Xác định cà phê là cây mũi nhọn góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên đã tập trung phát triển vùng chuyên canh cà phê và phấn đấu sẽ trồng 4.000 – 4.500ha cà phê đến năm 2015.
Người dân xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng đang kiểm tra cây cà phê.
Đây là chủ trương đúng, bởi lẽ cà phê không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nông dân làm giàu chính đáng trên vùng đất còn nhiều gian khó.
Không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo…
Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, Nguyễn Hữu Hiệp, chúng tôi được biết: Vụ cà phê năm 2011 của huyện được mùa, trúng giá, với doanh thu kỷ lục ước đạt 180 tỷ đồng. Nếu so với các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô thì lợi nhuận của cây cà phê vẫn cao gấp 2,5 – 3 lần. Quan trọng hơn là nhờ trồng cà phê mà người dân địa phương có việc làm và giải quyết thêm việc làm cho không ít lao động nông thôn ở các vùng lân cận như xã Nà Tấu (huyện Điện Biên), xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) khi cà phê vào vụ thu hoạch.
Nếu như trước đây, cà phê mới được trồng chủ yếu ở thị trấn Mường Ảng, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang thì nay đã phát triển tới các xã Mường Đăng, Ngối Cáy… Về đến Mường Ảng, gặp người dân đâu đâu chúng tôi cũng được nghe bà con bàn về việc chăm sóc, bảo vệ, thu hái và phát triển vườn cà phê. Thế mới biết, người dân ở Mường Ảng bây giờ thức thời lắm trong việc lựa chọn cây, con giống để trồng trọt, chăn nuôi. Nhận thức được rằng, cà phê không chỉ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu, nên trong tâm trí của người dân Mường Ảng coi đó là cây của người giàu mà tập trung đầu tư chiều sâu, chăm sóc, vun xới, tỉa cành. Nhờ vậy, những năm qua, năng suất trung bình của cà phê ở Mường Ảng đạt 2,5 – 3 tấn cà phê trấu/ha/năm, cá biệt, những hộ có kinh nghiệm, chăm sóc tốt, năng suất vượt trội đạt khoảng 3,5 tấn cà phê trấu/ha/năm. Trừ chi phí, mỗi gia đình ở Mường Ảng chỉ cần có 1ha cà phê kinh doanh đã thu về được 60 – 70 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Tứ, chủ doanh nghiệp cà phê có tiếng của thị trấn Mường Ảng cho biết: Với 32ha cà phê, trong đó có hơn 20ha cà phê kinh doanh. Tuy nhiên, để quản lý và phát triển doanh nghiệp, đơn vị chỉ cần 7 cán bộ, công nhân viên, còn lại công việc cụ thể vun xới, bón phân như thế nào, phòng trừ sâu bệnh, thu hái ra sao thì lại là việc được giao cho người lao động. Để làm được từng ấy việc, không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm mà phải có kiến thức, biết áp dụng KHKT vào sản xuất mới hiệu quả. Chính vì thế mà doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho người lao động kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây cà phê. Nhờ cách làm ấy, mà hạn chế thấp nhất số lượng cà phê bị tuốt cành, hái cà phê xanh, chất lượng cà phê từng bước được nâng lên. Vào vụ thu hoạch, doanh nghiệp thuê hàng trăm lao động địa phương, trả công theo sản phẩm, giá trị ngày công đạt 100.000 – 120.000 đồng/người, cá biệt có những lao động giá trị ngày công đạt 150.000 – 180.000 đồng/người. Với cách quản lý doanh nghiệp tinh gọn như vậy giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Cú hích để cà phê Mường Ảng phát triển bền vững
Theo đánh giá của giới chuyên môn, huyện Mường Ảng là nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Nên những năm qua toàn huyện đã phát triển khá nhanh cây cà phê, với tổng diện tích hơn 2.580ha, trong đó có hơn 1.400ha cà phê kinh doanh. Tiếp sức cho nông dân trồng cà phê phát triển thành vùng chuyên canh, tỉnh đã có chính sách ưu đãi hỗ trợ 50% giá giống đối với vườn trồng mới, hỗ trợ 70% lãi suất tiền vay cho đến khi kết thúc dự án. Đối với cà phê doanh nghiệp, tỉnh cũng như huyện Mường Ảng có chính sách thu hút doanh nghiệp có thương hiệu trong lĩnh vực cà phê đến đầu tư, phát triển…
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng như người trồng cà phê ở Mường Ảng đều mong muốn, Nhà nước cần quan tâm tới việc phát triển cây công nghiệp này, có chính sách hỗ trợ ưu đãi cụ thể, rõ ràng hơn như cây cao su. Có như vậy, cả người trồng cà phê và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này đều có động lực và yên tâm hơn để gây dựng thương hiệu, chất lượng cà phê Mường Ảng bay cao và bay xa hơn. Đồng nghĩa với điều đó, cuộc sống của người trồng cà phê không chỉ vượt đói, nghèo mà còn làm giàu cho gia đình, góp phần hiệu quả vào công cuộc xói đói giảm nghèo ở địa phương.
Gia Kiệt
Người dân Mường Ảng đang chết dở với giá cà phê mà nhà báo này viết được giá, chắc nhà báo lấy số liệu do người khác cung cấp?
hoa hoa hoa ơi! Chắc có lẽ nhà báo đưa số liệu này lên nhằm khuyến cáo các bác nông dân trồng càfe ở Lâm Đồng không nên trồng nhiều coi chừng bán không được rồi chết dở như ở chổ hoa.
Hoa nói vậy là sao? Nhà chị gái tôi ở Điện Biên vẫn bán được cape giá 60.000/kg mà.
Giờ ở Điện Biên cà arabica được mua với giá trên 30 còn thấp hơn cả cà rô. Nhà chị gái bạn ở chỗ nào mà bán được giá vậy?
Giá cà A còn phụ thuộc vào phương pháp chế biến nữa !
Nếu chế biến ướt giá thường được gần gấp 2 lần giá chế biến khô.
Ở Điện Biên toàn dùng phương pháp chế biến ướt mà. Do ở trên này có ít công ty thu mua nên họ ép giá lắm.
Riêng mình thì mình không nghĩ là cứ chế biến ướt thì giá gấp đôi việc làm khô. Vấn đề là ở Điện Biên họ trồng cà phê chè, cà phê chè thì phải chế biến ướt mới đạt, mà giá cà chè thì thường gấp đôi cà sẻ.
Như ở Đà Lạt, người dân bán tươi cà Mor (Catimor) 14 nghìn/kg, 4 kg tươi thì được 1 kg thóc, làm ướt thì bán được 60 nghìn/kg thóc (cái này là giá từ hồi tháng 12/2011).
Không biết là ở Điện Biên người dân thu hoạch xong bán tươi hay tự chế biến thủ công nhỉ?!
Giá nhân xuất khẩu ở Điện Biên được nhân với giá 52 thì bạn tính quy ra cà thóc được là bao nhiêu?
Nhà chi mình ở xã Thanh Xương. Tại Điện Biên các đại lý thu mua rất ít nên thường bị ép giá, đầu mùa thu hoạch Cà phê vừa rồi có lúc giá Cà phê tại Điện Biên giá 65.000/kg là có thật. Vừa rồi mình có về thăm quê Điện Biên thấy cây Cà phê ở đó phát triển tốt và cũng khá năng suất. Mình khuyên bạn nên bán đúng thời điểm nhé!
Chắc các bác “Tỉnh” cũng đang đau đầu về việc … doanh nghiệp nào “tốt và uy tín” để mời về đầu tư nhỉ! Nghe có mùi “dự án” quá!
Còn như bài viết thì không hiểu “tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh” làm thế nào mà có thể “giảm tình trạng tuốt cành, hái trái xanh” được nhỉ?!
ở Điện Biên người dân thu hoạch xong tự chế biến thủ công. Phơi khô và chờ tư thương… ép giá. Cực lắm. Bực mấy ông DN nhà nước đã để cho 1, 2 tư thương lũng đoạn.
Doanh nghiệp và người dân Mường Ảng sắp chết hết vì cà phê rồi! Giá thì thấp, hỗ trợ lãi thì phong bao cùng huề …
Bài báo hồi mới đăng năm 2012 nghe Mường Ảng kêu gần chết, qua năm 2013 cà xuống 110 cent không nghe ai kêu chết, năm nay 2014 cà lên 180 cent lại nghe Mường Ảng kêu sắp chết nữa… chứng tỏ bà con Mường Ảng vẫn sống tốt, sống khỏe nhỉ.