Dù đầu tư công cho lĩnh vực tam nông thời gian qua rất lớn, nhưng nhiều địa phương không biết lồng ghép các chương trình với nhau nên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng.
Nhận định trên được đưa ra tại phiên họp sáng 18.4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Trong ngày, UBTVQH đã nghe, thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông).
Hơn 432.000 tỷ đồng đầu tư cho tam nông
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, giai đoạn 2006 – 2011, tổng vốn đầu tư công (ĐTC) cho tam nông từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Tuy vậy, qua giám sát cũng cho thấy, nguồn lực đầu tư cho tam nông vẫn còn thiếu so với yêu cầu, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát với thực tế; vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư.
Ngoài ra, một chính sách khác cũng gây hạn chế là việc quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại Điều 70 Luật Đất đai. Điều này gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta đầu tư cho tam nông rất lớn, giai đoạn sau luôn hơn trước, giờ chiếm tới gần 50% tổng vốn đầu tư ngân sách mà kết quả đem lại chưa tương xứng? Điều này báo cáo chưa làm rõ, chưa chỉ ra được nguyên nhân.
“Có nguồn lực lớn, được quan tâm nhiều, nhưng vẫn có cái gì đó chưa thực sự tạo ra động lực cho tam nông phát triển đúng tầm. Đặc biệt, chúng ta chưa biết cách khai thác tiềm năng, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, nhiều vấn đề vẫn nặng bao cấp nên hiệu quả không cao” – ông Hiển chỉ rõ.
Ông Hiển băn khoăn: Tại sao đầu tư trung và dài hạn và đầu tư của các doanh nghiệp lớn của Nhà nước và nước ngoài thường rất hạn chế đầu tư vào lĩnh vực tam nông? Rồi ông tự trả lời luôn: Đó là do tỷ suất lợi nhuận của đầu tư vào tam nông luôn thấp hơn so với các khu vực khác, trong khi đó thu hồi vốn thì lâu và đặc biệt là rủi ro cao.
“ĐTC thì lớn như vậy, nhưng qua giám sát thực tế thì thấy các công nghệ, tiến bộ khoa học – kỹ thuật áp dụng vào nông nghiệp vẫn còn chưa đồng đều, nhiều khâu, lĩnh vực còn bỏ trống như giống cây trồng (liên quan tới công nghệ sinh học) hay bảo quản sau thu hoạch” – ông Hiển nhận định.
Phải huy động nội lực từ dân
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng sau khi đánh giá báo cáo giám sát làm trong 2 tháng mà được như vậy là khá tốt và cụ thể cũng đưa ra một số nhận định, trong đó có ý kiến được nhiều thành viên khác đồng tình: “Một số nơi thì không có trong khi có nơi lại quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Thế nhưng địa phương lại không biết lồng ghép các chương trình với nhau nên đầu tư không hiệu quả. Ví dụ như nơi cần giường bệnh thì lại được cho máy tính, nơi có mấy chương trình chỉ tập trung vào nước trong khi điện không có” – ông Dũng phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội Trương Thị Mai đề nghị bản báo cáo phải làm rõ được bộ mặt nông thôn VN đã thay đổi như thế nào trong 5 năm qua (2006 – 2011) và thách thức trong 10 năm tới là gì, chuyển dịch cơ cấu lao động như thế nào. Bà Mai cũng yêu cầu báo cáo tập trung thêm vào chính sách giảm nghèo bởi đây là vấn đề trọng tâm của nông thôn VN vì người nghèo tập trung chủ yếu ở nông thôn.
“Hộ nghèo ở VN khác các nước là số lượng rất lớn và số lượng cận nghèo cũng rất lớn, vì thế nên gây ra tình trạng thoát nghèo không bền vững, khả năng tái nghèo cao. Vì thế, chúng ta phải có chính sách mới cho số hộ cận nghèo” – bà Mai kiến nghị.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì cho rằng: “Nếu so với tỷ trọng, ngân sách và điều kiện của nước ta, không thể nói ĐTC cho tam nông là thiếu được. Có thể không phải là thiếu so với khả năng của đất nước mà thiếu so với nhu cầu thực tế mà thôi”.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Ksor Phước, chỉ có cách huy động nguồn lực từ sức dân, Nhà nước và nhân dân cùng làm chứ không thể trông vào mỗi Nhà nước được. Ông Ksor Phước ví dụ: “Như chương trình xây dựng nông thôn mới, theo tính toán để xây dựng một xã như vậy phải mất khoảng 220 tỷ đồng. Cả nước bao nhiêu xã cần xây dựng nông thôn mới, nếu không kêu gọi nguồn lực từ dân thì ngân sách làm sao chịu nổi?”.
Sau khi Nghị quyết T.Ư 7 được ban hành, đầu tư cho tam nông đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư đã tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2009 – 2011, mức đầu tư cho khu vực này tăng lên theo từng năm, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này trong 3 năm là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết T.Ư 7 (2006 – 2008).