Dù là nước nông nghiệp, nhưng mỗi năm Việt Nam phải tốn hàng tỉ USD để nhập khẩu hạt giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vắc xin phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm… Việc quá phụ thuộc vào nước ngoài đã và đang gây ra những hệ lụy lớn.
Giống là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi, có ảnh hưởng lớn đến khâu tiêu thụ, nhất là đối với xuất khẩu. Hiện Việt Nam đang phải ồ ạt nhập khẩu con giống, cây giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Cây gì, con gì cũng phải nhập
Theo ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, hằng năm chúng ta phải chi khoảng 46 triệu USD để nhập khẩu 15.000 tấn giống lúa lai, 30 – 40 triệu USD mua gần 10.000 tấn hạt giống ngô lai và cả trăm triệu USD để nhập phần lớn hạt giống rau, nhất là hạt giống rau lai F1 từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết thêm, chúng ta mới chỉ tự sản xuất được khoảng 35% giống lúa lai, còn lại phải nhập từ nước ngoài. Lượng hạt giống rau và hoa ta phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài chiếm tới 80%. “Đang gieo trồng chủ yếu trên 30 giống rau nhưng một nửa trong số đó chúng ta không tự sản xuất được. Năm 2011, xuất khẩu rau quả đạt 600 triệu USD nhưng cả nước đã phải bỏ ra gần 100 triệu USD chỉ để nhập khẩu hạt giống”, ông Trần Khắc Thi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, nêu thực trạng.
Một khi phần lớn giống của mình là nhập ngoại, sản xuất ra hàng hóa, bán trong nội địa không có vấn đề gì nhưng xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường thế giới sẽ lại vấp phải vấn đề bản quyền
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam
Điều đáng buồn là Việt Nam đang phải nhập khẩu ngay cả những giống cây mà ta hoàn toàn có thể tự sản xuất nếu như được đầu tư một cách thích đáng, như cà chua, dưa chuột, đậu bắp… “Chúng ta nhập hạt giống ngô, rau củ quả và cả lúa nữa một phần vì trình độ chọn tạo giống trong nước còn kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế, trong khi đó các DN chọn tạo giống nước ngoài giàu tiềm lực về kinh tế và công nghệ có thể tạo ra giống lai F1 chất lượng cao. Giống lai ngày càng chiếm ưu thế ở Việt Nam vì năng suất cao, đem lại giá trị kinh tế cao. Thêm vào đó, giống ngoại nhập cho rau quả thành phẩm có chất lượng đồng đều, phù hợp cho chế biến công nghiệp và xuất khẩu”, ông Thi phân tích.
Tương tự, hiện nông dân đang nuôi rất nhiều ngan, gà, heo từ nguồn giống do nước ngoài sản xuất và cung cấp. Cục phó Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn thừa nhận Việt Nam đang phụ thuộc gần như hoàn toàn nguồn giống gà lông trắng vào các công ty nước ngoài. Chỉ riêng năm 2011, cả nước đã nhập tới 2 triệu con gà bố mẹ. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giống heo bản địa tăng trọng thấp, chỉ 160 – 200 g/ngày trong khi heo ngoại có thể tăng tới 400 – 500 g/ngày. Gà ngoại thì chỉ cần 40 ngày đã đạt 1,5 kg/con nhưng đối với gà ta phải mất tới 160 ngày. “Không thể địch nổi đâu. Chúng ta đang phải nhập khẩu giống đầu dòng đối với heo và phụ thuộc gần như hoàn toàn về giống gà lông trắng”, ông Lịch nói.
Nỗi đau “gà lông trắng”
Tình trạng phụ thuộc giống là cơ hội cho các DN nước ngoài ép giá. Chẳng hạn với gà giống lông trắng, thời gian qua đã có dấu hiệu cho thấy các DN nước ngoài tung chiêu làm giá khiến các chủ trang trại gặp khốn khó. Từ tháng 6.2011, giá thịt gà tăng cao kỷ lục, giá gà giống tăng chóng mặt. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, sau khi giá thực phẩm hạ nhiệt, giá gà giống lông màu giảm đáng kể thì giá gà lông trắng vẫn đứng ở mức rất cao, khoảng 22.000 đồng/con, bất chấp giá thành chỉ ở mức 12.000 đồng/con. “Bán với giá đó là siêu lợi nhuận và có yếu tố làm giá. Gà giống lông trắng chủ yếu là do các DN nước ngoài sản xuất và cung ứng cho các trang trại trong nước. Họ chiếm thị phần lớn nên hoàn toàn có thể làm giá”, ông Sơn nói.
Chương trình giống Chính phủ đã ban hành một chương trình giống, tăng cường việc nghiên cứu các giống phù hợp với điều kiện của từng vùng và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, cung ứng giống tốt cho nhân dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các địa phương triển khai tốt hơn chương trình mà Chính phủ đã ban hành để phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần bức xúc: “Giá gà giống lông trắng cao như thế là không thể chấp nhận được. Với giá đó, người chăn nuôi gia cầm chắc là chẳng được lợi gì. Thời gian qua chúng ta chú trọng sản xuất gà giống lông màu mà bỏ quên gà giống lông trắng. Cái thiếu không làm, chúng ta lại đổ xô đi sản xuất cái đã thừa nên mới bị DN nước ngoài lợi dụng sự khan hiếm gà giống lông trắng để thổi giá”.
Câu chuyện về giá gà lông trắng giống hoàn toàn có thể lặp lại đối với những nông dân trồng rau, quả, hoa, thậm chí cả lúa gạo. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình khảo nghiệm các giống ngô biến đổi gien do các tập đoàn giống là những “người khổng lồ” trong lĩnh vực chọn tạo giống trên thế giới cung cấp. Tuy chưa quyết định cho trồng đại trà các giống ngô này trên đồng ruộng, nhưng các chuyên gia nông nghiệp cũng đã cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty nước ngoài về nguồn giống. Các nhà khoa học cho rằng, giống ngô biến đổi gien có giá rất cao, ước tính cao gấp 7 lần so với giống ngô người nông dân trong nước đang trồng. Khi giống ngô biến đổi gien đã chiếm ưu thế, việc quay trở lại với giống truyền thống sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể. Sự lệ thuộc triền miên vào các DN nước ngoài về giống biến đổi gien sẽ thể hiện rõ nét qua việc nông dân ta hằng vụ phải đi mua giống để trồng hoặc nhà nước sẽ phải bỏ tiền mua gien cho các viện nghiên cứu trong nước tạo giống chuyển gien để bán cho nông dân.
Ông Ngô Văn Giáo cho rằng thị trường hạt giống ở nước ta rất tiềm năng nhưng các DN trong nước còn nhỏ bé, ít vốn, công nghệ lạc hậu, chỉ chiếm thị phần không đáng kể so với các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam, nên nguy cơ DN nước ta trở thành nhà phân phối cho các công ty đa quốc gia nhiều khả năng sẽ xảy ra trong tương lai không xa.
Còn theo GS Long, nhập khẩu ồ ạt các loại hạt giống đặc biệt là hạt rau và hoa… là điều tối kỵ. “Ngoài việc phụ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài, nguy cơ bị ép giá là nhãn tiền thì một khi phần lớn giống của mình là nhập ngoại, sản xuất ra hàng hóa, bán trong nội địa không có vấn đề gì, nhưng xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường thế giới sẽ lại vấp phải vấn đề bản quyền”, GS Long nói.
Xây dựng những ông vua
Tôi cho rằng cần phải có cuộc cách mạng trong việc tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và thương mại hạt giống. Chúng ta phải xây dựng chiến lược phát triển ngành này theo hướng công nghiệp tập trung, có tính đến yếu tố xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng. Trong đó ưu tiên vào khâu đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi với những ông “vua ổi”, “vua mít”, “vua cà chua”… Việc này rất khó nhưng vẫn phải làm. Nhà nước cần xây dựng cơ chế để nhà khoa học chuyên tâm vào công việc của mình. Họ phải được hưởng một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ sản phẩm giống do họ tạo ra.
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam – GS Trần Đình Long