Xuất khẩu nông sản: Tập trung sản xuất 4 mặt hàng chủ lực

Lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản sẽ là 4 mặt hàng chủ lực được nước ta tập trung sản xuất trong thời gian tới. Điều này được xác định rõ trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Bộ NNPTNT xây dựng.

Chưa thành công trong chế biến

Hạn chế lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là công nghệ chế biến nông sản còn quá nhiều hạn chế. Hầu hết các mặt hàng nông sản vẫn chủ yếu xuất thô. Điều này được chính Bộ NNPTNT thừa nhận: Trong 10 năm qua, dù đã có nhiều cố gắng để phát triển công nghiệp chế biến, nhưng đến nay vẫn chưa thành công, dẫn tới nhiều lo ngại, hàng nông sản Việt Nam sẽ bị giảm giá trị xuất khẩu, thậm chí bị cạnh tranh ngay trên sân nhà.

sản xuất lúa gạo
Lúa gạo vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực cần tập trung sản xuất.

Về vấn đề này, theo ông Lương Thế Phiệt- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), hiện vẫn còn nhiều lo ngại về mở cửa thị trường, nhưng Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết của mình.

“Một trong các yếu tố cần điều chỉnh là những gì chúng ta sản xuất không hiệu quả, thì phải chấp nhận sự cạnh tranh của quốc tế. Chúng ta chỉ nên tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thế giới mạnh như lúa gạo, cà phê Robusta, cao su, thủy sản… Đặc biệt, cần tập trung phát triển chế biến nâng cao giá trị gia tăng” – ông Phiệt cho biết.

Đánh giá trên bình diện chung, Bộ NNPTNT nhìn nhận: Các doanh nghiệp nông nghiệp đang chịu nhiều rủi ro, không chỉ đối phó với rủi ro thị trường, mà còn rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh và phải làm việc với hàng vạn nông dân nhỏ lẻ.

Nhân rộng các mô hình PPP

Ông Vũ Quốc Tuấn- Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại (Công ty TNHH Nestlé – một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện mô hình hợp tác công – tư (PPP) tại Việt Nam) cho biết: “Hiện chúng tôi đang xây dựng mô hình vườn mẫu cho các hộ trồng cà phê ở Đăk Lăk với 2 vườn mẫu và 100 hộ tham gia. Khi tham gia mô hình này, người dân sẽ được trồng cà phê theo kỹ thuật, hướng dẫn của công ty và chúng tôi cũng đồng thời bao tiêu, thu mua sản phẩm cho dân với giá cao hơn bình thường”.

Ông Trang Hiếu Dũng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết: “Gần đây, Bộ NNPTNT đang thử nghiệm các mô hình PPP, phối hợp với các đối tác như Unilerver, Metro, Nestlé… trong sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm”. Theo khuyến nghị của tổ chức Jica (Nhật Bản), ngoài mô hình cà phê, Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh lương thực, hướng tới tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

TS Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định sản xuất nông nghiệp phải mang tính chất sinh thái bền vững, thân thiện môi trường, có sự quy hoạch đảm bảo sự cân đối trong không gian, hài hòa về sinh học. Đồng thời, cần có những quy định kiểm soát, cấp chứng chỉ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu với sản phẩm nông nghiệp, có sử dụng kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường và sinh thái”.

Một số chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng: Việt Nam vẫn quen với phương pháp định hướng định lượng và mục tiêu hầu hết định lượng bằng các con số. Điều này sẽ không khả thi khi số lượng từng sản phẩm tại từng thời điểm sẽ do nông dân sản xuất theo giá cả thị trường.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng