Tây Nguyên: Hệ lụy kép từ phá cà phê trồng hồ tiêu

Thời điểm này phần lớn diện tích cà phê ở Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ “lão hóa” cho năng suất, sản lượng thấp, trong khi đó giá hồ tiêu lại ngày một tăng cao và trở thành cây trồng “Víp” được bà con nông dân lựa chọn để trồng thay thế.

Điều này lại một lần nữa lại réo lên hồi chuông cảnh báo về “cái vòng luẩn quẩn” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhiều diện tích cà phê của Tây Nguyên bị chặt bỏ để trồng hồ tiêu

Ồ ạt chặt cà phê trồng hồ tiêu

Ông Nguyễn Bá Khẩn xã Tân Tiến, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết, gia đình tôi có 5 sào cà phê đã canh tác được 17 năm rồi, đến nay cà phê đã già cỗi nên sản lượng thu về chẳng được bao nhiêu, hiện cây tiêu đang có giá nên tôi đã chặt bỏ và trồng tiêu. Cũng chung “chí hướng” trồng tiêu thay cà phê, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Nhôn, Buôn Đôn cũng đang đưa trên 400 trụ tiêu vào trồng dày đặc trong 4 sào cà phê đã bị “lão hóa”. Ông Hải cho biết, tôi chưa phá cà phê vội vì để che bóng mát cho tiêu, chờ 1 năm sau tiêu bén xanh tôi mới chặt bỏ hoàn toàn cà phê, ở đây người ta toàn làm vậy. Khó khăn nhất của việc trồng tiêu là giá trụ hơi đắt, khoảng trên 200 ngàn đồng/trụ, trước đây rừng còn nhiều nên dễ kiếm trụ, giờ phải mua lại của mấy ông xe cày…

Hay tại huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) cũng vậy, năm trước toàn huyện mới có trên khoảng 1.200 ha trồng tiêu, năm nay đã tăng lên tới gần 1.500 ha, diện tích tăng này tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Đăk Lăk diện tích tiêu của tỉnh không dừng lại ở con số 5.700-5.800 ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000 ha, các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300- 400 ha sẽ là mối lo cho ngành nông nghiệp vốn bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.

Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ 2 (sau Đăk Lăk) về diện tích cà phê của cả nước với gần 145.000 ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích và 28% sản lượng cà phê cả nước, tuy nhiên đến thời điểm này mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích cà phê bị chặt bỏ nhưng diện tích tiêu đã tăng lên gần 1.000ha, trong đó tập trung tại các huyện như; Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đáng chú ý là trong số này có một số diện tích không nhỏ từ việc chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là việc phá vườn cây cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.

Sẽ gặp hệ lụy kép

Ở Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đã có hàng nghìn ha hồ tiêu trồng mới, bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, nông dân ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Bà Lê Thị Tám, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Gia đình tôi có hơn 600 trụ tiêu mới trồng cuối năm 2010, đến nay không hiểu sao vườn tiêu có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 300 trụ và nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá. Cũng chung số phận với những vườn tiêu khác, vườn tiêu nhà anh Bùi Văn Nghĩa, xã Quảng Phú, Cư M’gar có hơn 300 trụ cũng đã chết trên 100 trụ với triệu chứng tương tự. Theo anh Nghĩa, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình đã tìm mua thuốc chữa trị những vẫn không hiệu quả.

Việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững cây cà phê tại đây. Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, “hiện đã và đang thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng với một số chỉ tiêu cụ thể là: duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ…”. Tuy nhiên việc thực hiện đề án này cũng không hề đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, do vậy quy mô sản xuất là nhỏ lẻ, manh mún nhất là việc chuyển đổi cây trồng tự phát như hiện nay.

Tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là khi bà con các dân tộc ở các địa phương đổ đi săn lùng trụ tiêu từ những cánh rừng, từ đó dẫn đến việc xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép… Việc chạy theo cái lợi trước mắt mà không tính đến những những hệ lụy về sau đó là luôn phải đối diện với tình trạng “thừa cung thiếu cầu”, không làm chủ được thị trường, giá cả bấp bênh từ đó khiến nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.

Câu chuyện về việc ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch của bà con nông dân ở các tỉnh, trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng vừa mới xảy ra đã và đang để lại nhiều bài học cay đắng vẫn còn đó, nay lại là hồ tiêu.

>> Chuyên gia Nguyên Lân Hùng: “Nên thận trọng khi trồng tiêu”

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Đối với nông dân sản xuất cà phê thì việc các hộ trồng mới tiêu (sẽ bớt trồng mới cà phê) hoặc chuyển đổi diện tích cà phê sang tiêu sẽ có áp lực giảm nguồn cung cà phê trong tương lai, một điều kiện cần để góp phần giữ giá!

    Đối với giá tiêu, mặc dù tăng diện tích mới nhưng thực tế diện tích cũ bị dịch bệnh khá nhiều, do vậy nguồn cung không tăng nhanh! khó áp lực lên giá.

  2. k duông

    Bữa nay theo tôi biết thì trụ bê tông hình lục giác rỗng trên nhỏ dưới to có giá thành chỉ 150 ngàn thôi lại bền vĩnh cửu nữa, còn trụ gỗ hay bị gẫy mục lại có giá thành cao, bà con ta nên để ý đến vấn đề này, vì trụ bê tông đúc rỗng chứa nước bên trong nên trụ mát tiêu dễ leo, khắc phục tình trạng trụ bê tông đặc nắng lên thì trụ nóng nên tiêu khó leo.

    1. dinh xuân eatul

      Tôi hiện ở Buôn hồ, không biết chổ nào đúc trụ bê tông rỗng như k duông nói. Các bác ai biết chỉ giùm với

  3. k duông

    Ai có nhu cầu mình xin chỉ giáo, ở Gia Lai có chỗ chuyên đúc nếu số lượng mua nhiều họ chở đến nhà cho luôn, còn nếu bác có muốn tự đúc mình chuyển giao công nghệ miễn phí cho. Mua sắt tấm loại đóng mọc xe, về uốn thành 2 cạnh 5cm, trên nhỏ hơn khoảng 3cm dài 4m, 2 miếng, bỏ trống đáy lót bao xi măng, trên cùng bỏ trống để có chỗ đổ bê tông, là thành 6 cạnh, sắt thì tùy theo tốt xấu mà dùng, bố trí 5 cây sắt đứng phi 10 dài 3,9 m và cách nhau 15cm cho vòng lục giác phi 6, khi đúc dùng 2 ống típ một ống 42 và một ống 34 mỗi ống dài hơn 2m, khi đúc nhớ bôi nhớt vào khuông và 2 ống típ khoảng 5 phút sau thì rút ống típ trong lõi ra, cứ thế mà đúc tiếp cây khác, khoảng 3 tuần là có thể vác trụ đi chôn để cho tiêu leo. Nếu có điều kiện mua thêm lưới đen che hết cánh đồng trong thời gian mới trồng để giảm bớt ánh nắng tiêu đỡ bị chết, mưa vài trận là nước trong trụ sẽ đầy đủ làm mát trụ cho tiêu leo, mùa nắng nhớ xít nước vào cho đầy để mát trụ tiêu. Nhớ là trên nhỏ dưới to.

    Trụ tiêu rỗng gần như nhẹ mà không bị gẫy khi khuân vác vì rỗng nên có sự đàn hồi không bị gẫy và nhẹ, ưu điểm là trụ có nước bên trong nên rất mát tiêu rất đẹp. Ít bị bệnh chết của tiêu.

    1. tèo

      Cách đúc trụ của bạn không vấn đề, mà vấn đề là bạn dùng 5 phi 10 là quá phí, với kết cấu của trụ tiêu thì không nên làm vậy (5phi10 = 20m thép, tính ra tiền thép đã hơn 200.000 rồi, chưa kể công và vật liệu khác) theo mình thì làm phi6 là đủ rồi.

  4. trung_tin_727

    Không biết em nói như thế này thì K duông có buồn không! Bác ở khu nào thì em không biết chứ loại trụ lục giác đó mà đúc Chư Sê thì em chỉ có đập ra làm xà bần đổ sân thôi. Người ta làm bằng sắt 6 thôi chứ không làm bằng 5 cây phi 10 như bác nói đâu, mà nếu làm băng 5 cây sắt như thế thì làm sao có cái giá 150k được.
    Em khuyên các bác thích trồng tiêu trên trụ bê tông thì đúc trụ vuông ấy, cứng hơn trụ lục giác nhiều. Tại vì trụ lục giác người ta đúc bê tông non quá, nếu nhấc một đầu lên khoảng 50 cm và thả xuống thì sẽ gãy, còn với trụ vuông thì không vấn đề gì. Nói chung là nên tim hiểu thật kĩ trước khi đưa ra quyết định các bác ạ, sơ hở là bể nợ lúc nào không biết đâu!

  5. k duông

    Bạn trung_tin_727 chưa hiểu hết vấn đề, diễn đàn là để tham khảo thôi. Mình thấy người ta rao bán thì mách vậy thôi cái gì cũng phải có con mắt và tầm nhìn chứ, họ đúc đểu thì mới có giá rẻ, còn ta cẩn thận thì tự làm lấy vì theo kết cấu của bê tông thì khi ta đúc rỗng thì tính theo phép toán vật lý thì có sự đàn hồi sẽ cứng hơn là đúc vuông đặc, phép tính thì tùy theo trình độ mỗi người mà tham khảo thêm, tôi bảo đảm nếu làm như kỹ thuật tôi mách thì bảo đảm cứng hơn cây đúc vuông đặc của bạn trung_tin_727 và nhẹ hơn, hai nữa là trụ sẽ mát tiêu bò dễ dàng hơn. Ta làm cái gì đừng nên tự ái mà thấy hay phải nên học hỏi, vì người Việt Nam ta bị một yếu điểm rất lớn là tự ái cao và ít chịu học hỏi những cái hay của thiên hạ cứ cho ý kiến mình là hay nhất.

  6. k duông

    Cái này tôi cũng học lỏm của một số người đang làm tiêu ở Gia Lai, theo tôi thấy được ưu điểm của trụ rỗng là nhẹ và chịu đàn hồi ít bị gẫy khi thi công, hai nữa là có chứa nước bên trong nên trụ mát tiêu dễ bò, một phát minh ứng dụng công nghệ giải nhiệt bằng nước khá hiệu quả và rẻ tiền dễ làm.

  7. k duông

    Bác đinh xuân có thể vô link Gia Lai: Nông dân Chư Prông đua nhau đầu tư trồng thêm hồ tiêu có hình trụ lục giác rổng đó. Bác có thể tời đó xem họ đúc về mà tự làm thì chất lượng hơn, nếu bận bác có thể mướn nhân công mua vật liệu về họ làm cho bác là được thôi.

  8. dinh xuân eatul

    Nói đến quy hoạch thì chỉ mấy vị lãnh đạo lên nghị quyết nói chứ còn từ trước đến giờ có tổ chức nào, cá nhân nào đứng ra chỉ đạo và tổ chức thực hiện đâu.
    Hiện nay tiêu được giá thế là bà con đổ xô đi trông tiêu bất kể ở đâu không tính có hợp khí hậu và dất đai hay không, thế là tiêu chết lại trả giá. Xin thưa tôi đã trồng tiêu 15 năm rồi, học đủ cách vậy mà năm nào bão muộn mưa nước biển lên là tiêu đổ bệnh cho dù tiền thuốc nhiều hơn tiền phân. Nói vậy không phải là dọa, nhưng thực tế bây giờ để trồng 1ha tiêu số tiền sẽ rất lớn nếu đất không hợp thì coi nhu tiêu luôn, rồi lại vướng vào vòng luẩn quẩn, tốt nhất nên tham quan học hỏi rồi trồng cũng không muộn.

  9. trung_tin_727

    Trụ lục giác rỗng đúng là có độ đàn hồi thật, nhấc một đầu lên thấy trụ võng rõ ràng luôn. Em đã xem qua 5,7 điểm đúc trụ lục giác ở Chư Sê, thấy chỗ nào cũng giống nhau hết, giá khoảng 140k/cây bao gồm vận chuyển luôn. Còn theo kĩ thuật của bác chắc tốt hơn người ta thế nào thì em không biết, vì năm nay em trồng trụ sống hết nên trụ chết em không quan tâm lắm.

  10. TanGL

    Trụ lục giác dùng vẫn thích hơn, còn chắc hay không là ở kinh nghiệm người đúc trụ. Ở nơi mình người ta đúc trụ bằng 3 cây sắt 6, khuy tam giác sắt 4 hoặc sắt 3, trụ rất cứng. Nếu bạn tự làm vật liệu chừng 120.000đ – 127.000đ/trụ, còn bạn chưa từng làm thì tốt nhất nên mua, tránh hư trụ hao công. Trụ đặc giá 145.000đ/trụ, trụ rỗng 151.000đ/trụ.

  11. k duông

    Trồng tiêu mà làm trụ sống bị một khuyết điểm là phải bỏ công đi tỉa cành của cây trụ, rất hao công nhiều khi không có thời gian tỉa, hai nữa là cây cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu. Mà khuyết điểm lớn nhất là cây trụ sống cứ vươn cao và to ra, cao quá chặt tỉa vừa hao công vừa đổ gẫy tiêu lại nguy hiểm cho người leo trèo tỉa.

    1. Hòa Hiệp

      Bạn nói đúng, trồng tiêu mà không trồng băng nọc sống thì năng suất cao nhưng vườn tiêu mau tàn vì khai thác quá mức.
      Người Ấn Độ sang tham quan, họ rất nể năng suất nhưng họ bảo không thể học tập cách khai thác của mình vì không bền vững, không thân thiện với môi trường.

  12. k duông

    Nói thật tôi có khoảng 10 bụi tiêu trồng xen trong cà phê, trụ bằng cây vông mà mỗi năm tôi phải tỉa 3 lần, khi nào bận quên đi thì cành vông đã to chặt xuống gẫy cà phê và rụng tiêu, xong nữa leo lên chặt quả là rất nguy hiểm, ở chỗ tôi có anh bạn bị té chết vì leo tỉa cành vông của tiêu. Rồi lâu lâu trụ vông bỗng dưng lại chết gây nên đổ tiêu, tôi rất ngao ngán nhưng chưa có điều kiện, nếu có điều kiện tôi trồng trụ bê tông thay thế hết.

  13. leminh

    Chặt cà trồng tiêu liệu có rơi vào vòng luẩn quẩn?… Bác nào có mô hình, kinh nghiệm trồng xen tiêu trong cà đưa lên để bà con tham khảo học tập.

  14. vũ anh

    Tôi có thể đoán biết bạn TanGL ở đâu và đúc trụ tiêu là nghề của bạn? Đak Đoa, nơi trụ tiêu đúc đặc hay rỗng (lục giác) đều sản xuất hàng loạt và cung cấp cho nhiều nơi trong tỉnh Gia lai. Các bạn tranh luận là tốt đấy. Theo tôi, bạn TanGL nói thật lòng đấy, nhà nông ta nên tìm hiểu.
    Về trao đổi nên làm trụ sống hay Bêtông hoặc trụ gỗ lõi tôi có mấy ý cùng bàn:
    1-Trụ gỗ: Ưu diểm là di chuyển khó bị gãy nhưng vận chuyển trên đường dễ bị các ngành chức năng triệt-do phá rừng. Nhược điểm là làm loại này gây tổn hại môi trường do lỗi phá rừng. Thứ đến nhưng rất quan trọng đối với cây tiêu là trụ gỗ dễ gây nấm bệnh cho cây.
    2- Trụ bê tông có ưu điểm là nguyên vật liệu dễ tìm mua. Cách làm trụ cũng không khó nếu thật sự muốn tự làm. Trụ này sạch và khó nhiễm khuẩn vào thân trụ nên hạn chế được TỰ GÂY BỆNH.
    3- Trụ cây sống: Môi trường thân thiện, cây tiêu bền vững do có môi trường thiên nhiên tốt hơn. Khả năng chết nhanh chết hàng loạt rất khó xảy ra. Tuy nhiên nhược điểm của mô hình này là cùng trên một diện tích thì số trụ ít hơn (do phải trồng thưa). Năng suất cũng không cao như trồng đông đặc trụ gỗ lõi hay bê tông.
    Tôi đã thăm vườn cây tiêu của một bác nông dân tại huyện Măng Yang, Gia lai,bác chỉ trồng toàn cây sống ( sầu đông, lồng mứt, bời lời) khoảng cách 2,8 mét/trụ với diện tích 2ha. Đã nhiều năm cho thu hoạch,năng suất bình quân 3 kg/trụ. Mùa nắng vào vườn tiêu mát rượi như đi vào khu du lịch sinh thái. Không khí thật trong lành, cảnh nhà nông vô cùng thú vị.

  15. TanGL

    Bạn Vũ Anh nhầm rồi, mình trồng tiêu và tự đúc trụ để dùng, trụ bảo đảm chứ không tệ như bạn Trung Tín tham khảo ở Chư Sê. Trụ đặc nhanh và dễ làm hơn trụ rỗng. Ai cũng vậy thôi, lần đầu đúc trụ rất lâu, nếu không khéo lại hỏng trụ nữa.
    Theo mình thấy thì vườn tiêu tốt hay xấu điều do đầu tư phân, giống, kĩ thuật chăm sóc tiêu hợp lý… và đất phải phù hợp với cây tiêu, còn trụ bê tông rỗng hay đặc không ảnh hưởng mấy đến sự phát triển của cây tiêu.

  16. trung_tin_727

    Ai nói trụ sống mà năng suất thấp hơn trụ chết là không đúng, mình không thể khẳng định được vì có thể do trình độ thâm canh của những người trồng trên trụ chết cao hơn, cẩn thận thì sao. Em lấy vài ví dụ nhé.
    Ở Chư Sê chỗ em có vài vườn trụ bê tông năng suất đạt 8 kg khô/trụ, 1 sào khoảng 150 trụ thì năng suất là 12 tấn/ha. Còn ở dưới Cư Kuin – Đăk Lăk có vườn trụ sống đạt khoảng 10 Kg khô/trụ, 1 sào 110 trụ thì năng suất là 11 tấn/ha. Cá biệt có trụ cây muồng cao 13m, hái được 50 kg khô, hết 4 công hái. Thử hỏi có trụ chết nào được như thế không, trừ trụ điện.
    Nhà em có tất cả khoảng 4.000 trụ chết trong đó gồm khoảng gần 3.000 trụ sống đã cho kinh doanh và hơn 1.000 trụ bê tông vuông và trụ gỗ mới trồng năm ngoái. Năm nay em trồng mới thêm khoang 1,4 ha nữa nhưng không chơi trụ chết nữa mà bằng cây muồng và cây hông, trong khi đó người ta đang chuyển trụ gỗ đầy đường và đúc trụ vuông.
    Bản thân em thấy trụ sống thì đỡ vốn hơn, bền vững hơn và an toàn hơn. Tiêu trồng trên trụ sống đỡ bệnh hơn vì mình trồng thưa hơn. Có ai nghĩ đến mai mốt vườn tiêu nhà mình gặp xui mà chết hàng loạt, trồng tới trồng lui vài lần mà không được, muốn chuyển sang cây trồng khác thì thế nào chưa? Trụ gỗ thì nhổ lên bán lại được còn trụ bê tông khi nhổ lên mà nứt thì sao, 1 ha mà hơn 2.000 cọc bê tông đó thì biết chôn vào đâu, còn công cán của mình nữa. Nhưng đói với trụ sống thì khác, chỉ cần gọi điện thoại cho người mua gỗ là người ta mang cưa lốc đến dọn dẹp sạch sẽ cho các bác ngay, lại con có kha khá tiền nữa chứ. Nhưng trụ sống phải siêng rong cành và khó thu hái hơn, nếu không có nhân công ngoài thì cũng kẹt.
    Đây là ý kiến của em, ai có kinh nghiệm gì thì đưa lên mình cùng trao đỏi, học hỏi nhau nhé!

  17. Bi

    Những vườn tiêu chỉ trồng bằng trụ chết thì được bao nhiêu năm là tàn? Ở vùng em có nhiều nhà trồng bằng trụ sống được gần 30 năm rồi mà vẫn xanh um.
    Theo em, tính thời gian ngắn có thể trụ sống cho năng suất cao nhưng tính thời gian dài thì lợi nhuận từ cây trụ sống không thua đâu mà chăm sóc cũng nhàn hơn nữa.
    Còn chuyện lên rong cành bị té chết như k duông nói thì chỉ cá biệt thôi.

  18. vũ anh

    Bạn trung_tin_727 trồng tiêu ở huyện xã nào vậy? Tôi muốn tham quan học hỏi cách làm của bạn về trồng nọc sống. Cảm ơn bạn trước.

  19. trung_tin_727

    Chào bạn Vũ Anh
    Mình ở Chư Sê. Tiêu nhà mình hoàn toàn bằng trụ chết, năm nay mới bắt đầu chuyển đổi qua trụ sống. Vì nhà mình đã trồng trên trụ chết nên mình đã tham khảo các vườn trụ sống và nhận thấy trụ sống có hiệu quả hơn một chút. Nếu bạn muôn tham quan thì bạn có thế vào xã Ea Ning, Ea Bhôk ở huyện Cư Kuin – Đăk Lăk ấy. Khu vực đó trồng toàn trụ sống, vườn tiêu cũng rất đẹp.

  20. trung_tin_727

    Xin lỗi Vũ Anh, nhà mình có 3.000 trụ cống chứ không phải trụ sống đâu, hôm nay đọc lại mới biết sai chính tả. Bạn thông cảm.

    1. vũ anh

      Cảm ơn bạn trung_tin_727 cho mình địa chỉ để tham quan. Hy vọng mình sẽ có được chút hiểu biết về cách làm này ở các địa phương khác nhau. Cảm ơn bạn.

  21. Trần Ninh

    Anh cảm ơn tất cả những ý kiến thảo luận trên đây, nhất là ý kiến của bạn Trung tin 727. Anh có 04 ha cà phê năm thứ 12, trong vườn cà phê có cả cây muồng đường kính 20 cm rồi, không biết có nên trong xen cây tiêu nữa không?. Còn có diện tích đất trống gần 05 ha nữa, anh cũng tính trồng cây tiêu, và đang loay hoay nên dùng trụ cây sống hay là trụ truyền thống ? được các ý kiến thảo luận trên đây chắc anh dùng cây muồng sống làm trụ, nhưng khoảng cách bao nhiêu là phù hợp, còn giống tiêu nên chọn giống loại nào và mua ở đâu xin mọi người chỉ giúp, trân trọng cảm ơn.

  22. trung_tin_727

    Trồng trụ sống thì khoảng cách 2,8m hoặc 3,2m là phù hợp đó. Năm nay em trồng mới và trồng xen trong cà bằng cây hông. Em nghĩ chúng ta nên trồng bằng trụ sống thì hơn, vừa là giải pháp an toàn nếu chẳng may tiêu bệnh chết mà cũng vừa là phương pháp canh tác bền vững nữa. Giống thì mua ở các vườn phát triển tốt ấy, đừng mua ở viện này nọ kẻo dính vào tiêu trâu đó.

  23. trung_tin_727

    Em đâng dọn đất để trồng tiêu mà đang phân vân không biết nên múc hay là móc. Các bác cho ý kiến nhé.

  24. Trần Ninh

    Anh cảm ơn trung_tin_727, về trụ sống có lẽ ta không nên chọn cây hông, tuy ưu điểm nó phát triển nhanh, thẳng nhưng khả năng cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu nhiều hơn cây muồng. Còn giống tiêu đúng là nên chọn vườn có giống tiêu tốt, tuy nhiên ở đâu có được giống tiêu này, rất mong mọi người chỉ giúp, trân trọng cảm ơn.

Tin đã đăng