Thị trường hàng hóa thế giới có 1 tuần lễ chao đảo bởi áp lực lạm phát ngày càng lớn đè nặng lên giá dầu mỏ, vàng, cà phê trong bối cảnh sự bất ổn của hai vùng Đông-Tây Á tiếp nối khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ đẩy USD lên cao.
Đầu tuần, giá cà phê thế giới bật tăng trên cả 2 thị trường bởi lực mua của nhà đầu tư sau thời gian trì trệ khá dài.
Tại London, các kỳ hạn giao tháng 5 và 7 tăng 10 USD, tương đương 0,49%, lên 2.036 USD/tấn và 2.050 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn xa tăng mạnh hơn.
Tại New York, kỳ hạn giao tháng 5 tăng 3,75 cent, tương đương 2,01%, lên mức 186,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 3,85 cent, tương đương 2,04%, lên mức 188,85 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên vẫn duy trì quanh quẩn mức 40.000-40.100 đồng/kg.
Nguyên nhân tăng do cảnh báo của ICO về dự trữ xuống thấp ở các nước xuất khẩu và lượng hàng xuống tàu của Brazil cũng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Thông tin về Indonesia bắt đầu thu hoạch vụ mùa cũng không mấy tác động đến thị trường cà phê thế giới vì nhu cầu tiêu thụ nội địa cao. Nước này cũng đang tìm mua hàng từ Việt Nam do giá cà phê trong nước đang ở mức cao hơn rất nhiều.
Giữa tuần, thị trường cà phê thế giới liên tiếp sụt giảm trước sức ép của USD và áp lực lạm phát. Giá cà phê Robusta giao tháng 5 mất tất cả 49 USD, tương đương 2,41%, xuống 1.987 USD/tấn và giao tháng 7 cũng mất tất cả 45 USD, tương đương 2,20%, xuống 2.005 USD/tấn. Giá cà phê Arabica ở các kỳ hạn tương tự, giảm lần lượt 3,2 cent và 3,35 cent, tức giảm 1,72% và 1,77%, xuống còn 183 cent/lb và 185,5 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên mất tất cả 800 đồng, xuống còn 39.200-39.300 đồng/kg.
Cuối tuần, thị trường cà phê thế giới nghỉ lễ Phục Sinh cho đến hết ngày thứ Hai tuần sau.
Giá cà phê nhân xô trong nước được các đại lý thu mua quanh quẩn ở mức 39.000 đồng/kg. Thị trường nội địa cũng im ắng, giao dịch gần như không đáng kể.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ là 1.975 USD/tấn, (FOB), với mức trừ lùi vẫn duy trì 30 USD theo giá tháng 7 của London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 5 giảm 39 USD và giao tháng 7 giảm 35 USD, trong khi giá cà phê Arabica giao tháng 5 tăng 0,55 cent và giao tháng 7 tăng 0,5 cent. Giá cà phê nhân xô trong nước cũng thấp hơn 1.000 đồng so với cuối tuần trước.
Các nhà phân tích cho rằng, rất khó đoán được hướng giá Robusta trong ngắn hạn. Tuy nhiên xét trong dài hạn, giá cà phê Robusta sẽ hồi phục bởi nguồn cung tại châu Âu tương đối thắt chặt trong khi mùa tiêu thụ cao đang tới gần.
Anh Văn (Giacaphe.com)
Tui nhớ có lần nào đó trong bài viết chú Anh Văn nói là giá cà phê Robusta thường trái chiều với giá vàng, tui thấy mấy bữa nay giá vàng đang yếu mà.
Cuối bài có tia hy vọng cà sẽ lên do Châu Âu đến mùa tiêu thụ tăng dần. Hi vọng thế!
Giá cà phê thấy chẳng khả quan là bao cả mặc dù Euro sắp tới gần. Nhớ Worlcup năm 2010 diễn ra mà giá cũng chẳng có tăng gì cả không biết Euro năm nay thế nào bà con nhỉ.
Hy vọng bóng đá Euro. Chúng ta thăm dò Brazin xem họ có cách gì đẩy giá để ủng hộ. Thường nước nghèo hay bán phá giá. Ai có cách gì tư vấn giúp.
Mình tự cứu mình trước khi trời cứu. Sao các bạn lại ngây thơ ngồi chờ bố thí làm gì? Đảng và nhà nước đã có lý luận viết thành sách đó là đừng chờ tư bản (đế quốc) rũ lòng thương, quyền lợi mình phải chiến đấu mà giành lấy.
Giá cứ lè tè di lên được vài đồng, hôm sau lại xuống, chẳng biết đâu mà lần. Chỉ có nông dân là khổ thôi, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, khổ nhưng chẳng biết kêu ai.