Một số doanh nghiệp trong ngành điều so sánh tình hình khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành này là “quả bom nổ chậm” sau khi có thông tin về một công ty nằm trong nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều hàng đầu tại Việt Nam bị phá sản.
Ông Hoàng Bình, Giám đốc Công ty Việt Sơn cho biết, trong 296 công ty xuất khẩu điều hiện nay, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Ngoài một doanh nghiệp bị phá sản nói trên thì có ít nhất khoảng 5 doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ tương tự.
“Đó mới chỉ là những công ty có vốn lớn, còn những công ty nhỏ rời bỏ thị trường hoặc một số đó đã không đưa hạt điều vào danh mục kinh doanh của công ty trong thời gian qua”, ông Bình nói.
Năm 2011, Công ty Việt Sơn của ông Bình bị lỗ khoảng 10 tỉ đồng. Nguyên nhân là công ty mua điều thô với giá cao nhưng sau đó do nhu cầu thị trường đi xuống nên phải bán điều nhân với giá thấp. Hiện điều xuất khẩu từ Việt Nam đang được chào bán với giá 3,15 đô la Mỹ/ pound (1 pound =0,454 kg).
Từ cuối năm 2011 đến nay, giá điều nhân luôn duy trì ở mức trên dưới 3,2 đô la Mỹ/pound, giảm khoảng gần 1 đô la Mỹ/ pound so với thời điểm đầu năm 2011. Chẳng những vậy, sức mua từ các nhà nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ không tăng mà còn có dấu hiệu giảm xuống.
“Công ty chúng tôi thường mua điều rồi chế biến xuất khẩu nhưng vẫn bị lỗ, còn những công ty nào mua lượng điều dự trữ lớn trong năm 2011 thì sẽ còn bị lỗ nhiều hơn. Lý do là hiện các nhà nhập khẩu điều nhân từ Việt Nam chỉ mua những sản phẩm chế biến từ vụ điều 2012 và hầu như họ không mua điều nhân của năm 2011”, ông Bình nói.
Ông Bình ước tính, hiện có khoảng 200.000 tấn điều thô của năm 2011, chủ yếu là điều thô nhập từ châu Phi còn nằm trong kho của nhiều doanh nghiệp chưa có thể chế biến thành phẩm để xuất đi.
Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cũng từng thừa nhận nhiều doanh nghiệp đang tồn trữ một lượng điều thô từ năm 2011 khá lớn nhưng không cung cấp số liệu cụ thể là bao nhiêu.
Theo giải thích của ông Huỳnh Văn Ngừng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Lâm, do nhiều doanh nghiệp điều dự báo sai về thị trường nên mới mua điều nguyên liệu với giá cao, trung bình 35.000 đồng/kg nhưng giá bán thành phẩm lại thấp nên mới có tình trạnh nhiều doanh nghiệp thua lỗ.
“Việc một công ty trong nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều hàng đầu rời thị trường kinh doanh hạt điều và có thể một vài công ty thuộc nhóm này sẽ rơi vào cảnh tương tự cũng là điều dễ hiểu vì kinh doanh luôn có sự đào thải của nó”, ông Ngừng cho biết.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp có nhiều công ty trong lĩnh vực thủy sản, cà phê gặp khó khăn trong kinh doanh, một số bán nhà máy để trả nợ, một số “phá sản” trong im lặng. Nay, các doanh nghiệp điều cũng đang nằm trong tình cảnh tương tự.