Những vườn cà phê chè bạt ngàn, xanh ngắt trải khắp trên các quả đồi, vạt núi đã trở thành cây trồng chính, cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La).
“Đánh bạc” với cây cà phê
Năm 1998, cây cà phê chè đã được đưa về trồng ở Chiềng Cọ. Khi mới đưa về, hầu hết người dân ở đây đều không mặn mà với cây trồng lạ này, bởi họ vốn quen trồng cây ngô, sắn. Ông Quàng Văn Lẻ- Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ tâm sự: “Có người đã bảo trồng ngô, sắn ế còn để ăn được, cà phê mà ế thì chỉ có chết đói, uống cà phê có no được đâu. Họ lo cũng có cái lý của họ. Trước tình hình đó, xã phải cam kết lo đầu ra và hỗ trợ giống, phân bón để người dân yên tâm trồng. Từ đó, nhiều hộ dân mới chịu làm theo”.
Sau 14 năm “bám trụ”, diện tích cà phê ở Chiềng Cọ đã tăng lên 450ha, trong đó khoảng 380ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 85-95 tạ/ha, sản lượng quả tươi ước đạt 3.000 tấn/năm. Theo đánh giá của UBND xã Chiềng Cọ, riêng cà phê đã đạt giá trị tới 32 tỷ đồng mỗi năm.
Trung bình, Chiềng Cọ trồng mới từ 5-10ha cà phê/năm. Mặc dù quỹ đất sắp hết, nhưng nhận thấy giá trị kinh tế của cây cà phê, nhiều hộ đã dần chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê, hiện lúa chỉ còn khoảng 100ha, ngô 90ha, sắn 130ha.
“Để đẩy mạnh việc phát triển cây cà phê, xã đã vận động người dân mua gần 100 máy cày tay, hàng trăm máy bơm nước để tưới. Ngoài ra, xã còn chỉ đạo các đoàn thể ký ủy thác hơn 5 tỷ đồng, cho hơn 400 hộ vay để phát triển kinh tế” – ông Lẻ cho biết.
Những “đại gia” giữa núi rừng Tây Bắc
Sau hơn 10 năm bám rễ ở mảnh đất Chiềng Cọ, cây cà phê chè đã đem đến cho người dân sự no ấm, nhà tầng, xe máy, thậm chí cả ô tô. Anh Lò Văn Phương ở bản Ót Nọi nói: “Ngày trước, nhà mình nghèo lắm, cái nhà thì dột, cái ăn thì không no. Từ khi trồng cà phê, mình chẳng phải lo cái ăn nữa, nhà cũng đẹp hơn rồi”. Nhà anh Phương hiện có 1,4ha cà phê, mỗi năm thu hoạch được 20 tấn quả tươi, trừ chi phí còn lãi được tới 120 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi lên đồi cà phê, anh Cà Văn Biển, cũng ở bản Ót Nọi khoe: “Cả khu này đều là cà phê nhà tôi”. Theo anh Biển, cây cà phê trồng ở Sơn La tuy năng suất thấp hơn ở Tây Nguyên, nhưng chất lượng cũng tương đương. “Năm ngoái, 4ha cà phê tôi thu được gần 40 tấn quả tươi, với giá 14.000-15.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu, bằng cả thu nhập từ ngô, sắn của nửa bản cộng lại” – anh Biển khẳng định.
Một trong những “đại gia” phất lên từ cà phê ở Chiềng Cọ, phải kể đến anh Quàng Văn Ban, người có ngôi nhà to đẹp, cao nhất bản. “Trồng cà phê cũng tương tự như trồng chè, tuy nhiên cà phê giá trị kinh tế cao hơn. Cây cà phê phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đây là loại cây rất dễ bị nhiễm nấm, nhất là thời kỳ ra hoa, quả, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê”.
Tôi tin sau mỗi vụ cà phê Sơn La lại có thêm nhiều tỉ phú, không chỉ làm giàu cho mình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều khác. Làm tấm gương sáng để dân trong bản học tập. Dân giàu nước mới mạnh được.
hư cấu tôi ớ sơn la năm ngoái giá có 12k năm nay đầu mùa 2k đến giờ là 5.8k thuê hái 2k trên một kg người nông dân dang chặt cà phê rồi các ông ạ nhà tôi và những nhà xung qanh hết vụ xẽ chặt đây là cây đói kém nếu giá cứ bấp bênh thế này mà cà khô năm ngoái bán tại nhà có lúc thấp nhất là 25k 1 kg khô .