17 triệu bao, tăng 5% so với cùng kỳ vụ trước. Kim ngạch xuất khẩu trong khi đó đạt 1,93 tỷ USD, tăng 9,8%.
Ông Nguyễn Viết Vinh, tổng thư ký hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 5 có thể giảm 33% so với tháng 4. Nguyên nhân là do nông dân không mặn mà với mức giá hiện nay.
Colombia
Liên đoàn Những người Trồng cà phê Colombia (Fedecafe) cho biết, sản lượng cà phê của nước này đã tăng 11% trong tháng 4 vừa qua so với cùng tháng năm ngoái, đạt 580.000 bao loại 60 kg. Đây cũng là tháng sản lượng cao nhất trong năm 2012. Xuất khẩu cà phê tuy nhiên giảm 15% xuống 495.000 bao.
Trong vòng 12 tháng tới hết tháng 4, sản lượng của đất nước là 7,1 triệu bao.
Trong vài năm qua, sản lượng của Colombia liên tục sụt giảm do thời tiết xấu cộng với chương trình thay mới cây cà phê của chính phủ. Fedecafe đặt mục tiêu sản lượng niên vụ 2011/12 kết thúc vào tháng 9 tới là 8,5 triệu bao, song con số này có vẻ như tương đối xa vời.
Hiện Colombia là nhà xuất khẩu cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới chỉ sau Braxin.
Indonesia
Xuất khẩu cà phê từ Sumatra – khu vực trồng cà phê chính của Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 3 thế giới – bất ngờ tăng vọt trong tháng 4 do nguồn cung tăng cộng với giá cả hợp lý.
Số liệu của văn phòng công nghiệp và thương mại Lampung cho thấy, lượng hàng xuất khẩu của các tỉnh Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra đã tăng 95% trong tháng 4 so với tháng 3, lên 9.898 tấn.
Mochtar Luthfie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Hiệp hội cà phê Indonesia chi nhánh Lampung cho hay, lượng hàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do Indonesia sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch rộ từ tháng 6 tới tháng 7.
3 tỉnh nói trên của Indonesia chiếm tới 75% tổng cung cà phê của nước này, và chủ yếu là robusta. Cà phê được xuất khẩu qua cảng Panjang của Lampung.
Buồn…! Cộng chỉ 200 đ/kg, nhà buôn ép giá quá!
Theo nhận định và dự báo là thế, nhưng thực tế các doanh nghiệp luôn o ép người dân của mình bằng nhiều cách, ko biết phải cậy vào ai để người dân được hưởng sự công bằng thực tế đây?
Cần gì phải theo ông TTK Vicofa mới biết giảm.
Cả năm sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn thì xuất tương đương 100 ngàn tấn/tháng. Từ đầu vụ đến nay là 7 tháng, xuất 910 ngàn tấn rồi. Còn 5 tháng mà chỉ gần 300 ngàn tấn, không giảm mới lạ !
Xin cá với ông TTK Vicofa là hơn 33% nữa đấy.
Mình thấy khó hiểu quá! Trên mạng báo giá cà rô chốt phiên là 2.127$, tăng 27$/t so với hôm qua, sao cà phê trong nước chỉ tăng 200.000 đ/t?
Chán kiểu bị DN ép giá quá. Hôm qua lên 58$ thì chỉ tăng 800d, nay lên 20$ thì chỉ tăng có 200d. Làm như vậy riết thì bà con mình cũng chán thôi. Mình hi vọng mức giá khoảng 42. Nhưng với mức như vậy thì có nhiều Đại lý chỉ mua 40.9. Mức giá chưa được mình mong đợi. Tạm thời chưa xuất với giá này!
Việc các đơn vị thu mua cafe của bà con nông dân hiện nay vẫn theo xu hướng mạnh ai nấy làm. Giá cả cứ ép được tới đâu thì hay tới đó. Ngay các doanh nghiệp lớn của nhóm VICOFA cũng chẳng thể đưa ra mức giá chuẩn theo giá sàn giao dịch để đem lại lợi ích cho người nông dân thì thử hỏi sao mọi người không mong mỏi có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào tham gia mua bán? Chỉ tính đơn giản trong tuần vừa qua giá giao dịch đã tăng 44usd + 29usd + 4usd + 56usd + 27usd mà giá chỉ tăng mức từ 39.000vnd tới 40.800vnd thật là quá vô lý. Giá phải ở mức 42.000vnd mới phản ánh đúng giá trị tăng theo sàn giao dịch. Vậy thì ở đây các doanh nghiệp đã cùng nhau đưa mức giá thu mua xuống thấp để hưởng lợi. Việc nên làm là thành lập một ban chỉ đạo giám sát các doanh nghiệp mua bán. Nghiêm cấm việc ép giá nông dân nếu phát hiện thì đình chỉ theo thời gian cấm tùy thuộc mức độ vi phạm. Chứ cứ cho các DNVN thu mua mà đời sống người dân càng ngày càng sa sút thì tốt nhất nên đình chỉ việc các DNVN thu mua mà để cho các DNNN nhảy vào cạnh tranh vẫn hay hơn.